Spacedaily cho biết, Hệ thống vũ khí laser (Laser Weapon System - LWS) công suất 30 kW có tên “Vũ khí thử nghiệm năng lượng cao tiên tiến” hay còn gọi là “Hệ thống Athena” của Lockheed Martin đã phá hủy thành công động cơ một chiếc ô tô đang di chuyển ở khoảng cách 1,6km.
Nguyên mẫu “Hệ thống vũ khí laser” áp dụng công nghệ “Tích hợp chùm quang phổ” (spectral beam combining), dùng nhiều tia laser đơn hợp thành một chùm sóng duy nhất, nâng cao cực đại công suất của chùm tia này, mở ra cuộc cách mạng trong lĩnh vực hệ thống vũ khí năng lượng định hướng.
Đại diện của Lockheed Martin tiết lộ, cơ sở của “Hệ thống Athena” là “Hệ thống vũ khí laser phòng thủ khu vực” (Area Defense Anti-Munitions) do công ty phát triển và đã thử nghiệm thành công, có khả năng đối phó với các mục tiêu trên biển và trên không cỡ nhỏ (Ảnh: Đạn rocket bị tia laser phá hủy).
Hiện công ty đang đầu tư rất lớn vào các cấu kiện như: Thiết bị sinh laser, thiết bị quang học, hệ thống kiểm soát chùm tia với mục đích giảm kích thước và trọng lượng nhưng vẫn nâng cao hiệu suất của thiết bị. (Ảnh: hệ thống vũ khí laser trên khu trục hạm DDG-105 Dewey).
Sau khi hoàn thành hạng mục này, công ty có thể tích hợp chúng thành các hệ thống vũ khí laser trên nhiều phương tiện: Ô tô, máy bay chiến đấu, trực thăng, chiến hạm…
Tháng 9-2014, Cục quản lý các dự án nghiên cứu tiên tiến của Bộ quốc phòng Mỹ (DARPA) đã phối hợp với Lockheed Martin nghiên cứu và thử nghiệm “Pháo điều khiển chùm tia laser thế hệ mới”, cung cấp cho các máy bay quân sự một “Hệ thống vũ khí laser công suất cao”, có phạm vi bao phủ 360o.
Đại diện của Lockheed Martin, ông Doug Graham cho biết, Hệ thống vũ khí “Pháo điều khiển chùm tia laser tự động trên không” (ABC - Aero-adaptive Aero-optic Beam Control) đã tiến hành những thử nghiệm đầu tiên, đối phó với máy bay và tên lửa của địch từ mọi hướng nhằm đánh giá hiệu quả thiết kế.
Tháng 5-2013, Lockheed Martin phát hành đoạn video của vụ thử nghiệm “Hệ thống vũ khí laser phòng thủ khu vực trên chiến hạm”. Trong video, hệ thống đã chiếu xạ tấn công một xuồng cao su cỡ nhỏ ở khoảng cách 1,6km, xuyên thủng mạn và đốt cháy nó.
Vào tháng 12-2013, lục quân Mỹ cũng thử nghiệm thành công hệ thống laser lắp đặt trên xe tải. Hệ thống này đã bắn hạ nhiều máy bay không người lái cỡ nhỏ và hơn 90 quả đạn cối.
Mặc dù hệ thống mỗi lần chỉ chiếu xạ và tấn công 1 mục tiêu nhưng nó có thể đồng thời tìm kiếm và bám bắt nhiều đối tượng rồi lần lượt tiêu diệt. (Ảnh: Bắt đầu chiếu xạ laser tấn công - chú ý khung màu đỏ).
Tháng 5-2013, Lockheed Martin đã công khai một đoạn video thử nghiệm của dự án chế tạo pháo laser ADAM lắp đặt trên ô tô. Hệ thống này đã chiếu xạ và tiêu diệt hàng loạt rocket ở khoảng cách 1,5km.
Mạng thông tin của Hải quân Mỹ cũng công khai hình ảnh cuộc thử nghiệm vũ khí laser trên hạm ở Thái Bình Dương vào ngày 04-08-2012. Khu trục hạm DDG-105 Dewey đã liên tục chiếu xạ bắn cháy các bia bay trên không.
Thử nghiệm thành công cho thấy cơ bản là các hệ thống trên có đủ khả năng đối phó với tàu, xuồng và máy bay trong cự ly 1km. Hiện nay, phạm vi hiệu dụng của các hệ thống trên hạm đã được nâng lên tới 10km.
Ngoài ra, nó còn cung cấp khả năng phòng thủ giai đoạn cuối đối với tên lửa đạn đạo, bao gồm cả tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM). (Ảnh: Ngày 10-12-2012, hệ thống ADAM của Lockheed Martin đã phá hủy hàng loạt đạn rocket ở khoảng cách 1,6km).
Các thử nghiệm thành công của Lockheed Martin và nhiều công ty khác như Boeing, Raytheon, Northrop-Grumman… đã biến quân đội Mỹ thành cường quốc số 1 về vũ khí laser mà rất lâu sau cũng khó có quốc gia nào đuổi kịp. (Ảnh: Kể từ khi chiếu xạ, vũ khí laser chỉ mất có 3 giây để hủy diệt mục tiêu.)