Rơi 2 máy bay Su-22: Hải quân, biên phòng túc trực cả đêm ở hiện trường

Thiên Minh - Thế Long - Bạch Dương |

Do điều kiện thời tiết, công tác tìm kiếm cứu nạn đối với hai máy bay Su-22 của Không quân Việt Nam bị rơi trên vùng biển đang tạm thời dừng lại.

Theo Phó Chủ tịch huyện đảo Phú Quý, ông Tạ Minh Nhựt, do điều kiện thời tiết, công tác tìm kiếm cứu nạn đối với hai máy bay Su-22 bị rơi trên vùng biển đang tạm thời dừng lại.

Dự kiến, trong sáng mai (17/4), các lực lượng sẽ tiếp tục khẩn trương rà soát.

Theo ông Nhựt, ngay sau khi sự cố xảy ra, các lực lượng đã tích cực tìm kiếm xung quanh vùng biển máy bay rơi.

Tuy nhiên, cho đến tối muộn, ngoài 3 thùng dầu phụ, các đơn vị vẫn chưa thấy thêm dấu vết nào của vụ tai nạn.

"Hiện tại, do trời quá tối, tầm nhìn trên biển bị hạn chế nên tạm thời công tác tìm kiếm đang dừng lại cho tới sáng mai," ông Nhựt thông tin.

Trong ngày xảy ra tai nạn, thời tiết gần đảo Phú Quý khá mù mịt, tầm nhìn bị hạn chế. Sóng trên biển dao động trong khoảng cấp 3, cấp 4.

Trong ngày mai, để mở rộng và khẩn trương cứu hộ, cứu nạn hai máy bay Su-22 mất liên lạc, các tàu hải quân và cảnh sát biển sẽ được huy động đến hiện trường.

Ngoài ra, lực lượng biên phòng cũng đã thông báo cho các tàu cá hoạt động gần khu vực máy bay gặp nạn nếu thấy các dấu vết bất thường sẽ khẩn trương thông báo lại qua hệ thống điện đàm I-com.

Mặc dù tạm dừng tìm kiếm nhưng đêm nay, các tàu của lực lượng hải quân, biên phòng, và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh Bình Thuận vẫn tiếp tục túc trực tại vị trí nghi máy bay rơi cách đảo Phú Quý 8 hải lý về phía Bắc.

Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn - Phó tư lệnh quân chủng Phòng không - Không cho biết:

Sáng mai, các máy bay của trung đoàn không quân 937 sẽ tiếp tục cất cánh từ sân bay quân sự Thành Sơn tại TP Phan Rang Tháp Chàm (Ninh Thuận) để tiếp tục phối hợp với các lực lượng tìm kiếm 2 chiếc máy bay Su-22 và hai phi công mất tích.

Thiếu tướng Tuấn khẳng định ưu tiên hàng đầu vẫn là tìm kiếm và cứu nạn các phi công đang mất tích.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này trong ngày mai.

Hiện nay, người thân và đồng đội của hai phi công Lê Văn Nghĩa và Nguyễn Anh Tú vẫn đang tỏ ra rất bình tĩnh.

Phóng viên báo Tuổi Trẻ đã liên hệ được với bố của phi công Nguyễn Anh Tú (quê ở Kiến Thuỵ, Hải Phòng, hiện gia đình đang ở Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận).

Bố của phi công Tú vẫn tin vào điều kỳ diệu đối với con trai mình và mong chờ tin tốt lành từ lực lượng cứu hộ.

Trước đó, vào khoảng 11 giờ 30 phút trưa nay (16/4), biên đội Su-22 gồm hai chiếc 5857; 5863 của Sư đoàn Không quân 370 đã gặp sự cố tại khu vực cách Tây Bắc đảo Phú Quý (Bình Thuận) 8 hải lý.

Thời điểm xảy ra sự cố, 2 chiếc tiêm kích Su-22 đang thực hiện bài tập nhào lộn để cắt bom theo kế hoạch. Đột nhiên, toàn bộ tín hiệu của 2 máy bay này bị mất.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, lực lượng tìm kiếm đã được đưa ra biển, bao gồm một trực thăng Mi bay trên không và tàu rà soát ở dưới biển.

Có thông tin ban đầu cho biết, tại thời điểm tìm kiếm lần 1 vào buổi trưa nay, lực lượng chức năng đã tìm thấy một phần dù.

Tuy nhiên, sau đó, đại diện phòng tác chiến Phòng không Không quân cho hay, lúc đầu lực lượng cũng nhầm là một phần dù nhưng thực tế đây là một mảnh xốp do lực lượng người nhái tìm kiếm dưới đáy biển thả ra.

