Một nguồn tin Bộ Quốc phòng Nga cho hãng tin Interfax-AVN biết Nga sẽ hiện đại hóa căn cứ không quân Cận vệ (Gvardeyskoye) ở Simferopol, Crimea để có thể tái bố trí các máy bay Tu-22M3 tại đây. Thời gian dự kiến sẽ mất khoảng 2 năm để hoàn tất và Tu-22M3 sẽ bắt đầu được đưa tới từ năm 2016.
Nguồn tin này cũng cho biết thêm tại Crimea sẽ xuất hiện số lượng các phương tiện mang tên lửa hải chiến cần thiết. Theo đó, nhu cầu bố trí các loại vũ khí này ở hướng Nam từ trước tới này vẫn luôn cần thiết, song hiện giờ Nga mới có điều kiện để tái bố trí chúng trên bán đảo Crimea, nơi được mệnh danh là tàu sân bay không thể đánh chìm.
Ngoài căn cứ Cận vệ, cơ sở hạ tầng ở căn cứ Kache cũng sẽ được hiện đại hóa một cách cơ bản. Tại những địa điểm này sẽ bố trí các máy bay chiến đấu và trực thăng đã nâng cấp, trong đó có tiêm kích Su-27, máy bay chống ngầm Tu-142 và Il-38. Ngoài ra còn có trực thăng Ka-27 và Ka-29.
Trong những năm 70 của thế kỷ trước, Hạm đội Biển Đen của Nga trên bán đảo Crimea đã từng có Sư đoàn không quân Cận vệ số hai với 3 trung đoàn máy bay trang bị tên lửa bố trí tại các căn cứ Vesyoloye, Cận Vệ và Tháng Mười (Oktyabrskoye). Ngoài Tu-22 các phiên bản khác nhau, Sư đoàn này còn có cả các máy bay ném bom tầm xa Tu-16.
Sau khi Liên Xô tan rã, Hạm đội Biển Đen bị phân chia với 19 chiếc “Tu” cho Nga và 20 chiếc cho Ukraine. Nga đã rút những chiếc Tu này về để bố trí tại Hạm đội Biển Bắc và Hạm đội Thái Bình Dương.
Tu-22M3 (NATO phân loại là Backfire) là một trong những phiên bản máy bay ném bom tầm xa siêu thanh trang bị tên lửa và có cánh cụp cánh xòe. Tổng khối lượng bom (bao gồm cả bom nguyên tử và bom thông thường) mà máy bay có thể mang theo là 24 tấn. Máy bay có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết bất kể ngày đêm.
Một số thông số cơ bản của máy bay là: Dài 42,4m, sải cánh 34,28m khi xòe, 23,3m khi cụp và trọng lượng cất cánh 124 tấn. Phiên bản đầu tiên Tu-22M0 ra đời từ năm 1969. Phiên bản Tu-22M1 được chế tạo từ năm 1971 song không được đưa vào biên chế. Phiên bản Tu-22M2 được sản xuất từ năm 1973, đưa vào biên chế năm 1976.
Phiên bản Tu-22M3 được sản xuất hàng loạt từ năm 1978 và đưa vào trang bị từ năm 1989. Ngoài ra còn có các chương trình sản xuất Tu-22M4/5/P song đều không được hoàn thành. Theo số liệu công khai, đã có tổng cộng 268 chiếc Tu-22M3 được ra lò và chiếc cuối cùng sản xuất năm 1993.
Tu-22M3 có thể tác chiến cả trên đất liền và trên biển với các loại tên lửa Kha-22, Kha-15 và các loại bom khác nhau. Với khả năng tác chiến đa dạng, tốc độ siêu thanh và hỏa lực cực mạnh, Tu-22M3 là nỗi kinh hoàng đối với Mỹ và phương Tây.
Trong giai đoạn 2002-2006, Mỹ đã gây sức ép buộc Ukraine phải phá hủy tổng cộng 60 chiếc Tu-22 các phiên bản (gồm 17 Tu-22M2 và 43 Tu-22M3). Ngoài ra, Mỹ cũng buộc Ukraine tiêu huy tổng cộng 423 tên lửa Kh-22.
Các nhân chứng cho biết khi những chiếc Tu-22 của Ukraine được cắt ra dưới sự giám sát của phái bộ quân sự Mỹ, những người Mỹ đã vui mừng đến nỗi gần như nhẩy cẫng lên. Một đại tá Mỹ nói rất to rằng Tu-22M3 từng là nỗi đau đầu đối với lực lượng NATO ở châu Âu nhưng cuối cùng thì họ cũng đã thoát được chúng!