ĐÁP ÁN:
Cuộc chiến tranh Chechnya lần thứ nhất là một cuộc xung đột giữa Liên bang Nga và Cộng hòa Chechnya Ichkeria , từ tháng 12 năm 1994 đến tháng 8 năm 1996.
Trong đó đỉnh điểm là cuộc tiến công thủ phủ Grozny. Tại đây, quân đội Nga có ưu thế hơn hẳn cả về quân số lẫn trang bị vũ khí song đã hứng chịu những tổn thất lớn trước các phiến quân Chechnya.
Trong trận này, Quân đội Nga đã huy động hàng nghìn xe tăng, xe thiết giáp tham gia tiến công song không đạt được mục đích mà còn thiệt hại nặng nề với 225 tăng thiết giáp (TTG) bị loại khỏi vòng chiến.
Ttrong đó có 62 xe tăng thuộc vào hàng hiện đại nhất nhì thế giới lúc bấy giờ (T72 và T80). Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thảm bại này của quân Nga. Có thể quy lại trong 2 nhóm sau:
1. Những nguyên nhân chủ quan:
Sau những biến động về chính trị trong sự kiện Liên Xô sụp đổ, quân đội Nga- người kế tục của Hồng quân Liên Xô đã rơi vào khủng hoảng một cách toàn diện cả về tư tưởng, tổ chức và khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Các binh sĩ nghĩa vụ thì miễn cưỡng và được huấn luyện rất hời hợt, thiếu trách nhiệm. Trong xã hội cũng như trong quân đội Nga nhiều người cho rằng đây là cuộc chiến “nồi da nấu thịt” nên không ủng hộ.
Nhiều tướng lĩnh, sĩ quan các cấp- kể cả đương kim thứ trưởng Quốc phòng cũng từ chức để phản đối. Tình hình này ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần của binh sĩ. Về mặt chỉ huy đã mắc phải những sai lầm nghiêm trọng cả về chiến lược và chiến thuật.
Xuất phát từ sự chủ quan khinh địch, quân Nga đã tiến công vào thủ phủ Grozny mà không tiến hành phong tỏa thành phố và muốn chiếm thành phố trong hành tiến (đánh nhanh, thắng nhanh). Đội hình tiến công thì đơn điệu theo hàng dọc.
Cự ly giữa xe tăng và bộ binh không hợp lý, không yểm trợ, bảo vệ lẫn cho nhau được...
Trang bị khá hiện đại song cũng bộc lộ một số nhược điểm để phiến quân tận dụng như: khả năng quan sát phát hiện mục tiêu còn hạn chế, nhiều khi phát hiện được mục tiêu nhưng không phát hỏa được vì hạn chế về góc bắn, khả năng phòng hộ phần nóc xe, sườn xe còn yếu...
2. Những nguyên nhân khách quan:
Grozny là thủ đô của nước Cộng hòa Chechnya, là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa và đầu mối giao thông của nước cộng hòa nên có nhiều công trình kiến trúc to lớn và vững chắc.
Vì vậy đã hạn chế rất nhiều hiệu quả của hỏa lực chuẩn bị của pháo binh cũng như không quân. Các công trình đó và kể cả những đống đổ nát của nó có rất nhiều vị trí mà bên phòng ngự có thể lợi dụng.
Đường giao thông tuy nhiều song thường hẹp dẫn đến khó triển khai đội hình tiến công tối ưu. Phiến quân Chechnya với nhiều chiến binh đã từng phục vụ trong quân đội Liên Xô đã có lối đánh thích hợp để chống lại lực lượng TTG hùng hậu của quân Nga.
Họ đã thành lập nhiều toán chiến đấu cơ động, mỗi toán có 3-4 người trong đó 1 người mang súng chống tăng cá nhân, một người trang bị súng máy hoặc súng bắn tỉa có nhiệm vụ tiêu diệt bộ binh, chia cắt BB với xe tăng, số còn lại hỗ trợ và tiếp đạn.
Các toán chiến đấu này len lỏi ẩn nấp trong các ngõ hẻm, tầng hầm hoặc các tầng 2-3 của nhà cao tầng chờ đến khi TTG vào tầm ngắm mới nổ súng vào những điểm hiểm yếu của xe như: nóc xe, sườn xe, cửa lái xe v.v...
Có trường hợp nhiều toán phối hợp với nhau, một toán bắn vào xe đi đầu, một toán bắn vào xe đi cuối làm cho đội hình TTG rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” rồi lần lượt bắn hạ từng chiếc một.
Có thể nói đây là một lối đánh rất thích hợp khi tổ chức phòng thủ ở đô thị trước một đối thủ có ưu thế về quân số và trang bị.
Những nguyên nhân này sau đó đã được phân tích cặn kẽ và rút ra những bài học kinh nghiệm cần thiết trong tổ chức chuẩn bị cũng như thực hành chiến đấu. Nhờ vậy, quân Nga đã giảm bớt được rất nhiều tổn thất trong cuộc chiến Chechnya lần thứ hai./.
TRAO THƯỞNG:
Bạn đọc có câu trả lời hay nhất được trao thưởng trong câu hỏi này là:
Dưới đây là câu trả lời của bạn nguyen binh (16h53, ngày 09-01-2016)
I. Sau khi liên bang Xô Viết tan rã, chiến tranh lạnh kế thúc, Nga bước vào giai đoạn suy thoái kinh tế hết sức khó khăn. Những người lính được đào tạo bài bản chuyên nghiệp đã giải ngũ, những người lính mới tại ngũ trong thời gian này không được đào tạo tốt.
Với lại cuộc chiến Nga với chechnya cuộc chiến nội bộ của nước Nga lên tinh thần chiến đấu của người lính không cao , nhiều người trong nước không ủng hộ cuộc chiến này.
II. Tư tưởng chủ quan khinh địch từ tướng tá cho đến người lính, họ cho rằng chỉ cần 1 lược lương không lớn cũng có thể đè bẹp được quân đội Chechnya.
III. Cuộc chiến Chechnya phía Nga chưa chuẩn bị chu đáo cho cuộc chiến thiếu thông tin tình báo về lực lượng và quy mô tổ chức của quân đội Chechnya.
IV. Trong khi đó quân đội Chechnya được chuẩn bị tốt cho cuộc chiến , mà lòng cốt là các sĩ quan từng phục vụ trong quân đội Liên bang Xô Viết.
Họ hiểu rất rõ phương án tác chiến, cũng như tính năng của từng loại vũ khí có trong trang bị của quân đội LB Xô Viết. Tuy trang bị của họ thua kém xa về số lượng cũng như các loại vũ khí cũng như về quân số những họ biết khai thác các điểm yếu của vũ khí Nga.
V. Trong cuộc chiến Chechnya, quân đội Nga dùng chiến thuật thiết xa, là các loại xe tăng T72, T80, xe thiết giáp chở quân, trực thăng yểm trợ bộ binh, và pháo mặt đất để yểm trợ.
Để chống lại đội quân xe tăng hùng hậu của Nga quân đội Chechnya đã bố trí các đội săn tăng, được tổ chức thành nhiều nhóm nhỏ.
Trang bị súng chống tăng cá nhân RPR7 súng máy để bảo vệ các nhóm chống tăng ẩn nấp trên các tòa nhà cao tầng tấn công vào điểm yếu nhất là nóc các xe tăng Nga bằng nhiều phát bắn cùng lúc và các xe bọc thép chở quân của quân đội Nga.
Súng máy làm nhiệm vụ bảo vệ tổ diệt tăng gạt lính bộ binh Nga lùi lại lại phía sau để cho tổ diệt tăng làm nhiệm vụ tốt hơn. Trong khi đó lính Nga trang bị súng tiểu liên AK hỏa lực yếu tầm bắn không đủ với tới các tổ diệt tăng.
Tinh thần chiến đấu của lính Chechnya rất cao nhờ tư tưởng hồi giáo hơn hẳn lính nga dẫn đến lính bộ binh nga không yểm trợ được cho xe tăng và ngược lại xe tăng cũng không yểm trợ được cho bộ binh trước các tổ diệt tăng của đối phương.
Khi xe tăng đi vào trong đô thị nhà cao tầng đường xá chật hẹp đã làm giảm đáng kể không gian quan sát của lính tăng.
Các trực thăng yểm trợ cho bộ binh và xe tăng nhưng trần bay cao lên xác xuất tiêu diệt mục tiêu không cao vì sợ hỏa lực tên lửa vác vai của quân đội Chechnya.
Lúc đó vũ khí chính xác công nghệ cao tương đối hiếm, các thiết bị trinh sát chiến trường và trinh sát điện tử của Nga lúc đó còn hạn chế, lực lượng pháo binh gần như bị mù với không gian đô thị quá rộng lớn.
Trong khi đó quân đội Chechnya dùng lối đánh du kích và ngụy trang che chắn tốt nên pháo binh Nga không xác định được điểm bắn để tiêu diệt mục tiêu địch.
Quân đội Chechnya lắm rất rõ các mũi nhọm tấn công của quân đội Nga để đưa ra phương án và cách đánh hợp lý.
Dẫn đến Quân đội Nga bị thiệt hại nặng trong cuộc chiến chechnya lần thứ nhất với hơn 200 xe tăng bị diệt và một số xe bọc thép với vài ngìn lính bị tử trận và trên chục ngìn lính bị thương.