Những tàu ngầm "lỡ hẹn" với Hải quân Việt Nam

Dương Phạm |

(Soha.vn) - Nếu không bị hủy bỏ vào phút chót, 3 lớp tàu ngầm sau đây đã có mặt trong biên chế của Hải quân nhân dân Việt Nam.

1. Tàu ngầm tấn công lớp Foxtrot

Tàu ngầm tấn công diesel-điện dự án 641 Foxtrot được đưa vào biên chế hải quân Liên Xô từ năm 1958, tính đến năm 1983, đã có tất cả 58 chiếc Foxtrot đã được chế tạo. Foxtrot là lớp tàu ngầm cuối cùng được giới thiệu trước khi khái niệm thân tàu hình giọt nước có tính thủy động học cao hơn nhiều trong việc lặn được phát triển. Hải quân Nga đã loại biên chiếc tàu ngầm dự án 641 cuối cùng từ năm 2000 nhưng hiện nay vẫn còn một số tàu hoạt động ở các quốc gia khác.

Tàu ngầm Foxtrot có kích thước khá lớn với lượng giãn nước khi nổi là 1.983 tấn và khi lặn là 2.515 tấn; dài 89,9m; rộng 7,4m; lặn sâu tối đa 300m. Tàu được trang bị 3 động cơ diesel Kolomna 2D42M 2.000 mã lực (1.500 kW), 3 động cơ điện gồm 2 motor 1.350 mã lực (1.010 kW) và 1 motor 2.700 mã lực (2.000 kW) cùng 1 động cơ phụ trợ 180 mã lực (130 kW) cho phép tàu di chuyển ở tốc độ 16 knot khi nổi, 15 knot khi lặn hoặc 9 knot khi lặn với ống thông khí. Tầm hoạt động lớn nhất đạt 700 km khi di chuyển ngầm ở tốc độ 2 knot và lên tới 37.000 km khi di chuyển nổi ở tốc độ 8 knot.

Tàu được vũ trang 10 ống phóng ngư lôi (6 trước, 4 sau) cùng cơ số 20 ngư lôi. Thủy thủ đoàn gồm 12 hoa tiêu, 10 nhân viên bảo trì và 56 thủy thủ.

Trong những năm cuối thập niên 1980, Việt Nam đã định mua chiếc tàu ngầm đầu tiên từ Liên Xô. Thủy thủ đoàn đã được lựa chọn và huấn luyện trên một chiếc tàu ngầm diesel-điện dự án 641 (Foxtrot) thuộc Hạm đội Thái Bình Dương. Tuy nhiên chương trình này sau đó vì một số lý do đã bị đình chỉ (chủ yếu là vấn đề về tài chính).

2. Tàu ngầm tấn công lớp Heroj

Tàu ngầm tấn công diesel-điện cỡ nhỏ lớp Heroj (Hero trong tiếng Anh) gồm tất cả 3 tàu, được đóng cho Hải quân Nam Tư trong giai đoạn từ năm 1964 đến 1966.

Tàu có lượng giãn nước 604 tấn khi nổi và 694 tấn khi lặn; dài 50,4m; lặn sâu 210m. Hệ thống động lực của tàu gồm 2 động cơ diesel Sulzer có công suất 1.600 mã lực (1.200 kW) và 2 động cơ điện công suất 1.560 mã lực (1.160 kW) giúp tàu đạt vận tốc 15,3 knot khi nổi và 9,38 knot khi lặn; tầm hoạt động tối đa 7.593 km ở tốc độ 10 knot.

Vũ khí của tàu gồm 6 ống phóng lôi 533mm với 10 ngư lôi và 20 thủy lôi. Thủy thủ đoàn của tàu là 55 người.

Heroj thuộc thế hệ tàu ngầm thứ 2 của Liên bang Nam Tư có nhiều cải tiến so với người tiền nhiệm Sutjeska với phần thân tàu được thiết kế mới nhằm tối ưu hóa cho việc hoạt động dưới nước và được cập nhật hệ thống sonar mới nhất của Liên Xô.

3. Tàu ngầm mini lớp Una

Tàu ngầm mini lớp Una là thế hệ tàu ngầm mới nhất của Hải quân liên bang Nam tư cũ gồm 6 tàu được đóng trong giai đoạn từ 1985-1989 được thiết kế cho hoạt động rải thủy lôi và vận chuyển lực lượng tác chiến đặc biệt của Hải quân.

Tàu có kích thước khá khiêm tốn với chiều dài chỉ là 18,82m; rộng 2,4m; lượng giãn nước 74,9 tấn khi nổi và 86,2 tấn khi lặn. Tàu được trang bị 2 động cơ điện có công suất 18kW (24 mã lực) cho tốc độ 7 knot khi nổi và 8 knot khi lặn; độ sâu tối đa 120m. Tầm hoạt động lớn nhất của tàu đạt 500 km khi chạy với tốc độ 3 knot, thời gian hoạt động liên tục từ 96-160 giờ tùy theo số lượng thủy thủ đoàn.

Do đặc thù nhiệm vụ của mình nên vũ khí trang bị của tàu rất khiêm tốn, chỉ với 4 tàu lặn R-1 và 4 thủy lôi AIM-70. Thủy thủ đoàn gồm 4 người cộng thêm 6 lính đặc nhiệm hải quân. Sau khi Liên bang Serbia và Mongtenegro tan rã vào năm 2006, Serbia đã không còn đường bờ biển, vì vậy những chiếc tàu ngầm trở nên dư thừa và không còn cần thiết.

Giáo sư Carl Thayer (Học viện quốc phòng Australia) cho biết Việt Nam từng có ý định mua 3 tàu ngầm tấn công lớp Heroj và 3 tàu ngầm mini lớp Una của Serbia. Tuy nhiên, thương vụ này đã không thành công, theo một số nguồn tin thì Serbia sau đó đã bán 3 tàu ngầm Heroj cho Ai Cập nhưng thực tế thì điều này cũng không xảy ra khi 1 chiếc được đưa vào bảo tàng và 2 chiếc còn lại lần lượt bị tháo dỡ lấy sắt vụn. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với những tàu ngầm lớp Una: sau khi không tìm được người mua lại, toàn bộ đã được đưa vào bảo tàng.

Trong năm 2009, Việt Nam đã chính thức ký hợp đồng mua 6 chiếc tàu ngầm Kilo 636 của Nga và nhận chiếc đầu tiên vào tháng 1/2014. Việc lỡ hẹn với những lớp tàu ngầm trên cũng có mặt tích cực đó là giúp Việt Nam có được một hạm đội tàu ngầm mới và hiện đại.

Tàu ngầm tấn công lớp Foxtrot của Ấn Độ

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại