Su-24 Nga rơi: Hy vọng NATO không phải viện đến điều 5

Thiên Nam |

Lúc 17h23, Điện Kremlin chính thức ra tuyên bố chiếc Su-24 bị bắn rơi khi đang bay trong không phận Syria, còn Thổ Nhĩ Kỳ đang tích cực tham vấn NATO.

Nga khẳng định Su-24 không xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ

Lúc 17h23 giờ Việt Nam, đại diện báo chí của phủ Tổng thống Nga chính thức ra tuyên bố, chiếc Su-24 của Nga đang tham gia chiến dịch chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria đã bị bắn rơi khi nó “đang bay trong không phận Syria”.

Người phát ngôn của Tổng thống Nga Putin cũng đề nghị các phương tiện truyền thông chờ các cơ quan hữu trách của Nga xác định lý do chính xác của vụ rơi máy bay Su-24 rồi sẽ ra thông báo chính thức tiếp theo.

Tuyên bố của Điện Kremlin trùng với phát ngôn trước đó của Bộ quốc phòng Nga rằng, chiếc máy bay ném bom tiền tuyến Su-24 của Nga “không xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ” và Nga có đầy đủ dữ liệu giám sát khách quan để chứng minh điều đó.

Thông báo trước đó của Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ: "Chiếc Su-24 đang bay ở độ cao 6.000 m thì bị bắn rơi, trong suốt thời gian thực hiện chuyến bay, chiếc chiến đấu cơ chỉ bay trong vùng lãnh thổ của Syria.

Thực tế đó được ghi nhận khách quan bằng các phương tiện kiểm soát của Nga". Chiếc Su-24 của Nga bị bắn rơi ở thị trấn Bayirbucak, thuộc tỉnh Latakia ở tây bắc Syria.

Đây là điểm nóng giao tranh giữa lực lượng nổi dậy Syria, bao gồm nhóm nổi dậy Turkmen - người Syria gốc Thổ Nhĩ Kỳ được Ankara ủng hộ và quân đội trung thành với chính phủ Tổng thống Assad, được Nga hậu thuẫn.


Hy vọng vụ việc này không gây ra xung đột quân sự Nga-NATO

Hy vọng vụ việc này không gây ra xung đột quân sự Nga-NATO

Trực thăng Nga đã được điều đến tìm kiếm hai phi công nhảy dù từ chiếc Su-24, nhưng lực lượng người Turkmen ngăn không cho hạ cánh.

Phóng viên CNN ở Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, một trong hai phi công Nga nằm trong tay phe đối lập người Turk, còn phi công thứ hai đã thiệt mạng.

Trong khi đó, Ankara khẳng định rằng chiếc máy bay Nga bị tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi khi nó “đã xâm phạm” không phận nước này. Bộ Tổng tham mưu Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, chiếc Su-24 đã phớt lờ 10 lần cảnh báo trong vòng 5 phút nên bị 2 chiếc F-16 bắn hạ.

Sự việc này xảy ra sau khi hồi đầu tháng 10, Thổ Nhĩ Kỳ đã liên tiếp cáo buộc máy bay chiến đấu Nga nhiều lần vi phạm không phận nước này và đe dọa sẽ bắn rơi máy bay Nga nếu còn tái diễn các hành động xâm phạm chủ quyền của nước này.

Sau đó, Thượng tướng Viktor Bondarev - Tư lệnh không quân Nga đã thẳng thắn thừa nhận việc máy bay chiến đấu nước này bay vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ trong quá trình truy quét phiến quân Nhà nước Hồi giáo IS do tránh bị “một hệ thống phòng không mặt đất ngắm bắn”.

Ngày 4-11, ông Bondarev tuyên bố rằng, khi hệ thống cảnh báo trên máy bay chiến đấu Su-30 của Nga hiển thị rằng nó đang bị khóa mục tiêu, trong tích tắc phi công đã quyết định thực hiện kỹ thuật bay chống tên lửa, vì vậy máy bay có đi lạc vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ.


Chiến đấu cơ F-16 của không quân Thổ Nhĩ Kỳ

Chiến đấu cơ F-16 của không quân Thổ Nhĩ Kỳ

Hiện Nga đang “danh chính ngôn thuận” tấn công IS ở Syria, việc máy bay của họ tác chiến ở vùng rừng núi giáp biên một đất nước xa lạ rất có thể sẽ dẫn tới những vi phạm không phận của quốc gia láng giềng, nó không hẳn đã là hành động cố tình.

Vì vậy, việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga - kể cả đúng là nó xâm phạm không phận của mình - cũng là một điều đáng tiếc.

Hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ không làm khó NATO vì điều 5 của Hiệp ước

Trong một động thái mới nhất, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu vừa thảo luận với tham mưu trưởng quân đội về tình tiết vụ việc máy bay tiêm kích F-16 của họ bắn rơi máy bay ném bom tiền tuyến Su-24 của Nga và những diễn biến có thể xảy ra.

Đồng thời, ông Davutoglu cũng chỉ thị cho Bộ Ngoại giao tham vấn với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc và các nước liên quan về những diễn biến mới nhất, văn phòng Thủ tướng nước này cho hay.

Hiện nay, Ankara khẳng định không quân nước này đã bắn rơi máy bay Nga vì hành động xâm phạm chủ quyền quốc gia, còn Moscow thì khẳng định máy bay Nga đang hoạt động hoàn toàn hợp pháp trên lãnh thổ Syria.

Tuy nhiên, lần này Moscow đã tuyên bố thẳng thừng rằng, chiếc Su-24 của họ “không xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ”. Nếu điều này là đúng sự thực, nguy cơ chiến tranh giữa hai nước là rất cao, bởi Nga sẽ không để máy bay chiến đấu của họ bị bắn “oan”.

Sự việc sẽ càng trở nên tồi tệ hơn nếu các phi công Nga bị tử nạn trong quá trình nhảy dù hoặc bị nhóm phiến quân Turkmen - người Syria gốc Thổ Nhĩ Kỳ được Ankara ủng hộ - giết chết.

Khi đó, rất khó lường sự việc này có biến thành xung đột quân sự giữa Nga và một thành viên của khối NATO hay không.

Do đó, hiện nay việc đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ cần làm là đưa ra những bằng chứng xác đáng là máy bay Nga đã xâm phạm không phận nước này, để đối chứng với các dữ liệu giám sát đường không của Nga.

Dữ liệu đó có thể là từ các hệ thống radar giám sát của họ hoặc từ vệ tinh của Mỹ.

Tuy nhiên, chắc chắn là Nga sẽ đòi hỏi bằng chứng kiểm tra khách quan của các chuyên gia quân sự của họ hoặc một nhóm điều tra quốc tế, sẽ được thành lập trong thời gian ngắn tới.

Nếu kết quả này chứng minh máy bay Nga đã vượt biên giới Thổ Nhĩ Kỳ thì nguy cơ chiến tranh không còn nhưng sóng gió vẫn không thể lắng xuống.


Thổ Nhĩ Kỳ công bố hình ảnh radar chuyến bay, trong đó cho thấy máy bay Nga xâm phạm không phận phía nam Thổ Nhĩ - theo CNN Turk

Thổ Nhĩ Kỳ công bố hình ảnh radar chuyến bay, trong đó cho thấy máy bay Nga xâm phạm không phận phía nam Thổ Nhĩ - theo CNN Turk

Còn nếu Thổ Nhĩ Kỳ không cung cấp được bằng chứng xác đáng hoặc từ chối cho Nga kiểm tra tính chất khách quan của số liệu, rất có thể Moscow sẽ không khách sáo với thành viên của khối NATO này.

Và lúc đó, điều 5 của Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương cũng không giúp gì được Ankara.

Ngay cả trong trường hợp Ankara đúng, Moscow cũng sẽ có những hành động đáp trả bởi Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã từng nổ súng tấn công sang biên giới Syria để tấn công các căn cứ của nhóm dân quân người Kurd. Khi có cơ hội đáp trả, Moscow sẽ không nương tay.

Nga sẽ nhân cơ hội Mỹ-NATO bênh vực Thổ Nhĩ Kỳ vì hành động “xâm phạm không phận” của Nga để hối thúc Damascus đề nghị Moscow giúp đỡ thành lập một “Vùng cấm bay”.

Mục đích để ngăn cản máy bay chiến đấu của Mỹ và Liên quân thường xuyên xâm phạm không phận nước này, với cớ tấn công tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS.

Khi đó, Mỹ-NATO sẽ không còn lí do gì để thường xuyên ra vào không phận Syria như vào chỗ không người nữa.

Và liệu Washington và đồng minh có dám cho máy bay chiến đấu vào nước này để thử thách sự kiên nhẫn của Nga và tính năng các hệ thống phòng không của nước này?

Mỹ và liên quân sẽ không để điều này xảy ra. Vì vậy, dù có đúng, Washington và Brussels cũng sẽ không lớn giọng với Moscow và họ cũng sẽ không để Ankara tiếp tục lên gân với Nga trong thời gian tới?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại