Ông Sergei Goreslavsky, phó giám đốc Rosoboronexport cho biết: “Lệnh cấm vận không có ảnh hưởng đáng kể đối với ngành công nghiệp quốc phòng Nga. Các loại khí tài của chúng tôi rất được ưa chuộng trên thị trường quốc tế”.
Ông cũng nói thêm rằng số đơn yêu cầu thuê và mượn các sản phẩm của Nga của các đối tác nước ngoài đã tăng lên.
“Cấm vận là một liều thuốc thúc đẩy hoạt động của cơ quan Rosoboronexport. Chúng tôi hiện đang bàn với các đối tác bằng nhiều hình thức thỏa thuận, nâng cao hệ thống chi trả và vận chuyển hàng hóa”, ông Gorelavsky nói.
“Từ năm ngoái đến nay, chúng tôi đã xúc tiến hàng loạt chương trình an ninh quốc gia, từ dự án vũ khí phòng không cho đến các loại súng mới. Chúng tôi cũng trao cơ hội hợp tác trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật cho nhiều công ty”.
Nền kinh tế Nga thực tế không quá phụ thuộc vào các mặt hàng nhập khẩu. Nga đã tiến hành thay thế các nguồn hàng linh kiện sản xuất nhanh chóng.
Vào nửa đầu năm 2015, 55% số linh kiện do Ukraine chế tạo đã được thay bằng các loại của Nga. Việc phát triển các loại tên lửa đạn đạo giờ đây đã không còn có sự tham gia của các nhà sản xuất Ukraine nữa.
Cụ thể, tên lửa đạn đạo Sarmat dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng vào năm 2016 và thay thế tên lửa Satan, một loại vũ khí do Nga và Ukraine hợp tác chế tạo. Sarmat sẽ chỉ có những linh kiện được sản xuất trong nước.
Trong khi đó, hoạt động sản xuất động cơ máy bay giờ đây đã được các nhà máy ở Nga tiến hành. Vấn đề của việc thay thế các linh kiện nhập khẩu đó là các nhà máy trong nước sẽ bị tồn đọng đơn đặt hàng, thiếu hụt nhân sự đủ kỹ năng và thiếu khoản ngân sách hỗ trợ cần thiết.
Lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây cũng mở ra cơ hội hợp tác mới, cụ thể là với các nước trong khối BRICS và khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, mặc dù lợi thế hợp tác với các nước thân cận là không thể phủ nhận, điều đó sẽ không giúp giải quyết mọi vấn đề của ngành công nghiệp quốc phòng.
Một vấn đề khác đó là, thị trường vũ khí trên thế giới, với Nga đứng thứ hai trong số 5 nước xuất khẩu vũ khí chính, trong tương lai sẽ xuất hiện nhiều nhà sản xuất mới.
Một số nước mà Nga đang hợp tác hiện đang gây dựng vị thế của mình trong lĩnh vực công nghệ quân sự và sẽ trở thành đối thủ của Nga trong tương lai, ví dụ như Trung Quốc, Nam Phi, Brazil và Hàn Quốc.
Trước tình hình đó, nhiều chuyên gia quân sự nói rằng Nga cần phải có sự cân bằng giữa việc tự sản xuất trong nước và hợp tác với các nước ngoài trong lĩnh vực quân sự.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Russia & India Report (RIR), ấn bản tại Ấn Độ của website tin tức Russia Beyond the Headlines của Nga.