Máy bay Su-22 của Trung đoàn 937 trong một đợt bay huấn luyện. Ảnh: Quân đội nhân dân

Máy bay Su-22 của Trung đoàn không quân 937 trong một đợt bay huấn luyện. Ảnh: Quân đội nhân dân

Chiều nay, một số nguồn tin cho rằng 2 phi công trong vụ tai nạn rơi 2 máy bay Su-22 đã nhảy dù thoát ra ngoài.

Tuy nhiên, theo Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn - Phó tư lệnh quân chủng Phòng không - Không quân cho biết, quân chủng chưa xác minh được thông tin trên.

Hai phi công gặp nạn gồm Lê Văn Nghĩa (phi công cấp 1), lái máy bay Su-22, số hiệu 5857, cấp bậc Trung tá, chức vụ Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 937, Sư đoàn 370;

Phi công Nguyễn Anh Tú (phi công cấp 3) điều khiển máy bay Su-22, số hiệu 5863, cấp bậc Đại úy, Phi đội phó Phi đội 1, Trung đoàn 937, Sư đoàn 370.

Trung tá Lê Văn Nghĩa, quê ở Huyện Ứng Hoà, thành phố Hà Nội, hiện đang sinh sống tại quận 7, TP.HCM; còn Đại uý Nguyễn Anh Tú, quê ở Kiến Thuỵ, Hải Phòng, hiện gia đình đang ở Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.

Thiếu tướng Tuấn xác nhận 2 máy bay Su-22 của Trung đoàn không quân 937 (Sư đoàn không quân 370) cất cánh từ sân bay quân sự Thành Sơn (TP Phan Rang Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) vào sáng nay đã mất liên lạc khi đang diễn tập trên biển.

Tướng Tuấn cho biết đã phát hiện được địa điểm, vị trí hai máy bay Su-22 rơi, có vết dầu loang tại vùng biển phía Bắc đảo Phú Quý, cách đảo này khoảng 10 - 15km. Tuy nhiên, đây mới là vị trí tương đối, chưa phải là vị trí chính xác.

Lực lượng Biên phòng Bình Thuận đã điều động tàu cùng 10 cán bộ, chiến sĩ ra hiện trường tìm kiếm cứu nạn phi công, đồng thời chỉ đạo các đơn vị chức năng thông báo cho ngư dân hoạt động gần khu vực máy bay gặp nạn tham gia tìm kiếm.

Đến 17 giờ 15 ngày 16/4, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận cho biết, một tàu tìm kiếm cứu nạn hoạt động thường trực trên đảo Phú Quý đang chở nhiều chiến sĩ quần thảo liên tục trên vùng biển Phú Quý.

Sư đoàn Không quân 370 đã điều máy bay Mi-171 của Trung đoàn 917 tìm kiếm cứu nạn.

Phía quân chủng Phòng không Không quân cũng huy động 4 máy bay, bao gồm 2 máy bay An và 2 máy bay CASA liên tục bay trên khu vực gặp nạn.

Máy  bay Su-22M4 của Không quân Việt Nam
Máy bay Su-22M4 của Không quân Việt Nam

Sukhoi Su-22 Fitter là biến thể xuất khẩu của cường kích Su-17 phục vụ trong Không quân Liên Xô.

Hai chiếc Su-22 vừa gặp nạn là phiên bản M4 hiện đại nhất, được trang bị hệ thống ngắm bắn quang học Klen-54 trong chóp mũi.

Hệ thống Klen-54 trong chóp mũi Su-22M4
Hệ thống Klen-54 trong chóp mũi Su-22M4

Thông số kỹ thuật cơ bản của Su-22M4: Phi hành đoàn 1 người; chiều dài 19,03 m; sải cánh 10,02 m (cụp) hoặc 13,68 m (xòe); chiều cao 5,12 m; trọng lượng rỗng 12.160 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 19.430 kg.

Su-22M4 được trang bị 1 động cơ Lyulka AL-21F-3 công suất 76,5 kN (17.200 lbf) và lên tới 109,8 kN (24,675 lbf) khi đốt nhiên liệu phụ trội cho tốc độ tối đa 1.860 km/h; tầm hoạt động 2.300 km; trần bay 14.200 m.

Vũ khí trang bị gồm 2 pháo 30 mm NR30 với cơ số 80 viên đạn, các điểm treo trên cánh cho phép mang tải trọng 4.000 kg vũ khí gồm bom, rocket, tên lửa không đối đất và tên lửa không đối không R-60.

Đặc điểm nhận dạng Su-22M4

Đặc điểm nhận dạng Su-22M4 là máy bay có 1 cửa lấy khí cho bộ phận làm mát động cơ nằm ở mặt trước, phía trên gốc cánh đứng (vòng tròn đỏ) và thêm 2 vị trí gắn đạn gây nhiễu tên lửa tầm nhiệt và tên lửa dẫn đường radar trên thân máy bay (vòng tròn xanh).

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại