Truyền thông Israel: Trung Quốc triển khai tàu sân bay Liêu Ninh tới Syria tham gia tác chiến
Theo tin của trang mạng Debkafile của Israel ngày 26-9, trong một động thái đầy bất ngờ đối với cộng đồng quốc tế, tàu sân bay Liêu Ninh (CV-16) của Trung Quốc đã đột ngột hiện diện ở quân cảng Tartus của Syria, cùng với 1 tàu khu trục tên lửa.
Nguồn tin quân sự của Debkafile nói rằng tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đã đi qua Kênh đào Suez của Ai Cập ngày 22-9, một ngày sau cuộc gặp cấp cao ở Moscow giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu.
Trước đó, một tàu khu trục tên lửa làm nhiệm vụ dẫn dường và bảo vệ của Trung Quốc đã đi trước mở đường cho tàu sân bay Liêu Ninh trong chuyến hành trình không mang theo máy bay chiến đấu để tránh những phiền phức cần thiết.
Nguồn tin của trang mạng Israel cho biết, có bằng chứng cho thấy các tàu chiến Trung Quốc sẽ hoạt động dài ngày ở Syria.
Nước này sẽ triển khai một phi đội tiêm kích hạm J-15 và một số trực thăng hạm để phục vụ cho hoạt động của tàu sân bay Liêu Ninh.
Tuy nhiên, có lẽ sự góp mặt của những phương tiện tác chiến này chỉ mang tính chất hình thức bởi cả tàu sân bay Liêu Ninh và tiêm kích hạm J-15 vẫn chưa hình thành năng lực chiến đấu, hơn nữa, hiện cũng chưa có cơ chế nào cho phép các tiêm kích hạm Trung Quốc hoạt động ở Địa Trung Hải.
Debkafile cho biết, lực lượng không quân của hải quân Trung Quốc sẽ đưa sang Syria một phi đội chưa rõ số lượng các tiêm kích hạm J-15, trong đó một số sẽ triển khai trên boong của tàu sân bay Liêu Ninh, phần còn sẽ “sát cánh” cùng các máy bay Nga ở căn cứ không quân Latakia.
Theo tiết lộ của trang tin Israel, Trung Quốc sẽ điều động đến Syria các máy bay trực thăng chống ngầm Z-18F và trực thăng cảnh báo sớm trên không Z-18J để bảo vệ lực lượng đồn trú ở Syria, trong cuộc chiến chống Tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” IS.
Nguồn tin giấu mặt của Debkafile cho biết, máy bay chiến đấu và trực thăng hạm dự kiến sẽ được triển khai trên boong tàu sân bay Liêu Ninh vào giữa tháng 11-2015.
Chúng sẽ được vận chuyển bằng máy bay vận tải quân sự hạng nặng của Nga, từ Trung Quốc, qua không phận Iran và Iraq sang Syria.
Ngoài ra, có thông tin cho rằng, Bắc Kinh sẽ tiếp tục cử các tàu đổ bộ vận chuyển khoảng 1.000 lính thủy đánh bộ sang hợp sức với Nga và Iran chống lại các nhóm khủng bố, bao gồm cả nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo IS.
Phối hợp với Nga và Iran chống khủng bố ở Syria?
Các nguồn tin chống khủng bố của Debkafile cho biết, trong khi đích ngắm của lính thủy đánh bộ Nga là các phiến quân IS đến từ Chechnya và Caucasus, thì mục tiêu triệt hạ của lính thủy đánh bộ Trung Quốc là những tay súng IS, có gốc gác người Uighur (người Duy Ngô Nhĩ), đến từ Khu tự trị Tân Cương.
Mạng tin Debkafile nhận định rằng cũng giống như Tổng thống Putin muốn “triệt đường” đám phiến quân IS người Chechnya trở lại Nga, Trung Quốc cũng tìm mọi cách ngăn chặn chiến binh người Duy Ngô Nhĩ từ Syria trở về Tân Cương, thông qua các quốc gia Trung Á.
Điều này giải thích việc Moscow đang đôn đáo thiết lập khẩn cấp một “cơ chế phối hợp quân sự” Nga-Syria-Iran ở Baghdad trong mấy ngày qua.
Cơ chế này, cộng với việc các sĩ quan Nga được nhìn thấy ở thủ đô Iraq, cho thấy sự hiện diện quân sự không giới hạn của Nga và hiện nay là Trung Quốc.
Được biết, thông tin về việc PLA điều tàu sân bay đến Syria phối hợp tác chiến với Nga và Iran được công bố đúng vào thời điểm Tổng thống Mỹ Barack Obama nồng nhiệt tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong khuôn khổ thăm chính thức tới Mỹ của ông Tập.
Bắc Kinh sẽ được hưởng lợi trong mối quan hệ tay ba đầy mâu thuẫn này. Trung Quốc vừa ve vãn Mỹ để có quan hệ tốt hơn và thu hút đầu tư, vừa giúp Nga can thiệp quân sự tại Syria, hòng vừa mưu đồ kiếm lợi về mặt quân sự, vừa góp phần “chống khủng bố từ xa”.
Nếu quả thực thông tin của Debkafile là đúng, việc Bắc Kinh điều tàu sân bay Liêu Ninh đến Tartus sẽ làm đảo lộn những toan tính của phương Tây trong cuộc chiến chống phiến quân IS ở Syria và Iraq. Sự hợp sức của Nga, Trung Quốc và Iran ở Syria sẽ khiến Mỹ “đau đầu nhức óc”.
Tuy nhiên, hiện việc tàu sân bay Liêu Ninh bất ngờ hiện diện ở Syria vẫn chưa được các phương tiện truyền thông chính thống của Trung Quốc xác nhận nên thông tin này cần được tiếp tục kiểm chứng bằng trong vài ngày tới.