Những thông tin tuyệt mật về tên lửa đạn đạo của Triều Tiên

Tình hình bán đảo Triều Tiên đã trở nên cực kỳ căng thẳng với việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un rạng sáng ngày 29/3 ra lệnh cho các đơn vị tên lửa và pháo binh tầm xa của nước này vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Một nguồn tin từ Bộ quốc phòng Hàn Quốc cho biết là trên thực tế tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao đã được Bình Nhưỡng áp dụng với các đơn vị tên lửa từ ngày 26/3 và mục tiêu của các đòn tấn công được tuyên bố là các căn cứ quân sự Mỹ ở Hawai, Guam và phần lục địa của lãnh thổ Mỹ (Alaska).

Đêm 28 rạng ngày 29/3, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã ký một sắc lệnh theo đó bộ đội tên lửa sẵn sàng tấn công vào các căn cứ của Mỹ ở Nam Triều Tiên và Thái Bình Dương. Sáng 30/3, Kim Jong-un lại tuyên bố tình trạng chiến tranh với Hàn Quốc. Liệu có một cuộc tấn công bằng tên lửa vào các mục tiêu như đã tuyên bố trên không và khả năng thực sự của Bắc Triều Tiên đến đâu?

Trong phạm vi bài này người viết muốn chỉ đề cập đến khía cạnh kỹ thuật của vấn đề. Tức là muốn biến  một thành phố nào đó trên lãnh thổ “Mỹ thành một biển lửa” thì Bắc Triều Tiên phải có tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân có thể bay đến Mỹ (cứ cho là như như vậy và chưa bàn đến hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ) vì Bắc Triều Tiên chưa thể sử dụng tàu ngầm để mang tên lửa đạn đạo (nếu có) và cũng không có lực lượng không quân chiến lược tầm xa.

Khả năng của tên lửa đạn đạo Triều Tiên

Cuối năm 2012, Triều Tiên phóng thành công tên lửa mang “Unha-3” (Ngân hà) mang vệ tinh nhân tạo “Kvanmenson-3“ (“Sao sáng-3”) vào quỹ đạo quanh trái đất. “Unha-3” chính là biến thể 3 tầng của tên lửa đạn đạo “Tekhodong-2” mà nước này đã từng thử nghiệm.

Trước đó, vào ngày 13/4/2012, Triều Tiên cũng đã phóng thử một tên lửa mang vệ tinh tương tự, nhưng lần thử nghiệm đó đã thất bại. Sau sự kiện trên các nhà khoa học và kỹ sư Bắc Triều Tiên trong lĩnh vực vũ trụ đã nghiên cứu và thay đổi một số kết cấu của cả vệ tinh và tên lửa mang.

Phản ứng của Mỹ và các đồng minh

Trong giai đoạn Bắc Triều Tiên chuẩn bị phóng “Unha-3”, tuy Mỹ và các đồng minh không loại trừ khả năng đánh chặn trong trường hợp nó tạo ra một mối đe dọa nào đó nhưng trên thực tế họ có một mục tiêu khác quan trọng hơn nhiều: thu thập các thông tin kỹ thuật về tên lửa để đánh giá thực trạng chương trình chế tạo tên lửa đạn đạo “Tekhodong-2” của nước này.

Mỹ đã điều tàu mang trạm rada đa chức năng SBX-1 từ bờ biển Alaska về bán đảo Triều Tiên và sử dụng một số phương tiện kỹ thuật khác như trạm rada tiền phương FBX-T trên đảo Hongsiu và các máy bay trinh sát RC-135s Cobra Ball trên đảo Okinaoa của Nhật để phục vụ cho mục đích này.

Ngoài ra, các hệ thống thông tin của các đồng minh của Mỹ cùng nhận được lệnh tăng cấp sẵn sàng chiến đấu. Hàn Quốc đưa vào sử dụng ngay trạm rada mới nhận của Israel Green Pine, - có khả năng phát hiện các mục tiêu đạn đạo từ khoảng cách đến 500 km, các máy bay mang rada phát hiện từ xa mới mua của Mỹ Peace Eye. Một cụm tàu gồm 5 chiếc tàu chiến cũng được thành lập để tìm kiếm và đưa từ đáy biển các mảnh vỡ của tên lửa  mang Bắc Triều Tiên.

Không lâu sau khi Bắc Triều Tiên phóng tên lửa mang “Unha-3”, Hải quân Nam Triều Tiên đã trục vớt từ đáy biển Hoàng Hải thùng chứa chất ô xy hóa và các mảnh của tầng thứ nhất của tên lửa này. Việc trục vớt được tiến hành ở độ sâu 88m do các thợ lặn sử dụng thiết bị cứu hộ ở độ sâu lớn Deep Submergence Rescue Vehicle tiến hành. Việc nghiên cứu các “chiến lợi phẩm" nói trên cho phép làm rõ  trình độ kỹ thuật mà Bắc Triều Tiên đã đạt được trong lĩnh vực chế tạo tên lửa.

Triều Tiên - Những thông tin tuyệt mật
Tên lửa Nodong-1 của Bắc Triều Tiên

Phân tích các số liệu nhận được

Để phân tích các dữ liệu thu thập được, Mỹ và Nam Triều Tiên đã thành lập một nhóm chuyên gia hỗn hợp. Sau một thời gian ngắn nghiên cứu nhóm công tác hỗn hợp đã rút ra một số kết luận sau:

1/Động cơ tầng một của tên lửa sử dụng một hợp chất có Nitơ để làm chất Oxy hóa.

2/Tầng một tên lửa là một khối gồm 4 động cơ tên lửa kiểu “Nodong-B”, hiện đại hơn động cơ của tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng một tầng kiểu “Nodong-1”.

3/Khả năng kỹ thuật của tên lửa này có thể mang đầu tác chiến khối lượng 500 đến 600 kg bay được 10-12 nghìn km, có nghĩa là ở tầm bắn xuyên lục địa tầm xa.

4/Chất lượng các mối hàn không tốt và Bắc Triều Tiên đã sử dụng các vật liệu nhập khẩu để sản xuất thân tên lửa.

Để có thể hiểu được tầm quan trọng của các phát hiện trên, cần nhắc lại rằng vào tháng 2 năm 2010 Iran đã cho ra mắt tên lửa mang “Simorgh” có thể đưa vệ tinh trọng lượng 100 kg vào quỹ đạo thấp gần trái đất. Tầng một của tên lửa là khối 4 động cơ kiểu “Nodong”, còn tầng hai sử dụng tên lửa “Gard-1”. Các tên lửa mang” Simorgh “ và “Nodong” rất giống nhau. Chúng chỉ khác nhau ở số tầng (tên lửa của Iran chỉ có 02 tầng).

Theo số liệu của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế tại Luân Đôn thì tầng ba của tên lửa mang “Unha-3” giống tầng hai của tên lửa Iran tương tự là “Safir-3” (“Sứ giả-2”) – chính là tên lửa đã đưa vệ tinh đầu tiên của Iran “Omid” (“Hy vọng”) vào quỹ đạo gần Trái đất.

Phương Tây cho rằng, cự ly bay của tên lửa mang “Simorgh” nếu được sử dụng để làm tên lửa đạn đạo sẽ vào khoảng 5.000 km với một đầu tác chiến khoảng 750 kg. Nếu giảm trọng lượng đầu tác chiến xuống còn 500 kg thì cự ly bay của tên lửa sẽ tăng thêm đến 5.400 km. Nhưng cho đến thời điểm hiện nay người ta chưa ghi nhận được một lần phóng thành công nào của tên lửa mang ”Simorgh”.

Cùng với việc hiện đại hóa các động cơ tên lửa ở tầng một và bổ sung thêm tầng 3, có lẽ cự ly bay của tên lửa (đạn đạo) Bắc Triều Tiên nếu được thiết kế theo mẫu của tên lửa mang ”Unha-3”, sẽ vào khoảng 6 đến 7.000 km với một đầu tác chiến trọng lượng khoảng 500 kg. Tuy nhiên đây mói là đánh giá sơ bộ và chưa có số liệu thực tế để khẳng định.

Tuy nhiên, để chế tạo được tên lửa đạn đạo tầm xa  thì rào cản kỹ thuật lớn nhất đối với các chuyên gia Bắc Triều Tiên là vấn đề đảm bảo khả năng chịu nhiệt cho đầu đạn trên tên lửa. Khác với các tên lửa tầm trung phải đạt độ cao tối đa không quá 300 km, các đầu tên lửa của tên lửa đạn đạo tầm xa phải đạt độ cao 1.000 km so với bề mặt của Trái đất ở đỉnh của quỹ đạo.

Trong trường hợp đó tốc độ của các đầu tác chiến khi đi vào tầng trên cùng của bầu khí quyển ở tuyến quỹ đạo cuối sẽ vào khoảng vài km/s. Nếu không có lớp vỏ chịu nhiệt tốt bảo vệ thì khi nhiệt độ tăng cao do cọ xát với không khí ở tốc độ cao khi đi vào tầng trên của lớp khí quyển Trái đất thì thân đầu đạn sẽ bị phá hủy. Hiện nay chưa có bất kỳ một thông tin nào khẳng định là các chuyên gia Bắc Triều Tiên đã làm chủ được công nghệ chế tạo lớp vỏ bảo vệ chịu nhiệt cho các đầu tên lửa.

Ngoài ra, một tính năng quan trọng nữa của tổ hợp tên lửa là khả năng sẵn sàng chiến đấu. Trong trường hợp công tác chuẩn bị để đưa tổ hợp vào tác chiến kéo dài quá lâu thì xác suất bị phát hiện và bị đối phương tiêu diệt là rất cao, chính vì thế buộc phải hy sinh cự ly bắn tối đa để giảm thời gian chuẩn bị phóng tên lửa.

Tên lửa tầm trung

Tên lửa một tầng sử dụng nhiên liệu lỏng tầm trung “Nodong-1” được chế tạo với sự hỗ trợ tài chính của Iran và Libi. Tên lửa này có chiều dài 15,6 m, đường kính 1,3 m và trọng lượng phóng là 12,4 tấn, có đầu tác chiến tự tách và hệ thống điều khiển quán tính. Cự ly bắn tối đa của “Nodong” là 1.100  đến 1.300 km với đầu tác chiến nặng từ 700 kg đến 1.000 kg. Sai số xác suất vòng tròn so với điểm ngắm lên tới 2,5 km.

Mỹ cho rằng chương trình tên lửa “Nodong” được bắt đầu vào năm 1988 với sự tham gia của các chuyên gia Xô Viết, chuyên gia Ucraina (sau này) và chuyên gia Trung Quốc, đặc biệt là của các chuyên gia Phòng thiết kế mang tên V.P. Makeev (nay là Trung tâm tên lửa quốc gia mang tên Viện sỹ hàn lâm V.P. Makeev, Nga).

Theo một số chuyên gia Phương Tây, chính sự giúp đỡ đó đã tạo điều kiện cho Bắc Triều Tiên không cần phải tiến hành thử nghiệm vẫn có thể sản xuất một khối lượng hạn chế tên lửa đạn đạo “Nodong-1” vào năm 1991. Trong 2 năm tiếp theo đã  Bắc Triều Tiên đã tiến hành cuộc đàm phán để xuất khẩu loại tên lửa nói trên cho Pakistan và Iran.

Để thực hiện ý định này, trong cuộc thử nghiệm “Nodong-1” tháng 5 năm 1993, Bắc Triều Tiên đã mời các chuyên gia Iran đến tham dự. Các cuộc thử nghiệm đã rất thành công, nhưng do nguyên nhân địa lý nên cự ly bay của  “Nodong-1” chỉ giới hạn ở tầm 500 km (nếu tăng tầm bay thì tên lửa có thể rơi trên lãnh thổ Nga hoặc Nhật Bản).

Hiện nay, trong biên chế Lục quân Bắc Triều Tiên có 3 tiểu đoàn tên lửa độc lập được trang bị “Nodong-1”. Các tên lửa này được vận chuyển trên các tổ hợp phóng cơ động và có các đầu nổ mảnh- bộc phá hoặc là đầu nổ catxet. Về tiềm năng thì các tên lửa này có thể trở thành phương tiện mang các vũ khí hạt nhân.

Tại cuộc duyệt binh tại Bình Nhưỡng ngày 11 tháng 10 năm 2010,  Bắc Triều Tiên đã đưa ra trình diễn 02 kiểu tên lửa một tầng cơ động  mới. Một kiểu rất giống với tên lửa “Gard-1” của Iran, còn kiểu kia có hình dáng tương tự tên lửa Xô Viết bố trí trên tàu chiến R-27 (SS-N-6). Các nước Phương Tây gọi 2 kiểu tên lửa mới này là “Nodong-2010” và “Musudan”.

Đối với tên lửa “Nodong-2010’, - một số chuyên gia cho rằng các kỹ sư Bắc Triều Tiên đã tham gia tích cực vào công tác nghiên cứu thiết kế chế tạo tên lửa “Gard-1” của Iran. Để đổi lại, phía Iran cung cấp cho Bắc Triều Tiên một số tên lửa kiểu trên để “ trả công“ cho sự trợ giúp kỹ thuật của Bắc Triều Tiên, hoặc là chuyển giao công nghệ cho Bắc Triều Tiên để tự chế tạo.

Thực tế đó có phải là hai kiểu tên lửa mới của Bắc Triều Tiên hay không, ta thử phân tích một số vấn đề sau đây.

Đối với “Nodong-2010”: Thứ nhất, thời gian gần đây cả Bắc Triều Tiên và Iran đều nằm dưới  tầm ngắm của các cơ quan tình báo của nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt là mọi động thái của Iran trong lĩnh vực tên lửa đều được các cơ quan tình báo Mỹ và Israel giám sát rất cẩn thận.

Trong điều kiện như vậy, rất khó để Iran có thể xuất khẩu cho Bắc Triều Tiên dù chỉ là một khối lượng rất hạn chế các tên lửa đạn đạo. Thứ hai, các tên lửa xuất khẩu cần phải được bảo dưỡng kỹ thuật, có nghĩa là nếu Iran cung cấp tên lửa đạn đạo cho Bắc Triều Tiên  thì phải liên tục cung cấp các chi tiết và các thiết bị đi kèm.

Thứ ba, trong điều kiện Bắc Triều Tiên có một nguồn lực rất hạn chế thì việc có thể sản xuất kiểu tên lửa mới trong vòng 3 đến 4 năm là hầu như không thể (tên lửa “Gard-1” đầu tiên được giới thiệu vào tháng 9 năm 2007). Thứ tư, mặc dù có sự hợp tác rất chặt chẽ giữa Bắc Triều Tiên và Iran trong lĩnh vực chế tạo tên lửa, nhưng chưa ai phát hiện được có những bằng chứng xác thực về việc chuyển giao công nghệ như vậy cho Bắc Triều Tiên.

Còn đối với tên lửa “Musudan” (R-27) thì: Thứ nhất, tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng Xô Viết R- 27 có nhiều biến thể, biến thể mới nhất được đưa vào trang bị năm 1974. Tất cả tên lửa kiểu này có tầm bắn dưới 3.000 km và đều đã được đưa ra khỏi trang bị trước năm 1990.

Việc khôi phục lại sản xuất tên lửa kiểu R-27 trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên trong vòng 2 thập kỷ trở lại đây về mặt kỹ thuật là không thể thực hiện được vì một lý do là các xí nghiệp của Nga sản xuất loại tên lửa này đã chuyển hướng sản xuất và đại bộ phận công nhân và nhân viên kỹ thuật những năm 60, 70 của thế kỹ trước đã không còn làm việc nữa.

Về mặt lý thuyết thì có thể chuyển giao tài liệu kỹ thuật và một số lượng hạn chế các chi tiết đồng bộ, nhưng nếu như thế vẫn không đủ để khai thác công nghệ tên lửa đã lạc hậu từ lâu. Thứ hai, sản xuất tên lửa đạn đạo phóng từ biển là cực kỳ phức tạp. Ngay cả Nga vốn có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực chế tạo tên lửa cũng phải mất một thời gian rất lâu để nghiên cứu thiết kế tổ hợp tên lửa “Bulava” .

Hơn nữa, Bắc Triều Tiên chế tạo loại tên lửa như vậy để làm gì vì nước này không có các phương tiện mang trên biển? Thứ ba, không ai có thể chắc chắn loại trừ khả năng là các chuyên gia Bắc Triều Tiên sao chép một số thành phần của các tên lửa Xô Viết. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ đã thành công trong việc chế tạo phiên bản tên lửa bố trí trên đất liền từ R-27.

Trong trường hợp ngược lại thì tại sao các tên lửa Bắc Triều Tiên có sai số xác suất vòng tròn lớn như vậy. Thứ tư, tên lửa được trình diễn tại cuộc duyệt binh “Musudan” (R-27) có kích thước không tương ứng với phương tiện mang cơ động (quá lớn). Hơn nữa, nó còn dài hơn nguyên mẫu (R-27) tới 2 m.

Trong trường hợp này thì đây chỉ có thể nói đó là biến thể cải tiến của R-27. Nhưng làm sao có thể đưa một loại tên lửa như vậy vào trang bị được nếu không có ít nhất một lần thử nghiệm. Thứ năm, theo các thông tin rò rỉ từ WikiLeaks thì Bắc Triều Tiên đã cung cấp cho Iran 19 tên lửa đạn đạo BM-25 (“Musudan”). Tuy nhiên, hiện chưa có nước nào, mà trước hết là Mỹ và Israel khẳng định thông tin này. Tên lửa nói trên cũng chưa một lần được đưa  ra sử dụng mặc dù Iran đã rất nhiều lần tập trận.

Từ những nhận xét trên, có thể rút ra kết luận là trên thực tế Bắc Triều Tiên chưa có “Nodong-2010” và “Musudan”, những gì được đưa ra trình diễn tại cuộc duyệt binh chỉ là những mô hình của tên lửa đạn đạo.

Tên lửa nhiều tầng của Bắc Triều Tiên

Theo các chuyên gia Mỹ thì đầu những năm 1990 Bắc Triều Tiên đã triển khai chế tạo tên lửa nhiên liệu lỏng hai tầng kiểu “Tekhodong”. Điều này đã được khẳng định vào tháng 2 năm 1994 qua các dữ liệu của phương tiện quan sát từ vũ trụ. Lúc đó có giả thuyết cho rằng tên lửa này có tầng một sử dụng tên lửa “Nodong-1”, còn tầng hai sử dụng “Khvason-5” hoặc “Khvason-6”.

Đối với loại tên lửa hiện đại hơn là “Tekhodong-2” thì các chuyên gia cho rằng tầng 1 là tên lửa của Trung Quốc DF-3 hoặc là một khối 4 động cơ kiểu “Nodong”, còn tầng 2 là tên lửa “Nodong-1”. Nhiều người cũng cho rằng các chuyên gia Trung Quốc đã tham gia vào việc chế tạo “Tekhodong-2”.

Lần thử nghiệm tên lửa ba tầng “Tekhodong-1” đầu tiên được tiến hành vào tháng 8 năm 1998 nhưng đã thất bại mặc dù tầng 1 và tầng 2 của tên lửa hoạt động bình thường. Khi đó tên lửa này có chiều dài khoảng 24 đến 25 m và trọng lượng phóng khoảng 22 tấn và đã bay được 1.600 km. Phân tích các dữ liệu  nhận được cho thấy tầng 1 của tên lửa là “Nodong-1”. Tầng 2 của tên lửa chính là động cơ của tên lửa phòng không Xô Viết SA-5 trong tổ hợp tên lửa phòng không S-200. Tầng 3 của  “Tekhodong-1” cũng là tổ hợp tên lửa Xô Viết đã lạc hậu “Tochkha” (biến thể của Bắc Triều Tiên là – KN-02).

Rất có thể là ngay sau đó chương trình “Tekhodong-1” đã bị chấm dứt. Nó chủ yếu mang tính khoa trương vì tầng 2 của tên lửa này không thích hợp cho việc mang vũ khí hạt nhân, sai số xác suất vòng tròn lên đến nhiều km, tầm bay tối đa của tên lửa chỉ trên 2.000 km.

Song song với chương trình “Tekhodong-1” là Chương trình “Tekhodong-2”. Lần thử nghiệm tên lửa đầu tiên kiểu tên lửa này được thực hiện vào tháng 7/2006. Cuộc thử nghiệm không thành công (tên lửa chỉ bay được 42 giây và chỉ bay được 10 km). Có rất ít thông tin về các đặc tính kỹ thuật của tên lửa này, ngay cả trọng lượng phóng cũng chỉ được đánh giá trong khoảng 60 đến 85 tấn (theo tính toán của Nga là 65 tấn). Tầng một của tên lửa là một khối gồm 4 động cơ “Nodong”. Không thể tìm kiếm được thông tin về tầng 2 của tên lửa.

Về sau, các chuyên gia đã có được toàn bộ thông tin về tên lửa đạn đạo “Tepkhodong-2” qua phân tích kết quả các lần phóng tên lửa mang theo mẫu của “Tekhodong-2”. Tháng 4 năm 2009 Bắc Triều Tiên phóng tên lửa mang “ Unha-2” ( Dải Ngân hà-2) là biến thể của tên lửa ba tầng “Tekhodong-2”. Tên lủa này bay được hơn 3.200 km. Tầng 1 và tầng 2 của tên lửa hoạt động tốt, còn tầng ba và vệ tinh (nếu có) cũng đã rơi xuống Thái Bình Dương.

(Các tham số kỹ – chiến thuật của tên lửa “Unha -2”: chiều dài 30 m và trọng lượng phóng hơn 80 tấn. Tầng một của tên lửa vẫn là khối gồm 4 động cơ “Nodong”. Tầng hai có vẻ giống như tên lửa Xô Viết R-27 và tầng 3 có lẽ là “ Khvason- 5” (hoặc “Khvason-6”).

Như vậy, việc Bắc Triều Tiên nghiên cứu chế tạo tên lửa đạn đạo hai tầng hoặc ba tầng kiểu “Tekhodong” đã không còn là huyền thoại. Mặc dù cả 2 lần phóng thử “Tekhodong-1” và “Tekhdong-2” đều thất bại nhưng Bắc Triều Tiên có khả năng chế tạo tên lửa đạn đạo tầm xa trong tương lai trung hạn.

Tuy nhiên cũng không nên quá thổi phồng mối đe dọa này. Cho đến thời điểm hiện tại, theo nhiều chuyên gia thì tầm bắn tối đa của các tên lửa đạn đạo hiện có của Bắc Triều Tiên chi trong khoảng 1.300 km. Khả năng kỹ thuật của Bắc Triều Tiên biến New York thành “biển lửa” là không thực tế.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại