Siêu "Ong bắp cày" và các chương trình nâng cấp

ĐTN |

F/A-18E/F Super Hornet là một thiết kế mới hoàn toàn, mang lại sức mạnh vượt trội cho "Ong bắp cày" F/A-18.

Máy bay tiêm kích đa chức năng F/A-18E/F

Thiết kế của F/A-18E/F với khung thân lớn hơn khoảng 20%, trọng lượng rỗng nặng hơn 3.200 kg và trọng lượng cất cánh tối đa tăng 6.800 kg so với các phiên bản "Ong bắp cày" ban đầu.

F/A-18E/F Super Hornet mang lượng nhiên liệu nhiều hơn 33%, tăng phạm vi nhiệm vụ lên 41% và tầm hoạt động cao hơn 50% so với Hornet. Trọng lượng rỗng của F/A-18E/F Super Hornet là khoảng 14.552 kg, nhẹ hơn F-14 Tomcat.

Hình ảnh tổng quát giữa F/A-18D và F/A-18F, ta có thể thấy F/A-18F có thân lớn hơn, gốc cánh kéo dài có hình dạng khác, tương tự gốc cánh kéo dài trên YF-17 Cobra. “Răng chó” được thêm vào trên mép cánh tà trước của F/A-18F
Hình ảnh tổng quát giữa F/A-18D và F/A-18F, ta có thể thấy F/A-18F có thân lớn hơn, gốc cánh kéo dài có hình dạng khác, tương tự gốc cánh kéo dài trên YF-17 Cobra. “Răng chó” được thêm vào trên mép cánh tà trước của F/A-18F

F/A-18E/F Super Hornet, không giống như F/A-18A/B/C/D Hornet trước đó, được thiết kế với một hệ thống tiếp nhiên liệu trên không để trợ giúp cho máy bay khác, nhằm thay thế cho các máy bay tiếp nhiên liệu trên không KA-6D và Lockheed S-3B Viking lỗi thời. 

Hệ thống tiếp nhiên liệu trên không bao gồm 1 thùng nhiên liệu có vỏ bọc gắn ngoài 1.200 lít với vòi bơm có thể thu vào lắp ở giá treo trung tâm, cùng với 4 thùng nhiên liệu có vỏ bọc gắn ngoài 1.800 lít và các thùng nhiên liệu trong thân, tổng cộng là 13.000 kg.

Một chiếc F/A-18F đang tiếp nhiên liệu cho F/A-18E
Một chiếc F/A-18F đang tiếp nhiên liệu cho F/A-18E

Phần thân máy bay được kéo dài tới 86 cm để nhường chỗ cho nhiên liệu và hệ thống điện tử hàng không. Gốc cánh kéo dài (LERX) được mở rộng thêm với hình dạng tương tự như gốc cánh kéo dài của YF-17 Cobra, không gấp khúc như các phiên bản Hornet trước đó.

Việc mở rộng gốc cánh kéo dài như thế để cải thiện dòng khí xoáy nâng khi cơ động ở góc tấn cao và tăng cường tốc độ góc chúc ngóc. Tốc độ góc chúc ngóc của F/A-18E/F là 40 độ/giây.

Để chứa nhiều nhiên liệu và tăng lực nâng cho máy bay, cánh đã được kéo dài thêm 1,26 m và diện tích cánh tăng 25%, tổng diện tích cánh của F/A-18E/F Super Hornet là 46,5 m2.

“Răng chó” - một cạnh sắc được thiết kế trên mép cánh tà trước của máy bay, từng bị loại bỏ trên các phiên bản F/A-18A/B/C/D trước do chúng làm cánh chính dễ bị uốn cong khi thực hiện động tác quay vòng.

Tuy nhiên F/A-18E/F đã được gắn lại "Răng chó" vì cánh chính rộng hơn, dày hơn, không dễ uốn cong như trước nữa và giúp cánh ổn định khi thực hiện cơ động ở góc tấn cao. Cánh rộng hơn nghĩa là có nhiều giá treo vũ khí và mang nhiều nhiên liệu hơn.

