Những máy bay quân sự nhanh nhất hành tinh (II)

Trong thập niên 50, mọi hệ thống phòng không trên thế giới không thể hạ XB-70 Valkyrie vì nó bay quá nhanh, còn MiG-25 từng là một trong những biểu tượng thời Chiến tranh Lạnh.

Bell X-2 Starbuster

Tập đoàn máy bay Bell phát triển Bell X-2 theo đơn đặt hàng của quân đội Mỹ và Ủy ban Cố vấn Quốc gia Hàng không Mỹ (NACA) từ năm 1945 của thế kỷ trước. Đây ra dự án nhằm tạo ra loại máy bay quân sự có khả năng bay với vận tốc Mach 2 – 3, tương đương 2.400 – 3.700 km/h. Nó cũng giúp các chuyên gia vũ khí hàng đầu nước Mỹ khám phá các vấn đề về khí động học của máy bay siêu âm, tạo nền tảng vững chắc cho các loại vũ khí tối tân sau này.

Máy bay ném bom B-50 thả Bell X-2 Starbuster trong một lần bay thử nghiệm. Ảnh: Wikipedia.

Trên thực tế, Bell X-2 đạt được những tiến bộ lớn trong thiết kế khí động học, hệ thống điều khiển cũng như lớp vật liệu chịu nhiệt. Nó là máy bay có người lái bay nhanh nhất thế giới nhiều thập niên, vượt xa vận tốc của các loại phi cơ cùng thời. Tuy nhiên, tốc độ của Bell X-2 chỉ giới hạn ở mức gần Mach 3 do ma sát với không khí.

Bell X-2 sở hữu động cơ tên lửa Curtiss-Wright XLR25, cho phép nó bay nhanh gấp nhiều lần so với các loại máy bay phản lực ngày nay. Yếu điểm của nó là khả năng cơ động trên không. Động cơ tên lửa cho phép phi cơ đạt tới độ cao 38.466 m, cao gấp hơn 4 lần trần bay của máy bay chở khách dân sự.

XB-70 Valkyrie

Đây là nguyên mẫu của máy bay ném bom hạt nhân chiến lược B-70 của Không quân Mỹ. Tập đoàn Hàng không North American nghiên cứu, phát triển nó cuối những năm 1950 của thế kỷ trước. Với 6 động cơ phản lực đẩy General Electric YJ93-GE-3, XB-70 Valkyrie có thể bay với vận tốc Mach 3+, tương đương trên 3.700 km ở độ cao 21.000. Trong thập niên 50, mọi hệ thống phòng không đều không thể hạ chúng.

Máy bay ném bom chiến lược XB-70 Valkyrie của không quân Mỹ. Ảnh: Wikipedia.

Việc đối thủ của Mỹ nhanh chóng cải thiện tầm cao của tên lửa phòng thủ đất đối không (SAM), chi phí hoạt động lớn cùng sự ra đời của tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) khiến dự án ngừng vào năm 1961. Người ta chỉ chế tạo 2 nguyên mẫu XB-70. Một chiếc rơi trong thử nghiệm bay vào năm 1966, chiếc còn lại đang nằm trong Bảo tàng Không quân Quốc gia Mỹ ở bang Ohio.

MiG-25 Foxbat

Mikoyan-Gurevich MiG-25 là máy bay tiêm kích đánh chặn và trinh sát siêu âm, có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, bất kể ngày đêm. Đây là một trong những máy bay chiến đấu nhanh nhất mà con người từng chế tạo.

Máy bay chiến đấu MiG-25 của không quân Nga. Ảnh: Wikipedia.

2 động cơ phản lực Tumansky R-15B-300 cho phép MiG-25 bay với vận tốc Mach 2.83, tương đương 3.200 km/h. Vận tốc tối đa lên tới Mach 3.2, tương đương 3.470 km/h. Tuy nhiên, động cơ cùng các chi tiết khác của máy bay dễ hư hại khi nó bay hết tốc lực.

Chính thức phục vụ không quân Liên Xô vào năm 1970, MiG-25 từng là một trong những biểu tượng của Chiến tranh Lạnh. Tốc độ cùng khả năng chiến đấu của nó khiến Mỹ và phương Tây kinh ngạc. Năm 1984, Liên Xô ngừng sản xuất máy bay loại này sau khi xuất xưởng 1.190 chiếc. Tính tới thời điểm hiện tại, nhiều quốc gia vẫn trọng dụng chúng.

SR-71 Blackbird

Tập đoàn Lockheed nghiên cứu, phát triển máy bay trinh sát tầm xa, siêu âm SR-71 Blackbird theo yêu cầu của không quân Mỹ trong những năm 60 của thế kỷ trước. Nó là loại máy bay hoạt động ở cao độ cao, vận tốc lớn. Khi phát hiện hệ thống phòng không của đối phương khai hỏa, nó chỉ cần tăng tốc để thoát khỏi phạm vi bắn của tên lửa.

Máy bay do thám SR-71 Blackbird của không quân Mỹ. Ảnh: Wikipedia.

Sở hữu 2 động cơ Pratt & Whitney J58-1 turbo phản lực đốt sau liên tục, SR-71 Blackbird có thể di chuyển với vận tốc Mach 3.3+, tương đương 3.540 km/h. Trần bay tối đa của SR-71 lên tới 25.900 m, phạm vi hoạt động đạt 5.925 km. Không quân Mỹ sử dụng loại máy bay do thám này từ năm 1964 – 1988.

SR-71 Blackbird là phi cơ nhanh nhất hành tinh trong suốt 24 năm hoạt động. Không quân Mỹ đặt mua tổng số 32 chiếc SR-71 Blackbird nhưng mất 12 chiếc do tai nạn. Trên thực tế, kẻ thù chưa một lần bắn hạ thành công loại máy bay này.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại