Theo tạp chí quốc phòng Defense News (Mỹ), bên cạnh cuộc chiến chống quân ly khai ở miền Đông Ukraine, Kiev còn phải hiện đại hóa quân đội lạc hậu vẫn mang phong cách thời hậu Xô Viết.
Các quan chức quốc phòng Ukraine cho rằng, để làm được như vậy, quân đội Ukraine cần loại bỏ rất nhiều những vấn đề cũ kỹ, lạc hậu.
Ông Konstiantyn Liesnik, một cố vấn của văn phòng cải cách thuộc Bộ Quốc phòng Ukraine, cho hay: "Chúng tôi đang nỗ lực làm việc vì người dân Ukraine đang dõi theo chúng tôi từng bước.
Chúng tôi như những lá cờ của họ, biểu tượng cho những thay đổi trong tương lai của Ukraine. Nếu chúng tôi cải cách được Bộ Quốc phòng, mọi người sẽ có lòng tin rằng đất nước này sẽ được đổi mới”.
Quân đội Ukraine đang cải tổ cả về cách thức tổ chức trong quân đội cũng như hoạt động của ngành công nghiệp quốc phòng để đảm bảo cả hai hoạt động hiệu quả, hướng tới phương Tây.
Một số quan chức thuộc văn phòng cải cách của Bộ Quốc phòng Ukraine, bao gồm cả ông Liesnik, đã tới Washington trong vài ngày qua để thảo luận một số giải pháp cho quân đội Kiev.
Họ đã làm việc với PEO Soldier (cơ quan phụ trách thiết kế và sản xuất trang bị của Quân đội Mỹ), Học viện Hải quân Mỹ và Trung tâm Y tế Quân đội Walter Reed ở Maryland.
Theo những quan chức này, họ vẫn bị hạn chế khi tiếp cận với các thiết bị quân sự của phương Tây. Đây cũng là một trở ngại lớn để quân đội Ukraine có thể đáp ứng yêu cầu về khả năng tương tác trong NATO.
Tuy nhiên, theo ông Paul Schwartz, thuộc Chương trình Á - Âu và Nga của Trung Tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Ukraine vẫn có thể đạt được những tiến bộ đáng kể nếu có được sự hỗ trợ lớn hơn.
Trong cuộc họp báo tại Washington hôm 23/7, khi được hỏi về những thiết bị quân sự mà Kiev muốn Mỹ cung cấp, ông Liesnik cùng nhiều quan chức khác đã liệt kê một danh sách bao gồm các thiết bị vũ khí theo tiêu chuẩn NATO để thay thế cho những vũ khí từ thời Liên Xô.
Tổng thống Ukraine bắt tay một binh sĩ.
Ông Liesnik cho hay, vấn đề lớn của quân đội Ukraine là vẫn đang sử dụng các hệ thống vũ khí từ thời Liên Xô.
Ukraine hiện đang làm việc với các nhà cung cấp địa phương để cải thiện chất lượng của thiết bị quân sự như áo giáp và đồng phục, và để đáp ứng các tiêu chuẩn của NATO.
Quần áo của quân đội Ukraine hiện vẫn mang phong cách từ thời Liên Xô nhưng có chất lượng thấp hơn sau khi Ukraine độc lập từ năm 1991. Ông Liesnik cho hay, thay vì có khả năng chống cháy, một số loại vải còn rất dễ rách.
Ukraine cũng đang phát triển một bộ thiết bị chiến đấu cá nhân gồm 65 vật dụng, bao gồm đồng phục mới. Đây là một kế hoạch mang cả tính biểu tượng cho những thay đổi trong quân đội Ukraine, rũ bỏ phong cách thời Xô Viết, hướng tới phương Tây.
Ông Liesnik nói: "Việc quân đội có đồng phục riêng rất quan trọng. Nó thể hiện một quân đội mới, một bộ mặt mới của quân đội”.
Ngoài đồng phục, Bộ Quốc phòng Ukraine cũng đang tìm kiếm cả các nhà cung cấp trong và ngoài nước.
Quân đội Ukraine đang tiến hành cải cách theo các tiêu chuẩn của NATO.
Ông Liesnik nói: "Hiện tại, chúng tôi đang cần những thiết bị có chất lượng tốt nhất với giá hợp lý nhất".
Tuy nhiên, ông John Herbst, cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine, nhận định: "Giống như mọi thứ khác đang trong quá trình cải cách ở Ukraine, cải cách quốc phòng cũng là một nhiệm vụ rất khó khăn. Tham nhũng vẫn là vấn đề vô cùng lớn đối với Kiev, không ngoại trừ cả trong quốc phòng”.
Còn theo ông Schwartz, ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu, đặc biệt là sang Nga. Do vậy, khi mâu thuẫn với Moscow xảy ra, Kiev bị tổn thất rất nặng nề. Việc mất đi các nhà cung cấp lớn tại Crimea và Donbass cũng là một khó khăn lớn.
Ông nói thêm: "Về lâu dài, cần phải đầu tư thêm để giúp ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine hiện đại hóa và trở nên hội nhập hơn vào chuỗi cung ứng của phương Tây. Tuy nhiên, với mức độ tham nhũng hiện nay, các nhà đầu tư sẽ rất ngại tham gia”.
Bà Olga Oliker, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga và Âu - Á, đồng thời là một nhà phân tích chính sách quốc tế cao cấp, cho rằng, Kiev phải nhanh chóng cải cách và minh bạch quân đội.
Bởi điều đó không chỉ giúp ngăn chặn những nỗ lực gây bất ổn và phá hoại chính phủ Ukraine mà còn trấn an và tạo niềm tin cho các nhà viện trợ tiềm năng của quân đội Ukraine.
Bà Oliker nhận định, việc cải cách quân đội và an ninh quốc gia sẽ khiến thế giới thấy rằng chính phủ Ukraine đang hoạt động hiệu quả. Quân đội trong sạch và minh bạch sẽ khiến các nhà tài trợ yên tâm giao vũ khí bởi họ tin rằng chúng sẽ được sử dụng một cách tốt nhất.
Ví dụ điển hình nhất về sự thận trọng và e ngại khi cung cấp vũ khí cho Ukraine trong bối cảnh hiện nay là Mỹ. Washington lo ngại rằng Kiev có thể để mất vũ khí do Mỹ cung cấp.
Nhiều nhà phân tích khác cũng có chung quan điểm rằng, quá trình cải cách quân đội Ukraine sẽ phải vượt qua rất nhiều trở ngại lớn, để đáp ứng tiêu chuẩn của NATO, Ukraine sẽ phải vượt qua một chặng đường rất dài.
Trong khi đó, một số lại có suy nghĩ lạc quan hơn. Ông Julie Smith, thành viên cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu về một nền An ninh mới của Mỹ cho hay, hy vọng trở thành thành viên NATO là một động lực lớn cho Ukraine có những thay đổi tích cực.
Ông nói: "Dù là một bức tường vô cùng cao để có thể vươn tới, nhưng các tiêu chuẩn của NATO là những tiêu chuẩn tốt nhất để hướng tới”.
Theo ông, thay vì thực hiện các kế hoạch riêng chưa chắc đã có hiệu quả của mình hay theo tiêu chuẩn của một nước láng giềng nào đó, NATO sẽ cung cấp cho Ukraine các mục tiêu cụ thể.
Ông khẳng định, "mặc dù có thể không đạt được nhiều tiêu chuẩn nhưng Ukraine có thể thay đổi theo hướng tích cực hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay".
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Defense News, một tạp chí ra đời vào năm 1986, chuyên cung cấp những tin mới nhất cũng như các bài phân tích về các chương trình, chính sách, hoạt động và công nghệ quốc phòng.