Sự căng thẳng giữa hai nước có kho vũ khí hạt nhân (VKHN) trội nhất thế giới này được đẩy lên mức nguy cơ Nga - Mỹ quay lại thời đối đầu hạt nhân, khi Mỹ dọa có hành động trả đũa việc Nga phát triển một kiểu tên lửa hành trình tầm trung.
Chính phủ Tổng thống Mỹ Barack Obama nói Nga vi phạm Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF, ký năm 1987), nên Mỹ nâng triển vọng tái triển khai hệ thống tên lửa hành trình Mỹ tại châu Âu sau 23 năm vắng mặt.
INF là một trong hiệp ước kiểm soát vũ khí chủ đạo của thời Chiến tranh Lạnh, từng kết thúc cuộc triển khai tên lửa hành trình Liên Xô - Mỹ tại châu Âu.
Mối nguy hiểm của tên lửa hành trình
Theo các chuyên gia quân sự, tên lửa hành trình bay ở cao độ thấp để tránh radar địch, nên rất khó phát hiện chúng (phát hiện máy bay địch trên radar dễ hơn), đôi khi rất khó bắn hạ.
Tên lửa hành trình có thể tấn công các mục tiêu chiến lược của địch, nên cả Nga - Mỹ đều ngán việc bị tấn công phủ đầu thật bất ngờ.
Tại một cuộc điều trần ngày 10.12.2014, các nghị sĩ đảng Cộng hòa gay gắt chỉ trích hai nhà thương lượng kiểm soát vũ khí của chính phủ Obama, bà Rose Gottemoeller (Bộ Ngoại giao) và Brian McKeon (Bộ Quốc phòng).
Hai quan chức này bị trách không sớm phản ứng về sự vi phạm INF của Nga.
Bà Gottemoeller đáp đã nêu những lo ngại của Mỹ về tên lửa mới của Nga “hàng chục lần” với các đồng sự Nga và ông Obama đã có thư gởi Tổng thống Nga Vladimir Putin về vấn đề này.
Bà nói tên lửa hành trình mới của Nga đã sẵn sàng triển khai. Bà không nói loại nào, nhưng có tin là loại Iskander-K có tầm phóng bị cấm là từ 500-5.000 km.
Phía Nga phủ nhận sự hiện hữu của loại tên lửa này và tố ngược Mỹ cũng vi phạm INF.
Ông McKeon nói Lầu Năm Góc đang tìm những phản ứng mới với tên lửa Nga, gồm việc triển khai một loại vũ khí tương đương:
“Chúng ta có nhiều lựa chọn, một số tuân thủ INF và một số không tuân thủ, và chúng tôi có thể đề nghị lãnh đạo sử dụng nếu quyết phải chọn hướng này”.
Sau đó, ông nói thêm: “Chúng ta hiện không có tên lửa hành trình phóng từ trên bộ tại châu Âu, vì bị INF ngăn trở, nhưng rõ ràng đó là một lựa chọn nên khai thác”.
Việc tái triển khai tên lửa hành trình ở châu Âu rất nguy hiểm về mặt chính trị và có thể gây chia rẽ, nhưng đảng Cộng hòa chiếm đa số ở lưỡng viện quốc hội Mỹ đang thúc chính phủ Obama phải có một phản ứng cứng rắn với tên lửa Nga.
Hạm đội tàu ngầm Nga đe dọa vùng biển Mỹ
Lầu Năm Góc cũng bị “cạo”, về sự nổi trội của hạm đội tàu ngầm Nga.
Hiện Nga đóng nhiều tàu ngầm “sát thủ” khổng lồ mang tên lửa hành trình, cùng tàu ngầm tấn công có thể ngang bằng hoặc trội hơn Mỹ về khả năng tàng hình và khả năng hoạt động.
Hoạt động này khác hẳn năm 2002, khi hải quân Nga không hề cử tàu ngầm đi tuần tra. Nay tàu ngầm Nga đã phục hổi khả năng vươn tới toàn cầu.
Báo giới Mỹ thi thoảng có những thông tin tàu ngầm Nga tiếp cận vùng biển phía đông nước Mỹ, dù quân đội Mỹ phủ nhận.
Năm 2012, một bài báo dẫn lời một quan chức chính phủ Mỹ giấu tên, nói một tàu ngầm Nga trang bị tên lửa hành trình đã thoát khỏi sự phát hiện của radar suốt nhiều tuần trong Vịnh Mexico.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Mỹ bác thông tin của báo Washington Free Beacon.
Ngày 26.12.2014, như một dấu hiệu rõ nhất của sự căng thẳng, quân đội Mỹ phóng thử 1 trong 2 quả khinh khí cầu JLENS lên bầu trời Washington, nhằm phát hiện tên lửa hành trình đang bay tới.
Bộ chỉ huy Không phận bắc Mỹ (NORAD) không nói rõ bản chất của sự đe dọa này.
Nhưng việc thử nghiệm JLENS được thực hiện 9 tháng sau khi chỉ huy NORAD là tướng Charles Jacoby thừa nhận sự lo ngại khả năng đối phó việc Nga đầu tư cho công nghệ tên lửa hành trình và tàu ngầm hiện đại.
Những lo ngại đó được trình bày tại một cuộc điều trần trước tiểu ban vũ khí thượng viên Mỹ ngày 13.3:
“Họ đã sản xuất một thế hệ tàu ngầm hạt nhân tĩnh lặng mới, được thiết kế đặc biệt để phóng tên lửa hành trình”, nhưng ông không nói số tàu ngầm này được triển khai ở vùng nào.
Mối đe dọa này dù Mỹ đã có tên lửa đánh chặn Patriot, tàu chiến Aegis và các chiến đấu cơ chống tên lửa hành trình hoặc tên lửa đạn đạo tầm ngắn.
Báo cáo năm 2013 của tình báo quân đội Mỹ dự báo: trong 10 năm tới, nhiều thế lực sẽ có tên lửa hành trình, đề cập vũ khí này “né” được những hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo.
Luật ngân sách quốc phòng 2014 nêu hệ thống phòng thủ Mỹ chú trọng “tên lửa đạn đạo phóng từ tàu trên biển quanh nước Mỹ, gồm Vịnh Mexico”, ám chỉ nỗi đe dọa từ các tàu ngầm tấn công hạt nhân của Nga và Iran.
Tướng Jacoby cũng nói từ nhiều năm qua, Mỹ “theo dõi việc Nga quá trình đầu tư cải thiện công nghệ tên lửa hành trình” và lưu ý từ hàng chục năm qua, vũ khí này đã được Điện Kremlin trang bị cho các máy bay ném bom của Nga.
Peter Roberts, cựu sĩ quan hải quân Anh từng làm đầu mối kết nối với hải quân Mỹ và tình báo, nói các chuyến vượt Đại Tây Dương của tàu ngầm tấn công lớp Akula của Nga đã trở thành chuyện bình thường, ít nhất 1 hoặc 2 lần/năm.
Tàu ngầm này có thể hướng tới vùng biển Mỹ, để giám sát các cuộc tập trận của hải quân Mỹ.
Tàu ngầm lớp Akula của hải quân Nga
Tàu ngầm lớp Yasen của Nga còn có khả năng tàng hình mạnh hơn lớp Akula, dù cả hai loại này đều đa năng, được thiết kế để truy đuổi và tiêu diệt tàu ngầm và tàu nổi của địch.
Chúng đều trang bị tên lửa hành trình Granat có thể mang đầu đạn hạt nhân 200 kiloton, theo báo giới Nga cho biết về khả năng của lớp Akula.
Nga - Mỹ đã ký Hiệp ước giải trừ vũ khí chiến lược (START, hết hạn năm 2009) để loại tên lửa hành trình khỏi tàu ngầm.
Hiệp ước Start 2 do Tổng thống Obama ký năm 2010 với Tổng thống Nga lúc đó, ông Dmitry Medvedev, không gồm sự hạn chế tên lửa hành trình trên tàu ngầm, không tiếp tục cho phép trao đổi thông tin về số tên lửa hành trình.
Ông Putin không đe dọa suông
Căng thẳng Nga - Mỹ gia tăng vào lúc các nỗ lực kiểm soát vũ khí của thời hậu Chiến tranh Lạnh bị giảm mạnh.
Theo Guardian, Mỹ và Nga tăng số đầu đạn hạt nhân chiến lược trong năm 2014, cả hai bên đều chi hàng tỷ USD/năm để hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân.
Theo báo trên, dù nền kinh tế Nga đang suy thoái, Putin vẫn chú trọng vũ khí hạt nhân để làm “bửu bối” và làm biểu tượng cho tầm ảnh hưởng của Nga.
Trong một bài diễn văn về cuộc khủng hoảng ở Ukraine, ông Putin nhắc lại sức mạnh của kho vũ khí hạt nhân Nga và tuyên bố “các nước khác nên nhớ, tốt nhất là đừng gây sự với chúng tôi”.
Tổng thống Putin lái máy bay
Báo Sự thật (Pravda) hồi tháng 11.2014 cũng có bài “Nga chuẩn bị một sự bất ngờ hạt nhân cho NATO”, để đề cao tính tối thượng của Nga trước phương Tây, đặc biệt là về vũ khí hạt nhân chiến lược.
Bài báo viết: “Người Mỹ biết rõ chuyện này. Họ từng được thuyết phục rằng Nga sẽ không bao giờ có thể nổi lên nữa. Nay thì đã quá muộn”.
Báo Guardian nêu những quan điểm này “có tính hăm họa”, học thuyết quân sự mới của Nga (công bố ngày 25.12.2015) cho thấy không có sự thay đổi chủ trương về vũ khí hạt nhân so với 4 năm trước.
Chủ trương này nêu vũ khí hạt nhân sẽ chỉ được sử dụng, nếu xảy ra một cuộc tấn công sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) hoặc một cuộc tấn công sử dụng vũ khí quy ước “gây nguy hiểm cho sự tồn vong của quốc gia”.
Chủ trương này không đề cập một cuộc tấn công phủ đầu, dù đã có một số sĩ quan cấp cao trong quân đội Nga đề nghị.
Dù vậy, “tính hăm dọa” lại trùng với việc Nga ồ ạt nâng cấp vũ khí hạt nhân, phản ánh việc Moscow quyết tâm ngang bằng với kho vũ khí hạt nhân của Mỹ.
Bao gồm tăng số đầu đạn hạt nhân trên tàu ngầm, như đã có tên lửa đạn đạo Bulava phóng từ biển mang nhiều đầu đạn.
Công cuộc hiện đại hóa quân sự của Nga còn gồm phục hồi hoặc sản xuất các hệ thống phóng mới.
Hồi tháng 12, Nga tuyên bố sẽ tái sử dụng tàu lửa chở tên lửa hạt nhân, cho phép tên lửa đạn đạo liên lục địa chạy quanh Nga để không bị tấn công.
Phương tây cũng đang ngán việc Nga tiếp thị với nước ngoài, về loại tên lửa hành trình Club-K vốn có thể giấu cùng bệ phóng trong một tàu hàng container ngỡ như vô hại, chờ đến lúc nhận lệnh phóng.