Trên mỗi cánh chính thêm một giá treo vũ khí nữa, tăng tổng số giá treo vũ khí trên F/A-18E/F lên con số 11. Lượng nhiên liệu trên mỗi cánh chính mang được là 1.800 lít, tăng 20% so với Hornet cũ.

Gốc cánh kéo dài được mở rộng và có hình dạng tương tự như gốc cánh kéo dài của YF-17 Cobra, không gấp khúc như các phiên bản Hornet trước đó (Khoanh vuông đỏ),  “răng chó” – một cạnh sắc được thiết kế trên mép cánh tà trước của máy bay (khoanh tròn xanh)

Gốc cánh kéo dài được mở rộng và có hình dạng tương tự như gốc cánh kéo dài của YF-17 Cobra, không gấp khúc như các phiên bản Hornet trước đó (Khoanh vuông đỏ), “răng chó” - một cạnh sắc được thiết kế trên mép cánh tà trước của máy bay (khoanh tròn xanh)

F/A-18E/F được thiết kế để giảm tín hiệu phản xạ radar. Cửa hút khí không làm hình chữ D như các phiên bản trước mà có hình vuông để giảm tín hiệu radar và tăng lượng khí vào động cơ lên 18%. Toàn bộ máy bay được sơn hấp thụ tín hiệu radar.

Động cơ General Electric F414, được phát triển từ động cơ F404 của các phiên bản Hornet trước, tăng 35% lực đẩy cho máy bay. Với động cơ này, Super Hornet mang được tải trọng vũ khí nặng mà vẫn cơ động, cũng như có thể cất cánh và hạ cánh trên tàu sân bay với khối lượng vũ khí như thế.

Cửa hút khí trên F/A-18E được làm thành hình vuông để giảm tín hiệu radar và tăng lượng khí vào động cơ lên 18%
Cửa hút khí trên F/A-18E được làm thành hình vuông để giảm tín hiệu radar và tăng lượng khí vào động cơ lên 18%
Động cơ General Electric F-414-GE-400
Động cơ General Electric F-414-GE-400

Hệ thống điện tử hàng không trên F/A-18E/F Super Hornet có sự tương đồng đến 90% với F/A-18C/D. Sự khác biệt là màn hình hiển thị tinh thể lỏng cảm ứng, 4 hệ thống điều khiển bay bằng dây (FBW), hệ thống điều khiển bay kỹ thuật số tiên tiến.

F/A-18E/F sản xuất đợt đầu dùng radar Doppler AN/APG-73. Ngoài ra hệ thống quang điện tử chính trên F/A-18E/F Super Hornet là AN/ASQ-228 ATFLIR (Advanced Targeting Forward Looking Infra Red). Hệ thống liên lạc có đài liên lạc VHF/UHF AN/ARC-210 và hệ thống chia sẻ thông tin Link-16.

Radar Doppler AN/APG-73 trên F/A-18E
Radar Doppler AN/APG-73 trên F/A-18E

Các hệ thống phòng vệ bao gồm ăng ten cảnh báo radar ALR-67(V)3, bộ phóng mồi bẫy AN/ALE-47, hệ thống mồi bẫy kéo theo AN/ALE-50 và hệ thống gây nhiễu phòng vệ AN/ALQ-165 (ASPJ).

Hệ thống mồi bẫy kéo theo AN/ALE-50 lắp ở thân giữa, ngay phía sau giá treo trung tâm của F/A-18E
Hệ thống mồi bẫy kéo theo AN/ALE-50 lắp ở thân giữa, ngay phía sau giá treo trung tâm của F/A-18E
Hệ thống mồi bẫy kéo theo AN/ALE-50
Hệ thống mồi bẫy kéo theo AN/ALE-50
Các cảm biến trên cánh đuôi đứng của F/A-18E/F. Từ trên xuống dưới trong khu cực khoanh đỏ; Ăng ten gây nhiễu băng sóng cao AN/ALQ-165, ăng ten cảnh báo AN/ALR-67(V)3, ăng tên gây nhiễu băng sóng thấp AN/ALQ-165

Các cảm biến trên cánh đuôi đứng của F/A-18E/F. Từ trên xuống dưới trong khu vực khoanh đỏ; Ăng ten gây nhiễu băng sóng cao AN/ALQ-165, ăng ten cảnh báo AN/ALR-67(V)3, ăng ten gây nhiễu băng sóng thấp AN/ALQ-165

Thông số kỹ thuật cơ bản của F/A-18E/F Super Hornet

Phi hành đoàn: F/A-18E: 1 người; F/A-18F: 2 người; Dài: 18,31 m; Sải cánh: 13,62 m; Cao: 4,88 m; Diện tích cánh: 46,5 m2; Trọng lượng rỗng: 14.552 kg; Trọng lượng cất cánh tối đa: 29.937 kg.

Động cơ: 2 động cơ turbine khí phản lực F414-GE-400, có khả năng tái khai hỏa; Khả năng chứa nhiên liệu bên trong: F/A-18E: 6.780 kg, F/A-18F: 6.354 kg.

Tốc độ tối đa: Mach 1,8; Tầm hoạt động: 2.356 km; Bán kính chiến đấu: 722 km; Tầm hoạt động với 3 thùng dầu phụ bên ngoài: 3.330 km; Trần bay tối đa: 15.000 m; Tốc độ leo cao: 228 m/s.

Vũ khí trang bị: 1 pháo 6 nòng xoay 20 mm M61 Vulcan lắp ở mũi máy bay với 578 viên đạn; 11 giá treo vũ khí với tải trọng tối đa mang được là 8.050 kg, bao gồm:

- Tên lửa không đối không: AIM-9 Sidewinder; AIM-7 Sparrow; AIM-120 AMRAAM; AIM-132 ASRAAM.

- Tên lửa không đối đất: AGM-65 Maverick; AGM-84H/K SLAM-ER (Standoff Land Attack Missile- Extended Range); AGM-158 JASSM (Joint Air-to-Surface Standoff Missile). Tên lửa chống bức xạ: AGM-88 HARM. Tên lửa chống hạm: AGM-84 Harpoon.

- Bom có dẫn đường: AGM-154 JSOW (Joint Standoff Weapon); GBU-31, GBU-32, GBU-38 JDAM; GBU-54 LaserJDAM; Paveway II, III.

- Bom không dẫn đường: Mk 82/83/84; CBU-78 GATOR; CBU-87 CEM (Combined Effects Munition); CBU-97 SFW (Sensor Fuzed Weapon); Mk 20 Rockeye II.

F/A-18E trang bị với tên lửa không đối đất AGM-84K SLAM-ER
F/A-18E trang bị với tên lửa không đối đất AGM-84K SLAM-ER
F/A-18F Super Hornet
F/A-18F Super Hornet

F/A-18E/F Super Hornet Block II

F/A-18F Super Hornet Block II của phi đội VX-9
F/A-18F Super Hornet Block II của phi đội VX-9

Super Hornet Block II là một bản bâng cấp của Super Hornet, hệ thống điện tử và vũ khí được sử dụng trên Super Hornet Block II là từ máy bay thử nghiệm Boeing X-32. Bao gồm việc trang bị radar quét mảng điện tử chủ động (AESA) AN/APG-79.

Radar AN/APG-79 có khả năng tham chiến đối không và đối đất đồng thời, và cung cấp bản đồ mặt đất có độ phân giải cao ở khoảng cách lớn. AN/APG-79 cũng có thể phát hiện các mục tiêu nhỏ hơn, chẳng hạn như tên lửa không đối không của đối phương.

Một số hệ thống điện tử hàng không của Super Hornet Block II gồm: màn hình hiển thị lớn, mũ phi công tích hợp hiển thị thông số (Joint Helmet Cueing System/JHMCS).

Bên cạnh đó là thay thế hệ thống phòng vệ tích hợp AN/ALQ-214 Intergrated Defensive Countermeasure (IDECM), thay thế hệ thống AN/ALQ-165 (ASPJ). Hệ thống mồi bẫy kéo theo AN/ALE-55 thay thế AN/ALE-50. Có khả năng mang hệ thống trinh sát có vỏ bọc SHARP (Shared Reconnaissance Pod).

VFA-213 Blacklions là phi đội đầu tiên nhận Super Hornet Block II vào ngày 26/10/2006. Vào tháng 1/2008, 135 chiếc F/A-18E/F Super Hornet sản xuất đợt trước được nâng cấp lên chuẩn Super Hornet Block II.

Radar AESA AN/APG-79
Radar AESA AN/APG-79
F/A-18F gắn hệ thống trinh sát có vỏ bọc SHARP (Shared Reconnaissance Pod) ở giá treo dưới trung tâm thân
F/A-18F gắn hệ thống trinh sát có vỏ bọc SHARP (Shared Reconnaissance Pod) ở giá treo dưới trung tâm thân
Buồng lái sau của Super Hornet Block II được trang bị màn hình hiển thị đa chức năng lớn ngay chính giữa, phiên bản F/A-18E/F Super Hornet sản xuất đợt trước không được trang bị màn hình này

Buồng lái sau của Super Hornet Block II được trang bị màn hình hiển thị đa chức năng lớn ngay chính giữa, phiên bản F/A-18E/F Super Hornet sản xuất đợt trước không được trang bị màn hình này

Chương trình nâng cấp Advanced Super Hornet

Nguyên mẫu Advanced Super Hornet
Nguyên mẫu Advanced Super Hornet

Vì sự trì hoãn trong chương trình phát triển máy bay tiêm kích đa năng F-35 Lightning II, Hải quân Mỹ muốn một phiên bản hiện đại hóa của F/A-18E/F Super Hornet với khả năng tàng hình và tầm bay lớn hơn cũng như trang bị các thiết bị điện tử hàng không hiện đại để đáp ứng chiến trường hiện nay.

Boeing đã đưa ra chương trình “Advanced Super Hornet”, một chiếc Super Hornet được cải tiến lại với 2 thùng dầu hòa nhập khí động (Conformal Fuel Tank/CFT) trên lưng, 3 hệ thống treo vũ khí có vỏ bọc (Enclosed Weapons Pod/EWP), mỗi EWP có thể mang 4 tên lửa AIM-120 AMRAAM bên trong.

Máy tính nhiệm vụ mới, màn hình hiển thị đa chức năng mới có kích thước lớn hơn. Đặc biệt phiên bản này sẽ được trang bị hệ thống quang điện phát hiện và theo dõi hồng ngoại (Infra Red Search & Track/IRST) do Lockheed Martin phát triển.

Thân của Advanced Super Hornet được thiết kế và sử dụng vật liệu hấp thụ radar nên nó giảm đến 50% tiết diện phản xạ radar so với F/A-18E/F.

Chiếc Advanced Super Hornet đầu tiên cất cánh ngày 5/8/2013 và Boeing hy vọng rằng phiên bản này sẽ được sản xuất mặc dù dòng F/A-18E/F Super Hornet đang có nguy cơ đóng cửa dây chuyền sản xuất vào năm 2017.       

Hệ thống quang điện phát hiện và theo dõi hồng ngoại lắp dưới mũi Advanced Super Hornet
Hệ thống quang điện phát hiện và theo dõi hồng ngoại lắp dưới mũi Advanced Super Hornet
2 thùng dầu hòa nhập khí động lắp trên thân Advanced Super Hornet
2 thùng dầu hòa nhập khí động lắp trên thân Advanced Super Hornet
Hệ thống treo vũ khí có vỏ bọc (Enclosed Weapons Pod/EWP)
Hệ thống treo vũ khí có vỏ bọc (Enclosed Weapons Pod/EWP)
Một số cấu hình vũ khí của hệ thống treo vũ khí có vỏ bọc
Một số cấu hình vũ khí của hệ thống treo vũ khí có vỏ bọc

(Còn tiếp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại