Những mẫu trực thăng quân sự kém thành công nhất (I)

Nhật Huy |

(Soha.vn) - Trực thăng Ka-50 của Nga cho tới nay vẫn không tìm được khách hàng nước ngoài nào, trong khi đó, trực thăng RAH-66 Comanche của Mỹ chỉ còn nằm trên giấy.

1. Ka-50 Hokum (Nga)

Trực thăng vũ trang Ka-50 được phát triển từ năm 1977 và đến năm 1986 thì nó chiến thắng đối thủ Mi-28 để được chọn là trực thăng vũ trang mới của Liên Xô, thay thế Mi-24. Tuy nhiên, sau khi đánh giá lại, quân đội Nga quyết định cho sản xuất cả 2 mẫu và chọn Mi-28 là trực thăng vũ trang chính của mình. Ka-50 chỉ được sản xuất với số lượng hạn chế, vai trò của nó được chuyển thành trực thăng trinh sát vũ trang. Cho đến nay, nó vẫn chưa tìm được khách hàng nước ngoài nào. Ngoài lí do khách quan là sự sụp đổ của Liên Xô thì bản thân Ka-50 cũng có những khiếm khuyết lớn.

Ka-50 sử dụng 2 cánh quạt đồng trục, đặc trưng của hãng Kamov
Ka-50 sử dụng 2 cánh quạt đồng trục, đặc trưng của hãng Kamov

Bất kì ai cũng có thể nhận thấy những điểm khác biệt trong thiết kế của Ka-50 so với mọi loại trực thăng vũ trang khác. Buồng lái chỉ dành cho 1 phi công thay vì 2 như các loại khác. Nó sử dụng 2 cánh quạt chính đồng trục và không có cánh quạt đuôi, một đặc điểm thiết kế tiêu biểu của Kamov, hãng chế tạo Ka-50. Hai cánh quạt đồng trục quay ngược chiều để triệt tiêu momen quay của nhau, vì vậy, không cần có cánh quạt đuôi. Đối với các loại trực thăng khác, việc mất cánh quạt đuôi, do trục trặc kỹ thuật hay hỏa lực đối phương, chiếm một tỷ lệ lớn trong số những nguyên nhân dẫn đến tai nạn hay bị rơi.

Ngoài việc tăng độ an toàn, thiết kế cánh quạt đồng trục còn giúp tăng khả năng cơ động cho Ka-50. Với vận tốc tối đa lên đến 320km/h, nó trở thành một trong những trực thăng nhanh nhất thế giới. Hai động cơ turbin phản lực cung cấp sức mạnh với tổng công suất 4400 mã lực. Lớp giáp của Ka-50 giúp bảo vệ các cơ cấu chính trước hỏa lực đạn từ 20 đến 23mm. Ngoài ra, phi công của Ka-50 còn được trang bị một ghế thoát hiểm có thể phóng ra ngoài, tương tự như phi công trên các chiến đấu cơ phản lực. Đây là đặc điểm hiếm thấy ở các loại trực thăng tương tự.

Bên cạnh những ưu điểm nổi trội trên, Ka-50 cũng có những khuyết điểm lớn trong thiết kế. Với đa số các loại trực thăng vũ trang khác, súng đại liên được đặt dưới mũi máy bay và có thể quay linh hoạt nhiều hướng. Còn đại liên 30mm của Ka-50 lại được gắn cố định dọc theo thân máy bay, làm hạn chế hiệu năng của nó.

Đại liên trên Ka-50 được gắn cố định bên phải của máy bay
Đại liên trên Ka-50 được gắn cố định bên phải của máy bay

Bên cạnh đó, Ka-50 cũng không được trang bị để tác chiến đêm, một điểm yếu lớn trong chiến tranh hiện đại. Điểm yếu này của Ka-50 khiến Mi-28 giành lại được ưu tiên từ quân đội Nga. Phải đến năm 1997, Kamov mới phát triển phiên bản tác chiến đêm của Ka-50, nhưng khi đó đã là quá muộn và nó cũng không được đưa vào sản xuất.

Việc trang bị thêm các thiết bị quang học để Ka-50 có thể tác chiến đêm không đủ để nó giành ưu thế trước Mi-28
Việc trang bị thêm các thiết bị quang học để Ka-50 có thể tác chiến đêm không đủ để nó giành ưu thế trước Mi-28
Mi-28, hiện là trực thăng vũ trang chính của Nga
Mi-28, hiện là trực thăng vũ trang chính của Nga

Việc chỉ có 1 phi công, tuy giúp giảm trọng lượng của Ka-50 nhưng trên thực tế lại là một điểm yếu của nó, khi mà chỉ một người khó có thể đảm đương được khối lượng công việc khổng lồ khi vận hành một trực thăng vũ trang. Khác với chiến đấu cơ phản lực, trực thăng vũ trang thường phải hoạt động sát mặt đất, bám sát địa hình. Do đó cần tách riêng vai trò của phi công và pháo thủ, như mọi loại trực thăng vũ trang khác, bao gồm Mi-28. Trên thực tế, điểm yếu này và điểm yếu về tác chiến đêm liên hệ chặt chẽ với nhau. Các thiết bị quang học, hồng ngoại hiện đại chỉ có phát huy hiệu quả tối đa khi có 2 phi công trong buồng lái.

Mặc dù các nhà thiết kế quả quyết rằng hệ thống tự động của Ka-50 đủ sức thay thế vai trò của phi công thứ 2, nhưng ngay cả Ka-52, thế hệ kế tiếp của Ka-50, cũng quay lại với thiết kế 2 phi công truyền thống. Hay Ka-50-2, một phiên bản đặc biệt của Ka-50 ra đời do sự hợp tác giữa Kamov và hãng IAI của Israel, cũng sử dụng 2 phi công mặc dù có sử dụng hệ thống tác chiến kỹ thuật số hiện đại của IAI. Điều này cho thấy thiết kế 1 phi công thể hiện mong muốn của các kỹ sư hơn là suy nghĩ của những người trực tiếp chiến đấu.

Ka-52 do 2 phi công điều khiển
Ka-52 do 2 phi công điều khiển

2. RAH-66 Comanche (Mỹ)

Trực thăng trinh sát vũ trang Comanche từng được xem là mẫu trực thăng của tương lai, không chỉ với quân đội Mỹ mà còn trên toàn thế giới. Nó là mẫu trực thăng đầu tiên ứng dụng các công nghệ tàng hình trước radar để có thể xâm nhập sâu vào lãnh thổ đối phương. Hình dáng bên ngoài của RAH-66 làm liên tưởng đến các mẫu chiến đấu cơ tàng hình như F-22, gồm các mặt phẳng nối với nhau theo hình kim cương, loại bỏ các góc vuông và làm bằng vật liệu tổng hợp.

RAH-66 có hình dạng đặc trưng của các máy bay tàng hình
RAH-66 có hình dạng đặc trưng của các máy bay tàng hình

Cũng tương tự các máy bay tàng hình, RAH-66 chứa vũ khí trong các khoang kín. Điều này làm giảm sức tải vũ khí của RAH-66 so với các trực thăng vũ trang thông thường. Nó chỉ có thể mang theo tối đa 6 tên lửa chống tăng Hellfire trong khoang vũ khí kín. Trong khi đó, AH-1 Super Cobra, loại trực thăng dự kiến được thay thế bởi RAH-66, có thể mang theo tối đa 8 tên lửa. RAH-66 có thể mang nhiều hơn nếu gắn vũ khí bên ngoài, nhưng như vậy sẽ làm triệt tiêu khả năng tàng hình của nó.

Theo dự kiến thì RAH-66 một khi được chính thức đưa vào sử dụng sẽ thay thế các loại trực thăng trinh sát, vũ trang hạng nhẹ khác của quân đội Mỹ như AH-1 Cobra, OH-58 Kiowa. Tuy nhiên những vấn đề kỹ thuật gặp phải trong quá trình phát triển, cộng với việc cắt giảm ngân sách đã khiến chương trình RAH-66 Comanche bị hủy vào năm 2004.

RAH-66 có vai trò gần giống của Ka-50, trực thăng trinh sát vũ trang
RAH-66 có vai trò gần giống của Ka-50, trực thăng trinh sát vũ trang

Bên cạnh đó, trong thời gian này, UAV cũng đã bắt đầu được sử dụng rộng rãi trong quân đội Mỹ cho vai trò trinh sát. Do đó, việc phải bỏ ra một khoản ngân sách lớn để phát triển một loại máy bay có người lái hoàn toàn mới cho cùng vai trò là không thật sự cần thiết.

Ngoài ra, nguyên nhân thất bại của RAH-66 còn nằm trong ý tưởng thiết kế chính. Điểm mạnh nhất của RAH-66 so với các trực thăng khác là khả năng tàng hình trước radar đối phương. Tuy nhiên, điều này không quá quan trọng đối với trực thăng như đối với chiến đấu cơ. Với khả năng bay chậm ở độ cao thấp, bám sát địa hình thì một trực thăng thông thường vẫn có thể ‘tàng hình’ trước radar đối phương.

Chẳng hạn như trong đêm mở màn của Chiến tranh Vùng Vịnh lần 1 năm 1991, trong khi các máy bay tàng hình F-117A tấn công các mục tiêu ở Baghdad thì một tốp trực thăng Apache di chuyển ở độ cao thấp đã tấn công các trạm radar cảnh báo sớm của Iraq, tạo thành một lỗ hổng trong hệ thống phòng không để các chiến đấu cơ khác của Mỹ và đồng minh ào ạt tiến vào.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại