Những người “đi trước về sau”

Quỳnh Vân |

Đồng hành cùng với đội ngũ phi công, ngày đêm nâng những cánh én bay lên thực hiện nhiệm vụ canh trời, giữ biển chính là những người thợ kỹ thuật.

Họ thường thức dậy từ 4 giờ sáng và trở về nhà lúc 11, 12 giờ trưa nếu là bay ngày.

Còn nếu bay đêm, mới 2 giờ chiều - khi sức nóng đang ở mức cao điểm nhất - họ đã phải có mặt tại sân bay và thường về rất muộn.

Họ luôn là những người cuối cùng rời khỏi đường băng khi ban bay kết thúc. Xin được gọi họ bằng cái tên trìu mến: “Những người đi trước, về sau”.

Buổi sáng ở sân bay Thành Sơn (Trung đoàn 937, Sư đoàn 370). Mới tinh mơ mặt trời đã rực rỡ báo hiệu một ngày nắng nóng gay gắt.

Trên sân bay, không khí nhộn nhịp khác thường: Tiếng động cơ máy bay gầm rú, tiếng xe máy dịch chuyển, tiếng bước chân, tiếng người í ới gọi nhau.

Ấn tượng nhất là hình ảnh những chàng lính thợ. Mặc dù lưng áo đã loang ướt mồ hôi, đôi bàn tay lấm lem dầu mỡ nhưng họ vẫn cần mẫn hoàn tất công tác chuẩn bị trước ban bay.

Khi chiếc máy bay Su-22M4 đầu tiên vút lên bầu trời thực hiện chuyến bay trinh sát khí tượng, tôi mới có dịp trò chuyện với họ.

Trung tá Đinh Xuân Phương, Chủ nhiệm Kỹ thuật Trung đoàn 937 bộc bạch:

Chúng tôi được giao nhiệm vụ quản lý, khai thác máy bay, xe máy điện khí, các phương tiện sát thương và các trang thiết bị kỹ thuật trong tình trạng chung là trang bị khí tài đã qua nhiều năm sử dụng, nhiều lần bảo dưỡng, tăng hạn…

Thêm vào đó, Phan Rang vốn là vùng đất có khí hậu rất khắc nghiệt, nắng nóng gần như quanh năm.

Dẫu trình độ cán bộ nhân viên kỹ thuật chưa thật đồng đều, điều kiện ăn ở, sinh hoạt của bộ đội còn gặp nhiều khó khăn… nhưng đội ngũ cán bộ và nhân viên kỹ thuật của chúng tôi đã không ngừng phát huy nội lực, vượt khó vươn lên làm chủ khí tài, góp phần cùng Trung đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, vùng biển, hải đảo và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Nhân viên kỹ thuật Trung đoàn 937 làm công tác chuẩn bị trước ban bay.

Nhiều năm qua, Tiểu đoàn bảo đảm Kỹ thuật hàng không đã thường xuyên bảo đảm tốt VKTBKT cho Trung đoàn thực hiện nhiệm vụ trực chiến cấp 2, 3, bay nhiệm vụ biển, bay bắn, ném bom…

Không chỉ phục vụ tốt nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện cho các thành phần phi công và kỹ thuật của trung đoàn cũng như đơn vị bạn; công tác kỹ thuật hàng không cũng ngày càng nhanh chóng đi vào ổn định và nền nếp.

Công tác bảo quản, bảo dưỡng, thay thế đúng kế hoạch và tiến độ. Máy bay sau khi ra xưởng có độ tin cậy và tính an toàn vững chắc cao.

Cho đến thời điểm này, Đơn vị đã phục vụ Trung đoàn thực hiện hàng chục ban bay an toàn, thắng lợi.

Trò chuyện với chúng tôi, Kỹ sư trưởng các chuyên ngành hàng không như Bùi Văn Tư, Nguyễn Đức Thọ, Lê Sĩ Toàn, Nguyễn Bá Tuyển… đều có chung một tâm sự:

Đây là một nghề khá vất vả, phải thức khuya dậy sớm là chuyện thường ngày.

Để có những chuyến bay an toàn, thắng lợi, các anh thường phải thực hiện đầy đủ công tác bảo đảm kỹ thuật trước ngày bay, trước khi bay, giữa ban bay và sau ban bay.

Chiều qua họ đã hoàn tất công tác kiểm tra, hiệu chỉnh các trang thiết bị, vũ khí, khí tài... trên mỗi máy bay, sáng nay vẫn phải làm công tác chuẩn bị kỹ càng rồi mới bàn giao cho phi công.

Khi ban bay kết thúc, họ lại là lực lượng cuối cùng ở lại tiếp nhận máy bay và làm công tác bảo quản.

Do yêu cầu nhiệm vụ, nhiều lúc họ phải thức cả đêm và làm việc cả ngày nghỉ để chuẩn bị máy bay một cách tốt nhất.

Theo Trung tá Vũ Đình Chung, Chính trị viên Phó Tiểu đoàn, thì ngoài trình độ chuyên môn vững, đòi hỏi người lính kỹ thuật còn phải có những phẩm chất cơ bản như cẩn thận, tỉ mỉ, tận tâm và chu đáo.

Chỉ cần một sơ xuất nhỏ, một thao tác cẩu thả, một  giây phút chủ quan là hậu quả rất khó lường.

Có mặt tại Xưởng bảo dưỡng kỹ thuật, nơi những “cánh én bạc” được đưa về đây do hỏng hóc phát sinh vượt khả năng sửa chữa, khắc phục của đội ngũ lính thợ ở ngoài sân bay, chúng tôi được biết thêm:

Tiếp nhận máy bay vào xưởng, những người lính thợ đã mày mò nghiên cứu, tìm hiểu kỹ nguyên nhân hỏng hóc rồi đưa ra các giải pháp hữu hiệu để khắc phục, sửa chữa máy bay.

Tại đây, nhiều thiết bị, động cơ đã được sửa chữa thành công và đưa vào sử dụng.

Trước đây, những hỏng hóc này thường phải đưa vào Nhà máy A32 hoặc đưa ra nước ngoài mới phục hồi được.

Theo Trung tá, Tiểu đoàn trưởng Đinh Xuân Phương, những năm gần đây, đơn vị đã tổ chức sửa chữa hàng trăm lượt máy bay và động cơ các loại; sửa chữa, bảo dưỡng hàng chục thiết bị hàng không đảm bảo đúng quy trình chất lượng.

Chỉ tiêu về hệ số kỹ thuật cho các loại khí tài được đảm bảo.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng làm rất tốt việc chủ động tự nghiên cứu, kiểm tra tăng hạn, tăng giờ sử dụng, niêm cất ngắn hạn, dài hạn cho các loại vũ khí, khí tài hiện có; đồng thời duy trì nghiêm chế độ định kỳ bảo dưỡng máy bay, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an toàn bay của đơn vị.

Chúng tôi chia tay những người lính thợ Trung đoàn 937 khi những cánh én bạc vẫn đang lần lượt vút lên bầu trời xa.

Dưới cái nắng chang chang, vẫn hiện hữu những gương mặt sạm đen rắn rỏi của những người lính thợ.

Chính họ và những công việc thầm lặng của mình đã giúp đội ngũ phi công tin tưởng hơn vào vũ khí, khí tài. Và tôi thêm hiểu vì sao “mọi thắng lợi trên không” lại được khởi nguồn từ “mặt đất”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại