Su-22: Xương sống trong tác chiến không đối hải của Không quân VN

Nam Đồng |

Có thể nói rằng xương sống trong tác chiến không đối hải của Không quân nhân dân Việt Nam hiện nay vẫn là “Đôi cánh ma thuật” Su-22.

Khi nhắc đến vai trò của Không quân Việt Nam trong tác chiến không đối hải, mọi người thường chỉ nghĩ đến những chiếc Su-30MK2 hiện đại, được tối ưu hóa về radar và vũ khí cho nhiệm vụ đánh biển.

Không có gì phải nghi ngờ về tính ưu việt của những chiếc máy bay chiến đấu đa năng thế hệ mới này, tuy nhiên chúng có hạn chế đó là số lượng hiện tại còn quá ít và trong chiến đấu sẽ còn phải phân chia lực lượng để đảm nhiệm thêm cả chức năng tiêm kích phòng không.

Vì vậy, có thể nói rằng xương sống trong tác chiến không đối hải của Không quân Việt Nam lâu nay vẫn là “Đôi cánh ma thuật” Su-22 .

Thực tế trên thế giới, chỉ có những quốc gia có tiềm lực kinh tế hùng mạnh mới có thể trang bị rộng rãi máy bay chiến đấu thế hệ mới làm xương sống còn đa số các quốc gia khác chỉ duy trì một số lượng vừa phải để làm chủ lực còn xương sống, chiếm số lượng đông đảo vẫn là những chiếc máy bay thế hệ cũ.

Hiện tại chưa có thống kê cụ thể về số lượng Su-22 đang phục vụ trong Không quân Việt Nam. Tuy nhiên căn cứ theo các nguồn tin nước ngoài đã từng được công bố thì vào năm 1998, Việt Nam đã có hợp đồng với Nga để sửa chữa, nâng cấp 54 chiếc Su-22M3 /M4.

Đến năm 2005, Việt Nam lại triển khai hợp đồng mua tới 40 chiếc Su-22M3K/M4 từ không quân Ba Lan và một số nước Đông Âu khác. Như vậy, lực lượng Su-22 trong biên chế Không quân Việt Nam rất hùng hậu.

Su-22: Xương sống trong tác chiến không đối hải của Không quân VN - Ảnh 1.

Máy bay cường kích Su-22M4 của trung đoàn 937. Nguồn: qdnd.vn

Do nguyên bản Su-22 là máy bay cường kích chuyên về đánh đất nên chúng không được trang bị radar dẫn bắn mà chỉ có hệ thống định vị quang học (OLS) Klen PS/54 để điều khiển các loại vũ khí dẫn đường bằng laser hay quang truyền hình.

Điều gây thắc mắc lớn cho nhiều người là việc bắt những chiếc Su-22 này làm nhiệm vụ cường kích đánh biển liệu có quá sức vì chúng sẽ không thể bắn được các loại tên lửa diệt hạm dẫn đường bằng radar.

Mặc dù không thể mang các loại tên lửa dẫn đường bằng radar nhưng Su-22 vẫn có những vũ khí thích hợp cho nhiệm vụ diệt hạm ví dụ như tên lửa không đối đất dẫn đường bằng laser/ quang truyền hình Kh-29TE.

Tên lửa Kh-29TE có tầm bắn tối đa 30 km và mang theo đầu đạn nặng 320 kg, đủ sức vô hiệu hóa tàu chiến có lượng giãn nước 10.000 tấn và đặc biệt là chúng có thể được dẫn bởi hệ thống OLS Klen của Su-22.

Tầm bắn của tên lửa chỉ 30 km sẽ gây khó khăn cho máy bay khi gặp phải tàu chiến có hệ thống phòng không tầm xa.

Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng những tàu đó cũng là chủ lực của địch (và chúng là đối tượng tác chiến của Su-30 - chủ lực phía ta), còn xương sống vẫn đa phần là những tàu chiến chỉ có phòng không tầm ngắn, sẽ không thể chống đỡ đòn tấn công bằng Kh-29 phóng đi từ Su-22.

Theo thông tin từ SIPRI thì Việt Nam đã nhập 100 quả tên lửa Kh-29 vào năm 2004, rất có thể đó là phiên bản Kh-29TE. Với cơ số đạn này Su-22 đủ sức đánh chìm một lượng tàu chiến rất lớn.

Su-22: Xương sống trong tác chiến không đối hải của Không quân VN - Ảnh 2.

Tên lửa không đối đất Kh-29

Bên cạnh tên lửa tầm ngắn Kh-29, Su-22 còn có thể mang theo tên lửa chống radar tầm xa Kh-28. Loại tên lửa này có tầm bắn tới 120 km, tốc độ Mach 3 và mang theo đầu đạn nặng 160 kg. Phương thức dẫn bắn của Kh-28 là dùng đầu dò thụ động bám theo cánh sóng của radar của đối phương.

Mặc dù khá cồng kềnh cùng độ chính xác không được đánh giá cao nhưng đây cũng là một vũ khí hiệu quả để Su-22 chống tàu chiến địch vì khi bị mất radar thì con tàu đã mất hoàn toàn khả năng chiến đấu, chỉ còn là một chiếc bia nổi.

Hiện không rõ số lượng hay tình trạng của tên lửa Kh-28 nhưng qua bức ảnh dưới có thể thấy Kh-28 đã có mặt từ khá lâu trong nhóm các vũ khí trang bị của Su-22 Việt Nam.

Su-22: Xương sống trong tác chiến không đối hải của Không quân VN - Ảnh 3.

Tên lửa chống radar Kh-28. Nguồn: qdnd.vn

Ngoài hai loại tên lửa trên, Su-22 còn có trong danh sách trang bị những loại tên lửa tầm bắn ngắn hơn chỉ từ 8-12 km nhưng nếu tận dụng được khả năng bay thấp bám biển của mình, nhất là khi đối đầu với tàu chiến thế hệ cũ có khả năng phòng không kém thì Su-22 vẫn hoàn toàn có thể chiến thắng.

Nếu không tự mang theo vũ khí và bắn, Su-22 còn có thể tác chiến trong biên đội với Su-30 ở vai trò “ngựa thồ” bằng cách mang đạn đối hạm dẫn bằng radar và bắn theo sự chỉ thị mục tiêu của Su-30, thuật ngữ mà chúng ta vẫn hay nói là “ngắm bằng mắt của người khác”.

Hiện còn khá nhiều tranh cãi về khả năng này của Su-22 tuy nhiên qua những đợt nâng cấp khả năng đánh biển được thực hiện tại Ukraine thì rất có thể Su-22 đã có chức năng đó.

Trong quá khứ, Su-22 từng là quân chủ lực thực hiện nhiệm vụ tác chiến không đối hải của Việt Nam. Sau trận chiến tại đảo Gạc Ma thuộc chiến dịch CQ-88, nhờ sự xuất hiện của 7 chiếc Su-22 trên vùng trời khu vực đảo Len Đao mà ta đã đẩy lui được nhiều đợt xâm lấn của hải quân Trung Quốc.

Ngày nay, dù không còn vai trò chủ lực nhưng Su-22 các phiên bản vẫn giữ vai trò xương sống trong tác chiến không đối hải của Không quân Việt Nam. Su-22 có thể tác chiến một cách hiệu quả trong đội hình biên đội với Su-30 hay đánh độc lập.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại