Những "độc chiêu" tiêu diệt UAV

T.P |

Mặc dù UAV là một phương tiện chiến đấu rất lợi hại, tuy nhiên không có bất cứ một loại vũ khí nào là “bất khả chiến bại”. Dưới đây là một số biện pháp đối phó với UAV.

Trong những năm gần đây, phương tiện bay không người lái (UAV) ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới và xuất hiện thường xuyên hơn trong các cuộc xung đột vũ trang. Đây là một loại phương tiện quân sự rất hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ trinh sát và tiến công.

Theo thống kê, trong vòng 15 năm qua, Mỹ đã sản xuất khoảng hơn 30 nghìn UAV các loại, trong đó chủ yếu trang bị cho quân đội và các lực lượng đặc nhiệm.

Các chuyên gia cho rằng, trong tương lai UAV có khả năng sẽ thay thế hoàn toàn các loại máy bay có người lái và một số phương tiện quân sự khác.

Mặc dù, UAV là một phương tiện chiến đấu rất lợi hại, tuy nhiên không có bất cứ một loại vũ khí nào là “bất khả chiến bại”.

Bắn hạ bằng súng phòng không

Phương pháp đơn giản và hợp lý nhất để vô hiệu hóa UAV là tiến công, tiêu diệt chúng. Mọi phương tiện bay đều có thể bị tiến công, tiêu diệt, vấn đề lớn nhất để thực hiện điều đó là khả năng phát hiện và tiến công, tiêu diệt chúng.

Để tiến công, tiêu diệt UAV có thể sử dụng nhiều loại vũ khí khác nhau, đối với các UAV hạng nhẹ, có thể dùng các loại súng cầm tay, còn đối với UAV hạng nặng cần phải sử dụng các hệ thống tên lửa phòng không.

Trước khi muốn tiến công, tiêu diệt UAV cần phải phát hiện ra chúng. Thiết bị phát hiện ra chúng chính là các đài ra-đa thuộc các hệ thống phòng không hiện đại.

Radar hiện nay có thể phát hiện ra các mục tiêu trên không ở cự ly tới vài chục km tùy thuộc tính chất mục tiêu và điều kiện thời tiết, khí hậu.

Đối với các UAV hạng nặng, như MQ-9 Reaper hay MQ-1 Predator của Mỹ, kích thước của chúng tương đối lớn, nên các hệ thống phòng không hiện nay có thể phát hiện được.

Tuy nhiên, các UAV hạng nhẹ với diện tích phản xạ hiệu dụng rất nhỏ thực sự là mục tiêu rất khó phát hiện đối với các radar tiên tiến.

Hiện nay, các chuyên gia phòng không vẫn đang nỗ lực phát triển các thiết bị có khả năng phát hiện mục tiêu có kích thước nhỏ. Khi đã phát hiện và nhận diện được mục tiêu, nhiệm vụ bắt bám và tiêu diệt chúng sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều.

Để tiêu diệt UAV, có thể sử dụng bất kỳ loại vũ khí nào được cho là thích hợp nhất - nghĩa là để tiến công một UAV hạng nhẹ thì không nhất thiết phải sử dụng tổ hợp S-400, còn đối với MQ-9 Reaper - không thể dùng vũ khí cầm tay để tiêu diệt nó.

Hiện nay trên thế giới, các nước đang nghiên cứu chế tạo các hệ thống có khả năng tiêu diệt các UAV hiện đại.

Một trong số chúng là thiết bị phát sóng cực ngắn, có thể “đốt cháy” các phương tiện bay bằng cách phát ra các xung điện từ về phía UAV nhằm vô hiệu hóa hoạt động của các thiết bị điện tử.

UAV MQ-4C Triton

Ngoài ra, để tiêu diệt UAV cũng có thể sử dụng hệ thống vũ khí laser tự hành “Sangvin”.

Đây là một sản phẩm cũ của Liên Xô trước đây được chế tạo vào những năm 80 của thế kỷ 20 để thực hiện nhiệm vụ vô hiệu hóa các hệ thống quang điện tử của đối phương ở cự ly tới 10 km.

Sử dụng hệ thống này hoàn toàn có thể vô hiệu hóa được các UAV hạng nhẹ và hạng trung, hoặc ít nhất là phá hủy được các hệ thống quan trắc quang điện tử của chúng.

Chế áp điện tử

Một phương pháp khả quan hơn được đề xuất nhằm vô hiệu hóa UAV là chế áp điện tử. Một số UAV hiện đại có khả năng thực hiện nhiệm vụ ở chế độ tự động hoàn toàn, tuy nhiên đa số các UAV đều được điều khiển từ xa.

Do vậy, việc chế áp kênh điều khiển chúng bằng các thiết bị tác chiến điện tử sẽ có tác dụng gây nhiễu loạn, thậm chí làm mất tác dụng khả năng thực hiện nhiệm vụ của chúng.

Để chế áp thành công UAV của đối phương cần phải thiết lập đúng dải tần điều khiển của nó, sau đó trấn áp kênh này bằng các loại nhiễu.

Rất ít UAV hiện đại có khả năng tự động xử lý tình huống khi mất liên lạc với trạm chỉ huy điều khiển. Hơn nữa, khi mất tín hiệu liên lạc, UAV sẽ không thể truyền thông tin tình báo về trạm điều khiển. Khi UAV bị mất liên lạc, thì việc tiêu diệt chúng trở nên hết sức đơn giản.

Một số UAV có khả năng tự động điều chỉnh chế độ hoạt động khi bị mất liên lạc với trung tâm chỉ huy, kiểm soát thường phải chủ động hạ cánh xuống một khu vực đã được xác định.

Trong trường hợp này, hệ thống điều khiển sẽ từ chối mọi tín hiệu nhận được và việc di chuyển đến vùng hạ cánh được thực hiện với sự hỗ trợ của hệ thống định vị vệ tinh (GPS).

Sử dụng hệ thống GPS hoặc GLONASS, UAV có thể tự xác định tọa độ của mình, hướng và khoảng cách tới trung tâm chỉ huy, kiểm soát hoặc sân bay.

Để UAV không “trốn thoát”, các thiết bị tác chiến điện tử phải chế áp không chỉ kênh điều khiển mà cả hệ thống định vị vệ tinh của chúng.

Khi chế áp được tất cả các tín hiệu này, UAV của đối phương khi bay vào vùng hoạt động của hệ thống tác chiến điện tử sẽ bị khống chế.

Giăng lưới

Thời gian gần đây, các lực lượng đặc nhiệm của Pháp phải đối mặt với vấn đề xâm phạm khu vực cấm bay từ phía các UAV nước ngoài.

Đặc biệt, các UAV hạng nhẹ đã nhiều lần được phát hiện trên các căn cứ quân sự, nhà máy điện hạt nhân và các công trình quan trọng khác.

Để đối phó với các mối đe dọa tiềm ẩn này, người ta đã chế tạo ra các hệ thống đặc biệt - một trong số đó là UAV hạng nhẹ do công ty Malou Tech sản xuất. UAV này có 6 cánh quạt nâng và được trang bị lưới chuyên dụng dùng để bắt giữ UAV do thám của đối phương.

Trong các cuộc thử nghiệm, UAV này đã bắt giữ thành công UAV DJI Phantom 2. Đây là một ý tưởng hoàn toàn có triển vọng để chiến đấu với các UAV do thám hạng nhẹ.

Thử nghiệm bắt giữ UAV do thám

Trường hợp bắt giữ UAV điển hình nhất diễn ra vào ngày 4/12/2011. Khi đó UAV do thám Lockheed Martin RQ-170 Sentinel của Mỹ khi đang tiến hành trinh sát ở miền Tây Afghanistan thì bị mất liên lạc với trạm chỉ huy, điều khiển.

Những ngày sau đó, Quân đội Mỹ vẫn không tìm được tung tích về số phận của phương tiện bay này. Tuy nhiên, ngày 9/12/2011, truyền hình Iran công bố hình ảnh về chiếc UAV “mất tích” của Mỹ và thông báo rằng, UAV này đã bị các lực lượng vũ trang của Iran bắt giữ.

Một thông tin chi tiết hơn được công bố vài ngày sau đó khẳng định rằng, Iran đã khống chế được UAV này và hạ cánh nó xuống một trong những sân bay của họ.

Truyền thông thế giới khi đó công bố đoạn phỏng vấn một kỹ sư giấu tên của Iran được cho là trực tiếp tham gia vào chiến dịch bắt giữ UAV RQ-170.

Ông này cho biết, Quân đội Iran đã chế áp thành công kênh điều khiển UAV bằng các thiết bị tác chiến điện tử của họ, sau đó điều khiển nó bằng tín hiệu giả lập GPS. Kết quả là RQ-170 xác định nhầm tọa độ và đã hạ cánh xuống một trong những căn cứ quân sự của Iran.

Trước đó, Đại học Texas Mỹ cũng đã chế tạo ra thiết bị GPS Spoofer có khả năng tạo và phát ra tín hiệu giả lập tín hiệu của hệ thống vệ tinh GPS.

Thiết bị này có thể làm cho nhiều hệ thống định vị xác định sai tọa độ, do đó có thể được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, như để bắt giữ UAV trong trường hợp cần thiết.

Thực tế cho thấy, UAV không phải là loại vũ khí “bất khả chiến bại”, chúng có thể bị tiến công, tiêu diệt; có thể bị “mất tác dụng” trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; hoặc có thể bị bắt giữ.

Tuy nhiên, để thực hiện điều đó cần phải có trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại, từ các thiết bị quan sát và phát hiện đến những hệ thống bắt bám cũng như vũ khí phòng không.

Hiện nay, một số nước đã áp dụng thành công các biện pháp phòng chống UAV tương đối hiệu quả, trong tương lai sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa.

>>> Sức mạnh "la thồ hàng không" hiện đại của Israel

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại