Nhật Bản muốn cầm “kiếm” tiêu diệt căn cứ hạt nhân Triều Tiên

Nhật Bản và Mỹ đang xem xét khả năng Tokyo nhận vũ khí tấn công nhằm cho phép Nhật triển khai hỏa lực ra khỏi biên giới, cụ thể là tiêu diệt các căn cứ tên lửa của Triều Tiên.

Hãng tin Reuter cho biết, các quan chức Nhật xác nhận Mỹ rất cẩn trọng về vấn đề này, phần nào vì nó có thể chọc tức Trung Quốc (TQ) vốn cáo buộc Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đang ráng phục hồi chế độ quân phiệt thời Thế chiến 2.

Nhật cũng sẽ cần Mỹ ủng hộ cho việc thay đổi học thuyết quân sự, vì nó sẽ làm thay đổi cơ cấu liên minh quân sự Nhật-Mỹ, vốn thường mô tả Mỹ “cầm kiếm” bằng quân trú đóng ở tiền tuyến và hệ thống phòng thủ hạt nhân, trong khi Nhật giữ vai trò “giữ khiên” phòng thủ.

Mỹ đang có 28.000 quân đóng ở Hàn Quốc và 38.000 quân ở Nhật.

“Nhật sẽ bị thiêu rụi trong lửa hạt nhân”

Một vụ nổ hạt nhân

TQ đang ngày càng tăng tính chất thù địch với Nhật, nhưng hướng trang bị vũ khí của Tokyo là nhằm tấn công các căn cứ tên lửa Triều Tiên.

Triều Tiên chỉ cách Nhật chưa tới 600 km, tính theo điểm gần nhất. Bình Nhưỡng gần đây liên tục phóng tên lửa tầm ngắn xuống vùng biển giữa Triều và Nhật và đã cải thiện hệ thống tên lửa đạn đạo. Họ còn tiến hành 3 cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân, gần đây nhất là vào tháng 2/2013.

Hồi tháng 4, Bình Nhưỡng tuyên bố: nếu có chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản sẽ bị “thiêu rụi trong lửa hạt nhân”.

Theo 3 quan chức Nhật liên quan quá trình nói chuyện với Mỹ và đề nghị giấu tên, Nhật-Mỹ đã có những cuộc nói chuyện không chính thức và trước đây không công bố về khả năng tăng cường sức mạnh quân sự cho Nhật, đất nước chưa bắn phát súng giận dữ nào từ khi thua trận trong Thế chiến 2.

Họ nói các cuộc nói chuyện “khả năng tấn công” này mới chỉ là sơ bộ, chưa đề cập đến loại vũ khí nào sẽ được tăng cường.

Theo các chuyên gia Nhật, một phần động cơ thúc đẩy Nhật tăng cường “khả năng tấn công” là vì nỗi ngờ vực rằng Mỹ có thể lưỡng lự trong việc tấn công Triều Tiên trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.

Narushige Michishita, một cố vấn an ninh quốc gia của chính phủ Nhật thời 2004 - 2006, nói: quân Mỹ có thể không can thiệp trong một số tình hình, ví dụ như nếu Hàn Quốc không muốn gia tăng căng thẳng với Triều Tiên.

Ông Michishita, một chuyên gia an ninh của Viện nghiên cứu chính sách quốc gia ở Tokyo, nói thêm: “Chúng tôi muốn duy trì một khả năng tấn công hạn chế, nhằm có thể phát động một cuộc tấn công, để chúng tôi nói với người Mỹ, rằng “trừ phi các bạn làm việc đó hộ chúng tôi, chúng tôi sẽ tự giải quyết việc đó”.

Chuyển từ phòng thủ sang “khả năng tấn công”

Tàu sân bay trực thăng Izumo và Hyuga của Nhật

Các chuyên gia quốc phòng nói “khả năng tấn công” sẽ buộc có sự thay đổi trong học thuyết quân sự thuần túy phòng thủ của Nhật, điều có thể mở cửa đón nhận những hệ thống tên lửa tấn công trị giá hàng tỷ USD cùng các phần cứng khác.

Các hệ thống này có thể ở nhiều dạng, như tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm cho đến tên lửa Tomahawk của Mỹ.

Các quan chức Mỹ nói không hề có các cuộc nói chuyện chính thức nào về vấn đề này, nhưng không loại trừ các cuộc tiếp xúc không chính thức. Một quan chức Mỹ nói Nhật tiếp cận Mỹ không chính thức về vấn đề này hồi năm ngoái.

Quân đội Nhật hiện đã lớn mạnh nhưng còn bị hiến pháp yêu chuộng hòa bình ràng buộc. Cục phòng vệ Nhật (SDF) hiện có hàng chục tàu chiến nổi, 16 tàu ngầm và 3 tàu sân bay trực thăng, cùng nhiều tàu khác đang được đóng. Nhật cũng đang mua 42 chiến đấu cơ tàng hình F-35.

Tái cơ cấu quân đội thành một lực lượng sẵn sàng chiến đấu là một chính sách trọng tâm của Thủ tướng Abe. Ông đã ngưng đường lối giảm chi quân sự suốt 10 năm qua, hủy bỏ lệnh cấm lính Nhật chiến đấu ở nước ngoài và nới lỏng lệnh cấm Nhật xuất khẩu vũ khí.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại