Nóng bỏng cuộc đua vũ khí chống tăng ở châu Á

Nhiều nước châu Á chạy đua trang bị xe tăng tác chiến chủ lực khiến nhu cầu sắm sửa vũ khí chống tăng cũng trở nên cấp thiết.

Tạp chí quân sự uy tín Defense Review Asia của Úc có bài nhận định hệ thống vũ khí điều khiển chống tăng (ATGW) đang có vai trò quan trọng trong bối cảnh từ Nam Á đến Đông Bắc Á và Đông Nam Á đều tăng cường lực lượng xe tăng.

Hàng Âu, Mỹ được ưa chuộng

Được sử dụng rộng rãi ở châu Á là tên lửa chống tăng vác vai thế hệ thứ 2 của Mỹ mang tên BGM-71 TOW. Những phiên bản mới gồm có TOW 2A với đầu đạn chống tăng sức nổ lớn và TOW 2B Aero có tầm bắn được mở rộng lên 4,5 km.

Hiện các đơn vị Mỹ đồn trú ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sử dụng TOW. Loại tên lửa này cũng được sử dụng ở Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan. ATGW thế hệ thứ 3 mang tên FGM-148 Javelin khá cơ động và hiệu quả cũng rất phổ biến.


	Vũ khí chống tăng BGM-71 TOW do Mỹ sản xuất - Ảnh: Gunsandgames.net

Vũ khí chống tăng BGM-71 TOW do Mỹ sản xuất - Ảnh: Gunsandgames.net

Tại châu Âu, Thụy Điển là một trong những nước sản xuất ATGW hàng đầu thế giới với các sản phẩm chủ lực như pháo không giật Carl-Gustaf, hệ thống Bill 2 có khả năng xuyên phá giáp phản ứng nổ của xe tăng và vũ khí chống tăng hạng nhẹ AT4.

Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Nhật Bản, Singapore và Thái Lan là những khách hàng quen thuộc của vũ khí chống tăng Thụy Điển. Bên cạnh đó, Đức chiếm được thị phần khá lớn ở Nhật Bản và Hàn Quốc nhờ hệ thống rốc két chống tăng PzF 3 sở hữu đầu đạn tiếp đôi có khả năng xuyên phá giáp phản ứng nổ.

Cạnh tranh sôi động

Gần đây, Israel nổi lên trong thị trường ATGW tại châu Á với tên lửa Spike khá đắt hàng. Với tầm bắn từ 8 - 24 km và có thể dễ dàng lắp đặt cũng như triển khai tác chiến nhanh, ATGM Spike được hàng chục nước tin cậy chọn mua, trong đó có cả Mỹ.

Từ năm 1999, Singapore đã mua 1.000 tên lửa Spike trong khi Hàn Quốc đang chờ nhận 50 tên lửa nhằm trang bị trên các đảo tiền tiêu ở Hoàng Hải với mục tiêu đối phó nguy cơ xe bọc thép của CHDCND Triều Tiên đổ bộ.

Chưa hết, hồi cuối năm ngoái, báo The Times of India dẫn nguồn tin quân sự cho hay Israel đang vượt mặt Mỹ trong cuộc đua giành quyền cung cấp ATGM trị giá 1 tỉ USD cho Ấn Độ.

Theo đó, phiên bản Spike dành cho New Delhi sẽ phù hợp với nhiều điều kiện địa lý của Ấn Độ, giúp nước này tăng cường sức mạnh phòng thủ tại khu vực biên giới đang có tranh chấp với Trung Quốc, sẵn sàng đối phó các chiến dịch tấn công của xe bọc thép và xe tăng.

Nga cũng đang chào mời hàng loạt mặt hàng ATGW tại khu vực. Mới đây, nước này đã ký được hợp đồng bán cho Ấn Độ 15.000 tên lửa Konkurs-M với tầm bắn 5,5 km mang đầu đạn nhiệt áp và chống tăng có sức nổ lớn. Ngoài ra, Nga còn bán ATGW thế hệ 2 29K115-2 Metis-M cho Indonesia, Hàn Quốc và Malaysia.

Bên cạnh việc mua của nước ngoài, một số nền quân sự trong khu vực cũng nỗ lực phát triển ATGW. Cụ thể, Nhật vừa giới thiệu tên lửa chống tăng Type 01 LMAT thuộc thế hệ thứ 3. Hàn Quốc đang phát triển tên lửa thế hệ mới MRIM được cho là sẽ trở thành đối thủ của Spike và Javelin. Trước đó, Singapore cũng đã hợp tác với Israel phát triển hệ thống chống tăng MATADOR gọn nhẹ và cơ động.

Các thế hệ ATGW

Thế hệ ATGW đầu tiên là đạn tự hành được điều khiển bởi hệ thống lái bám đường thủ công (MCLOS), đòi hỏi người dùng phải theo dõi, điều khiển đạn đến mục tiêu. Thế hệ kế tiếp đơn giản hơn, chỉ cần người sử dụng giữ tầm ngắm vào mục tiêu cho tới khi tên lửa tiếp cận và được gọi là hệ thống bám đường bán tự động (SACLOS).

Thế hệ mới nhất có công nghệ hiện đại hơn hẳn, sử dụng bộ dò tìm laser, thu ảnh điện - quang học hoặc bộ radar trên mũi tên lửa. ATGW thuộc thế hệ này cho phép người bắn không cần điều chỉnh tên lửa sau khi phóng, nhưng nó dễ gặp nguy cơ bị đáp trả bởi các biện pháp can thiệp điện tử hơn so với MCLOS và SACLOS.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại