Nỏ thần Liên Châu - Nỗi khiếp đảm của giặc ngoại xâm phương Bắc

Hà Dũng |

(Soha.vn) - Trình độ chế tạo cung nỏ thời Hùng Vương - An Dương Vương đã làm cho quân giặc phương Bắc khiếp sợ và được thần thánh hóa bằng truyền thuyết nỏ thần.

LTS: Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, người Việt Nam đã không ít lần phải đứng lên, chống lại kẻ thù xâm lược từ phương Bắc. Và trong mỗi lần như thế, dù là dùng mũi tên, ngọn giáo, hay những vũ khí hiện đại sau này, người Việt Nam đều khiến kẻ thù kinh hồn bạt vía. Loạt bài NHỮNG VŨ KHÍ KHIẾN GIẶC PHƯƠNG BẮC KHIẾP SỢ sẽ giới thiệu với độc giả những vũ khí đã cùng các thế hệ người Việt ghi chiến công hiển hách trong các cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền dân tộc trước các thế lực ngoại xâm phương Bắc.

Từ câu chuyện mang màu sắc truyền thuyết

Theo truyền thuyết hàng ngàn năm nay kể lại, thời Thục Phán - An Dương Vương, nước Âu Lạc có nỏ thần có thể bắn ra hàng ngàn mũi tên, xuyên qua chục người, làm quân địch khiếp sợ. Vì thế mà quân xâm lược phương Bắc luôn luôn phải nhận thất bại. Lẫy nỏ thần này được làm từ vuốt của Rùa Thần, được xem là bảo bối giữ nước mà thần linh ban tặng với lời nói được truyền tụng “Giữ được nỏ thần, thì giữ được thiên hạ - mất nỏ thần sẽ mất cả thiên hạ

Đây là một câu chuyện mang đậm màu sắc truyền thuyết. Tuy nhiên trải qua nhiều quá trình nghiên cứu các nhà khoa học đã dần chứng minh được nỏ thần là có thật trong lịch sử, thể hiện tài năng quân sự tuyệt vời của nhân dân nước Việt.

Đến những vết tích khảo cổ học

Nỏ thần trong thực tế có tên gọi là nỏ Liên Châu, do vị tướng quân tài ba Cao Lỗ chế tạo dưới thời Thục Phán An Dương Vương nhà nước Âu Lạc, đặt tên là Linh Quang Kim Trảo Thần Nỏ.

Nỏ có thể bắn một lần được nhiều phát mà các mũi tên đều bịt đồng sắc nhọn. Sử sách cũ đã thần thánh hóa gọi là: "Linh Quang Thần Cơ". Sách Lĩnh Nam chích quái chép rằng: Cứ đem nỏ ra chĩa vào quân giặc là chúng không dám đến gần.

Năm 1959, các nhà khảo cổ đã tìm được trong lòng đất Cổ Loa số lượng lên tới hơn một vạn chiếc tên được chôn giấu. Đặc biệt, sau này các nhà khảo cổ học còn tìm thấy lò đúc và quan trọng nhất là khuôn đúc mũi tên ba cạnh này.

Mũi tên đồng khai quật tại thành Cổ Loa

Mũi tên đồng khai quật tại thành Cổ Loa

Mũi tên ba cạnh dạng này được đặt tên là mũi tên Cổ Loa. Có bảy loại mũi tên dùng cho nỏ thần của An Dương Vương: Loại dài nhất 11cm, loại ngắn nhất 6cm và đều cùng một loại, cấu tạo gồm 3 bộ phận: đầu nhọn, trụ và chuôi cùng có mặt cắt ngang hình tam giác.

Ðầu mũi tên có mặt cắt hình tam giác với rìa cạnh thẳng hoặc hơi cong vồng ra; mặt cắt ngang đầu mũi hình tam giác đều cạnh thẳng hoặc cong lõm vào. Mũi tên ba cạnh tạo ra vết rách to theo ba hướng, gây thoát máu nhanh, thương vong lớn, khiến cho đối phương hoang mang, mất bình tĩnh khi đang tấn công và là một yếu tố tạo nên tính thần kỳ của loại nỏ An Dương Vương so với các loại vũ khí đương thời.

Thêm một bằng chứng thuyết phục nữa đó là việc khai quật được lẫy nỏ Làng Vạc khá nguyên vẹn còn đầy đủ các bộ phần hợp thành. Ngoài ra, chúng ta còn khai quật được ở thành Cổ Loa một cái ống đồng dài khoảng 0,5 m, hai đầu bịt kín, dọc thân trổ lỗ như lỗ cây sáo được cho là một bộ phận của chiếc nỏ.

Lẫy nỏ được khai quật từ thành Cổ Loa

Lẫy nỏ được khai quật từ thành Cổ Loa

Qua phân tích bằng phương pháp quang phổ cho thấy thành phần cấu tạo của mũi tên đồng Cổ Loa cũng như lẫy nỏ có 95% bằng đồng; chì 3,4 – 4,2%; thiếc 1 – 1,1%. Với tỷ lệ này, tên được tạo có độ cứng cao, có thể mài, dũa để tạo thành những bộ phận lưỡi, mũi nhọn, sắc, có độ sát thương cao. Thiếc và chì sẽ khiến khuôn đúc mũi tên rất róc, không bị bám dính. Khuôn đúc tên cũng phải chế tác theo chất liệu và kiểu dáng của khuôn cổ chứ không sử dụng các loại khuôn hiện đại.

Tỉ lệ này cũng tương ứng với tỷ lệ phân tích được trên các vũ khí khác như giáo, mác… Chứng tỏ trình độ luyện kim, trình độ quân sự thời An Dương Vương đã rất cao.

Cũng trong nhiều họa tiết hoa văn thời Đông Sơn đã khắc họa hình ảnh sử dụng cung nỏ với kích thước lớn có thể xem như dấu tích về “nỏ thần” trong truyền thuyết.

Họa tiết cung thủ trên các hoa văn thời Đông Sơn

Họa tiết cung thủ trên các hoa văn thời Đông Sơn

Phục dựng thành công nỏ thần

Nhằm đi tìm lời giải cho bí ẩn nỏ thần có cấu tạo như thế nào, nhiều nhà khoa học đã tìm cách phục dựng lại nỏ thần và đã có những thành công ngoài sức tưởng tượng.

Trước hết là chiếc nỏ thần được phục dựng thành công từ năm 2000 bởi kỹ sư Lê Minh Hồng, theo mô hình của một chiếc nỏ “tích hợp” nhiều cánh nỏ.

Thân nỏ dài tới 4m và có tới hai loại nỏ. Nỏ công dùng cho nhóm chiến đấu, nỏ thủ dùng cho cá nhân. Muốn tạo ra nỏ khổng lồ, có sức sát thương cao, phải liên kết nhiều cánh nỏ trên một thân nỏ.

Nỏ này không chỉ bắn ra hàng trăm mũi tên một lúc mà còn bắn được cả mũi lao xa tới cả trăm mét. Bí mật sức mạnh của nỏ là thuật chia nhỏ góp gió thành bão.

Trong số các mô hình nỏ thần được phục dựng lại thì mô hình do Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á thực hiện vào năm 2010 được nhắc tới nhiều hơn cả. Mô hình này được phỏng dựng dựa trên các lẫy nỏ cổ bằng đồng từng phát hiện tại Làng Vạc (Nghệ An).

Chiếc nỏ này được phục chế hoàn toàn không sử dụng công cụ của thời hiện đại. Hình dáng nỏ được tham khảo và dựa trên những sách cổ Trung Quốc và hình vẽ trên đền thờ Angkor Watt và tài liệu La Mã cổ đại liên quan đến nỏ có niên đại trùng với thời An Dương Vương để so sánh.

Nhóm nghiên cứu đã thuê thợ đúc đồng làng Đại Bái (Bắc Ninh) đúc lại mũi tên đồng theo phương pháp thủ công cổ xưa, với tỉ lệ hợp kim đồng – chì – thiếc đúng như đã phân tích từ mũi tên khai quật được.

Kỳ công hơn, theo đúng các ghi chép cổ xưa còn lưu lại, thân mũi tên được làm từ thân cau già chứ không phải bằng tre vì tre có đốt nên bị giới hạn về độ dài. Cau già có độ dẻo, thẳng, không bị cong vênh, co ngót theo thời gian.

Trải qua rất nhiều thử nghiệm, nhóm nghiên cứu mới tìm ra tỷ lệ tương xứng giữa thân và mũi tên để đảm bảo mũi tên bay xa và chuẩn nhất. Toàn bộ mũi tên dài 80 cm, đường kính 0,8 cm, nặng 80-100 g.

Dây nỏ được làm từ mây lấy ở Hoà Bình do các nghệ nhân làm nỏ người Mường, Thái vào rừng chọn gai từ mùa trước, sau đó ngâm tẩm và bện thành dây. Cánh mũi tên làm từ mo cau đúng như các ghi chép cổ còn lưu lại.

Kết quả, sau 2 năm miệt mài, nhóm nghiên cứu đã phục dựng được thành công máy bắn nỏ thời Văn Lang- Âu Lạc, có thể bắn 10 mũi tên cùng một lúc với độ sát thương cao. Kết quả thử ngiệm cho thấy, ở khoảng cách từ 80 – 120m, mũi tên phóng đi đạt độ sát thương cao nhất.

Bắn biểu diễn mô hình phục dựng nỏ thần

Bắn biểu diễn mô hình phục dựng "nỏ thần"

Điều quan trọng nhất tạo nên sức thần của “nỏ thần” có lẽ chính là người xưa đã biết phát triển kỹ thuật tạo ra những “chốt giữ liên hoàn” để có thể 1 lần bóp cò thì không những một chiếc nỏ bắn được nhiều tên mà nhiều chiếc nỏ như vậy cùng bắn tạo ra những “cơn mưa” mũi tên làm tan vỡ quân địch.

Với những thư tịch và di tích khảo cổ để lại cùng việc phục dựng thành công “nỏ thần’ có lẽ đủ để khẳng định rằng trong lịch sử dân tộc Việt Nam thời Hùng Vương - An Dương Vương trình độ chế tạo cung nỏ của người Việt đã đạt đến trình độ rất cao. Họ đã có thể chế tạo ra những chiếc nỏ bắn được nhiều mũi tên cùng một lúc, xuyên qua hàng chục người. Đây chính là một vũ khí, sản phẩm kết tinh giữa truyền thống chống ngoại xâm và sự sáng tạo trong lao động của người Việt. “Nỏ thần” đã gây khiếp đảm cho quân xâm lược phương Bắc và góp phần giữ vững độc lập, tự chủ của dân tộc.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại