Siêu tàu sân bay số 1 thế giới chưa "ra trận" đã thê thảm

Phan Thuấn |

(Soha.vn) - Siêu tàu sân bay USS Gerald R. Ford của Mỹ hiện đang gặp phải hàng loạt vấn đề về hoạt động, thậm chí là những thất bại liên tiếp trong các cuộc thử nghiệm.

Tờ Boston Globe dẫn một bản báo cáo nội bộ của Lầu Năm Góc tiết lộ USS Gerald R. Ford, tàu sân bay mới nhất trị giá hàng tỷ USD của Hải quân Mỹ, đang gặp phải hàng loạt vấn đề về hoạt động, thậm chí là những thất bại liên tiếp trong các cuộc thử nghiệm về khả năng phóng và thu hồi máy bay chiến đấu. Ít nhất 4 hệ thống tối quan trọng trên con tàu cho thấy khả năng hoạt động yếu kém hoặc thiếu tin cậy.

Độ tin cậy yếu kém của những hệ thống quan trọng nói trên có thể gây ra một chuỗi những sự chậm trễ trong suốt hoạt động bay, làm ảnh hưởng đến khả năng xuất kích máy bay của con tàu, khiến con tàu dễ bị tổn thương trong các cuộc tấn công hoặc chí ít là gây ra những hạn chế đối với các hoạt động tác chiến theo lộ trình”, bản báo cáo viết.

Khoảng 60% các hệ thống trên tàu sân bay Gerald R. Ford sẽ chạy bằng năng lượng hạt nhân như những tàu sân bay trước đó, dựa trên thiết kế của lớp Nimitz, trong khi đó 40% còn lại là các bộ phận mới hoàn toàn gồm một đường băng rộng hơn và các hệ thống công nghệ cao. Trong đó, rất nhiều công nghệ mới hiện đang gặp phải những vấn đề nghiêm trọng.

Đầu tiên phải kể đến hệ thống phóng máy bay điện từ vốn được kì vọng thay thế hệ thống phóng máy bay sử dụng hơi nước. Hệ thống này sử dụng một motor điện công suất 100.000 mã lực, có khả năng phóng lần lượt nhiều loại máy bay khác nhau ở nhịp độ nhanh. Tuy nhiên, các cuộc thử nghiệm trên bộ đối được tiến hành ở New Jersey ho thấy hiệu suất thành công là 240 đợt phóng (không gặp phải trục trặc nào), trong khi đó lẽ ra trong giai đoạn phát triển hiện tại của tàu sân bay Gerald Ford, hiệu suất trên phải mà 1.250 đợt.

Tàu sân bay USS Gerald R. Ford trong buổi lễ
Tàu sân bay USS Gerald R. Ford trong buổi lễ "rửa tội" ngày 9/11/2013

Hệ thống cáp hãm đà sử dụng để giảm tốc độ máy bay khi hạ cánh trên boong tàu, cũng thể hiện độ tin cậy nghèo nàn không kém. Trong những lần thử nghiệm vừa qua, hệ thống trung bình xử lý được 20 lần hạ cánh mà không gặp phải thất bại nào. Thực tế này kém xa so với mức 4.950 lần hạ cánh thành công cần đạt được, đó là chưa kể đến mục tiêu cuối cùng của hệ thống này là 16.500 lần thành công liên tiếp.

Nếu như hàng loạt vấn đề trên không được giải quyết, các nhà thử nghiệm vũ khí của Lầu Năm Góc cảnh báo rằng siêu tàu sân bay Gerald Ford sẽ không thể đáp ứng được số lần xuất kích trong chiến tranh mà các nhà lập kế hoạch của Hải quân Mỹ đề ra. Thay vào đó, với hoạt động như hiện nay, cần có hai tàu sân bay như trên mới đạt được hiệu xuất được kỳ vọng ở một chiếc. Các hệ thống phóng và hạ cánh trên đều do hãng General Atomics chế tạo. Hiện tại lãnh đạo của hãng này từ chối phản hồi về các vấn đề đặt ra.

Bản đánh giá cũng nêu ra những mối lo ngại về tiến trình sản xuất radar băng tần kép mà hãng Raytheon thiết kế. Radar này đang được thử nghiệm dọc bờ biển Virginia, được kì vọng có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như kiểm soát không lưu, quét tìm kiếm các mối đe dọa tiềm tàng ở mọi hướng và thu thập dữ liệu có thể tích hợp vào máy tính của các hệ thống vũ khí.

Tuy nhiên, có rất ít thông tin về độ tin cậy của hệ thống radar mới này, mặc dù có tới 80% các bộ phận của hệ thống đã được bàn giao cho Hải quân. Hãng Raytheon cũng chưa đưa ra phản hồi nào về vấn đề này.

Hiện tại, cũng chưa rõ hệ thống thang máy hỗ trợ các vũ khí chủ chốt của con tàu có hoạt động như mong đợi hay không.

Các cuộc thử nghiệm đầu tiên cho thấy tàu sân bay USS Gerald R. Ford có thể hoạt động kém hiệu quả hơn cả những tàu sân bay cũ của Hải quân Mỹ
Các cuộc thử nghiệm đầu tiên cho thấy tàu sân bay USS Gerald R. Ford có thể hoạt động kém hiệu quả hơn cả những tàu sân bay cũ của Hải quân Mỹ

Theo đánh giá của J. Michael Gilmore, một quan chức thuộc Lầu Năm Góc phụ trách công tác thử nghiệm và đánh giá hoạt động của các hệ thống vũ khí cho hay một số hệ thống khác như thông tin liên lạc cũng hoạt động kém hơn mức tiêu chuẩn cho phép. Gilmore cho rằng hiện Hải quân Mỹ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thiết kế lại những bộ phận chủ chốt của con tàu.

Để xoa dịu dư luận, trong một cuộc phỏng vấn, Phó Đô đốc Thomas J. Moore, sĩ quan điều hành các chương trình tàu sân bay, đã bày tỏ sự tin tưởng rằng trong 2 năm tới, trước khi bàn giao, Hải quân Mỹ và các nhà thầu sẽ vượt qua những trở ngại hiện nay.

Những công nghệ mới này tạo ra rất nhiều thách thức phát triển, chúng tôi không đồng tình với những nguy cơ nói trên. Đây vẫn sẽ là một con tàu lý tưởng, mang lại những khả năng mà các thế hệ tàu sân bay trước đó không thể có được” - Moore nói.

Tuy nhiên, Hải quân Mỹ lại từ chối đưa ra những nhìn nhận cụ thể về bản đánh giá nói trên và không đề cập cụ thể việc những trục trặc trên sẽ ảnh hưởng như thế nào tới kế hoạch bàn giao, chi phí và hiệu quả chiến đấu của con tàu.

Về phần mình, hãng đóng tàu Newport News cũng từ chối bình luận về kết quả mà bản đánh giá đề cập. Christie R. Miller, phát ngôn viên của hãng đóng tàu cho hay: “Chúng tôi sẽ tuân thủ ý kiến của Hải quân về bản báo cáo này”.

USS Gerald R. Ford là chiếc đầu tiên thuộc lớp tàu sân bay thế hệ mới của Mỹ. Con tàu được làm lễ rửa tội và hạ thủy vào đầu tháng 11 năm ngoái. USS Gerald R. Ford hiện đang trải qua quá trình thử nghiệm tại một xưởng đóng tàu ởVirginia và theo kế hoạch sẽ được bàn giao cho Hải quân Mỹ trong năm 2016 với trị giá ước tính hơn 12 tỷ USD.

USS Gerald R. Ford trước đây đã gặp phải không ít ý kiến chỉ trích. Năm ngoái Cơ quan Kiểm toán của Chính phủ Mỹ đã công bố rằng chi phí chế tạo con tàu tăng 22% so với kế hoạch ban đầu. Theo đó cơ quan này đã đề xuất tạm hoãn việc chế tạo tàu sân bay USS John F. Kennedy, chiếc thứ hai thuộc lớp này cho tới khi Hải quân Mỹ và các nhà thầu có thể làm chủ được chuỗi các công nghệ chưa từng được triển khai.

Hải quân Mỹ hiện vẫn còn 2 năm phía trước để khắc phục những vấn đề gặp phải đối với con tàu trước khi bàn giao. Tuy nhiên đánh giá của Gilmore, dựa trên quá trình phân tích thì thử nghiệm và đánh giá kéo dài một năm đối với tàu Gerald Ford là tín hiệu mạnh mẽ nhất cho thấy Hải quân Mỹ hiện có thể không đạt được mục tiêu tăng cường tần xuất các chuyến bay chiến đấu mà một con tàu đơn lẻ có thể đảm nhiệm.

Trong khi đó, Ronald O’Rourke, một nhà phân tích hải quân thuộc cơ quan nghiên cứu của Quốc hội Mỹ đồng thời là chuyên gia về các chương trình đóng tàu cho hay con tàu đầu tiên của bất kì lớp mới nào thông thường cũng gặp phải những thách thức đáng kể về công nghệ và chi phí.

Còn phó Đô đốc Moore không đề cập quyết trực tiếp những mối lo ngại của Lầu Năm Góc về hệ thống phóng và thu hồi máy bay mới nhưng cho rằng công nghệ này hiện đại tới mức…những vấn đề trên không thể được giải quyết. Ông thừa nhận rằng lượng điện năng mà Hải quân Mỹ cần thiết để phóng và thu hồi hàng trăm máy bay trên một tàu sân bay hoạt động trên biển là chưa từng có.

Về hệ thống radar của tàu, Moore cho biết Hải quân Mỹ hiện vẫn rất tin tưởng vào radar mới bởi nó mới chỉ được thử nghiệm khi con tàu đang neo đậu tại cảng, đây là giai đoạn chưa thể tận dụng hết năng lượng của con tàu.

Moore tin tưởng rằng siêu tàu sân bay Gerald R.Ford sẽ vượt qua tất cả những thử thách hiện nay trước khi gia nhập hạm đội.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại