Nhật - Ấn liên minh chống Trung Quốc

Trung Quốc hành xử hung hăng khiến Nhật - Ấn phải bắt tay, tạo thế song kiếm cùng đối đầu Bắc Kinh.

Khu vực Đông Á vốn không bình yên thì thời gian qua lại thêm “dậy sóng” khi tranh chấp lãnh hải giữa Nhật Bản và Trung Quốc liên quan đến chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ngày càng quyết liệt và các bên không ngừng đưa ra các biện pháp ăn miếng trả miếng. Kế đó, tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực thung lũng Ladakh cũng khiến quan hệ song phương rơi vào vực thẳm.

Theo Thời báo Hoàn cầu, trong bối cảnh này, việc New Dehli và Tokyo lại có những động thái tăng cường bang giao, tập trận quân sự khiến người ta không khỏi nghi ngờ về việc hình thành liên minh Nhật - Ấn để kết hợp với liên minh Mỹ - Nhật - Hàn nhằm liên thủ, tạo thế “ song kiếm hợp bích ” để kiềm chế và ngăn chặn Trung Quốc.

Nhật - Ấn liên minh chống Trung Quốc
Trung Quốc hành xử hung hăng khiến Nhật - Ấn quan ngại.

Hãng tin Kyodo News cho biết, trong chuyến thăm Nhật Bản từ ngày 27-29/5/2013 của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, hai bên đã quyết định tăng cường tần suất các cuộc diễn tập chung giữa hải quân hai nước.

Liên minh chống Trung Quốc

China daily nhận định, việc hợp tác với Nhật Bản chỉ gây phiền toái cho Ấn Độ mà thôi. Trong khi đó, tờ Thời báo Hoàn cầu lại cho rằng, “xét đến những căng thẳng bấy lâu nay giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở khu vực quần đảo Điếu Ngư, và giữa Trung Quốc với Ấn Độ ở khu vực biên giới”, thì hợp tác này là nhằm chống lại Trung Quốc.

Nhật - Ấn liên minh chống Trung Quốc
Mối tình Nhật - Ấn "đơm hoa kết trái".

Làm vừa lòng Mỹ

Mục tiêu của Mỹ trong chiến lược trở lại châu Á là nhằm kiềm chế và bao vây, không cho Trung Quốc trỗi dậy đe dọa vị thế siêu cường của Washignton. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, Mỹ đã đứng đằng sau “giật dây”, khuyến khích Nhật - Ấn tăng cường quan hệ, và trong kịch bản đó, Mỹ chính là kẻ “ngư ông đắc lợi”. Mỹ đang tận dụng liên minh Mỹ - Nhật - Hàn để bao vây Trung Quốc từ phía đông.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng không ngừng cải thiện quan hệ với ASEAN để ngăn chặn ảnh hưởng của Bắc Kinh lan xuống phía Nam, và bằng chứng rõ ràng nhất chuyến thăm Mỹ mới đây của lãnh đạo Myanmar. Giới phân tích cho rằng, Myanmar đang “xa dần vòng tay” của Bắc Kinh để ngả vào vòng tay của Washington.

Hơn nữa, Nhật lại là đồng minh thân cận bậc nhất của Mỹ. Ấn Độ cũng là nhân tố mới, đang trỗi dậy không ngừng, trực tiếp cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc tại châu Á - Thái Bình Dương. Chính vì vậy, nếu “giật dây” được trục Nhật - Ấn thì Mỹ sẽ chẳng khác gì “hổ mọc thêm cánh” trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc. Đặc biệt, Mỹ và Nhật đã khoét sâu vào mối quan hệ căng thẳng Trung - Ấn hiện nay lôi kéo New Dehli về phía mình.

Dương đông kích tây

Với chính sách quân sự cứng rắn, đặc biệt là vấn đề thay đổi cương lĩnh quốc phòng, nhằm phát triển thành một “cường quốc bình thường” (Nhật Bản vẫn thường được mệnh danh là cường quốc “lệch chân” do kinh tế phát triển, nhưng quân sự lại bị hạn chế do quy định của Hiến pháp), và mới đây là quyết định tham gia diễn tập đánh chiếm đảo xa cùng quân đội Mỹ tại California càng khiến Bắc Kinh phật lòng. Liên minh với Ấn Độ được xem là chiêu bài của chính quyền Shinzo Abe nhằm “kéo sự chú ý ra bên ngoài”.

Hơn nữa, nếu bắt tay hợp tác, cả Nhật và Ấn đều thu được lợi ích lớn về kinh tế. Nhật Bản có thể tranh thủ thị trường với dân số đông của Ấn Độ, trong khi New Dehli có thể tận dụng lợi thế về khoa học công nghệ của Tokyo. “Chính phủ Nhật Bản đã khuyến khích các doanh nghiệp nước này đầu tư nhiều vào Ấn Độ để New Dehli bớt phụ thuộc vào Bắc Kinh. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, hợp tác kinh tế song phương vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi”, Zeenews.com nhận định. “Trong khi đó, về phần mình, hợp tác với Nhật Bản giúp Ấn Độ duy trì môi trường hòa bình để phát triển kinh tế”, nguồn tin nhận định thêm.

Làm được gì?

Ngày 28/5, Itar-Tass cho biết, Không quân Ấn Độ sẽ triển khai 18 máy bay Su-30MKI xuống căn cứ không quân ở phía nam. Trước đó, ngày 27/5, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Antony cũng đã xuống miền Nam để chủ trì lễ khai trương căn cứ không quân Thanjavur, thuộc bang Tamil Nadu.

Mới đây nhất, ngày 30/6, tờ Thời báo Ấn Độ cho biết, nước này có kế hoạch thành lập lực lượng bộ binh chuyên tác chiến ở khu vực rừng núi, với quân số khoảng 40.000 binh sĩ để bịt kín dải biên giới phía đông bắc Ấn Độ, tức phía nam Tây Tạng, với kinh phí dự kiến lên tới 11 tỷ USD. Việc thành lập lực lượng này sẽ giúp Ấn Độ bịt kín tuyến biên giới và có đủ năng lực truy cản Trung Quốc.

Trong khi đó, về phía mình, Nhật Bản cũng có những động thái tăng cường tiềm lực quân sự . Mới đây, VOR có bài viết nhận định, Nhật Bản đang nghiêm túc chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh với các nước láng giềng (Trung Quốc). Ngày 30/5, Hội đồng quốc phòng của Đảng Dân chủ Tự do đã phê duyệt dự án cải cách quy mô lớn các lực lượng vũ trang. Dự án cung cấp khả năng tấn công vào các căn cứ quân sự của đối phương, thiết lập lực lượng thủy quân lục chiến cũng như nâng cao hiệu quả phòng thủ tên lửa.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại