Reuters ngày 23/9 dẫn nguồn tin từ quan chức cấp cao giấu tên của chính phủ Mỹ tiết lộ, Washington đang tiến gần đến việc bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam và một trong những thương vụ hiện thực đầu tiên của 2 nước có thể là hợp đồng bán máy bay tuần tra chống ngầm P-3C Orion.
Trước đó, Giám đốc chương trình tuần tra biển của Lockheed Martin, ông Clay Fearnow từng cho biết Việt Nam có ý định mua tới 6 chiếc P-3C, số máy bay này sẽ được lấy từ kho dự trữ của quân đội Mỹ tại căn cứ không quân Davis-Monthan (bang Arizona), sau đó sẽ chuyển tới nhà máy của Lockheed Martin ở Greenville (bang Nam Carolina) để đại tu sửa chữa lớn. Tại đây, người ta sẽ lắp đặt cánh mới và cánh đuôi do nhà máy ở Marietta (bang Georgia) sản xuất. Với việc lắp đặt các bộ phận mới, tuổi thọ máy bay có thể coi là không phụ thuộc vào thời gian, thời hạn sử dụng bổ sung khoảng 15.000 giờ bay (tương đương 20 năm phục vụ).
Tuy nhiên theo ông Fearnow, những chiếc P-3C bán cho Việt Nam là trường hợp đầu tiên không bao gồm vũ khí trong khi vẫn được trang bị đầy đủ hệ thống trinh sát biển và một số hệ thống bổ sung khác. Dù vậy ông Fearnow cũng lưu ý rằng, nếu mối quan hệ giữa hai nước ngày càng tốt đẹp thì các loại vũ khí có thể được cung cấp sau này.
Trong trường hợp Mỹ chưa đồng ý bán vũ khí đi kèm P-3C ngay từ đầu nhưng Việt Nam lại có nhu cầu trang bị ngay để đảm bảo năng lực tác chiến thì có thể một số quốc gia sau sẽ giúp Việt Nam giải bài toán đó gồm:
1. Nhật Bản
Máy bay P-3C của Hải quân Nhật Bản
Nhật Bản hiện là quốc gia ngoài Mỹ sở hữu phi đội máy bay săn ngầm P-3 Orion lớn nhất thế giới với 87 chiếc đang hoạt động (trong đó có cả phiên bản trinh sát điện tử EP-3).
Ngay khi xuất hiện thông tin Việt Nam có thể mua 6 máy bay tuần tra săn ngầm P-3C không kèm vũ khí vào năm ngoái, đã có nhiều luồng ý kiến cho rằng rất có thể trong tương lai Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam vũ trang cho những máy bay này. Tuy nhiên tại thời điểm đó Hiến pháp của Nhật vẫn chưa được diễn giải lại để cho phép nước này cung cấp vũ khí cho những quốc gia bạn bè nên vấn đề trên đã bị lắng xuống.
Còn vào lúc này, khi Hiến pháp của Nhật đã được sửa đổi, Nhật Bản đã được phép xuất khẩu vũ khí và thậm chí có thể mang quân tham chiến bảo vệ những nước đồng minh thì triển vọng máy bay P-3C của Việt Nam sẽ được vũ trang bằng vũ khí Nhật là hoàn toàn khả thi.
2. Hàn Quốc
Máy bay P-3C của Hải quân Hàn Quốc
Bên cạnh Nhật Bản, Hàn Quốc cũng là một quốc gia sở hữu khá nhiều máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Orion với tổng cộng 16 chiếc ở 2 phiên bản P-3C và P-3CK (phiên bản P-3C của riêng Hàn Quốc).
Trong thời gian gần đây, Hàn Quốc đã nổi lên và bước vào danh sách những quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, vũ khí Hàn Quốc giống như vũ khí Nhật được đánh giá rất cao ở chất lượng và tính năng chiến đấu.
Việt Nam và Hàn Quốc cũng đã có quan hệ quốc phòng từ rất lâu, trước khi một phần lệnh cấm vận vũ khí được Mỹ dỡ bỏ, Hàn Quốc chính là quốc gia cung cấp phụ tùng để Việt Nam phục hồi và hiện đại hóa trực thăng UH-1 cũng như xe thiết giáp chở quân M-113. Dó đó triển vọng máy bay P-3C của Việt Nam sẽ trang bị vũ khí do Hàn Quốc sản xuất cũng hoàn toàn có thể xảy ra.
3. Israel
Máy bay P-3C của Hải quân Mỹ
Một quốc gia nữa cũng phải nhắc đến mặc dù ít khả năng hơn đó là Israel. Hải quân Israel tuy không sở hữu máy bay P-3C trong biên chế nhưng họ cũng hiểu khá rõ loại máy bay này, phiên bản P-3C Orion block IV mới nhất trang bị radar quét mạng pha điện tử chủ động EL/M-2022 chính là thành quả của sự hợp tác Mỹ - Israel.
Như đã biết trong thời gian gần đây, hợp tác quốc phòng Việt Nam - Israel có những bước phát triển vượt bậc và Israel đã vươn lên giữ vị trí nhà cung cấp vũ khí số 2 cho Việt Nam. Tất cả các loại vũ khí Mỹ trang bị cho P-3C Orion phía Israel đều có loại tương ứng được sản xuất trong nước, hoàn toàn có thể tích hợp ngay vào máy bay mà không cần sửa đổi.
Bên trong máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Orion