60 năm trôi qua, chiến binh Phạm Đức Cư, 85 tuổi ở Đội C4, xã Thanh Xương, tỉnh Điện Biên là một trong những người còn lại, minh chứng tinh thần thép của lính pháo cao xạ, anh dũng, gan dạ.
Con người “sắt”
Đầu năm 1954, Bộ Tư lệnh đã gửi cán bộ, chiến sĩ sang Trung Quốc để huấn luyện kỹ thuật về pháo cao xạ. Tháng 4/1953, Trung đoàn pháo cao xạ đầu tiên 367 của Quân đội Nhân dân Việt Nam thành lập ở Thái Nguyên. Một tháng sau, hơn 2.000 cán bộ chiến sĩ ưu tú, do đồng chí Ngô Từ Vân chỉ huy, hành quân sang Tân Dương, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) để học chiến thuật, kỹ thuật sử dụng pháo cao xạ.
Cựu chiến binh Phạm Đức Cư kể: “Bấy giờ để tuyển chọn chiến sĩ đi học ở Trung Quốc rất kỹ lưỡng. Tiêu chuẩn phải là chiến sĩ đã kinh qua chiến đấu, thể hiện tinh thần dũng cảm, nhanh nhẹn, không vướng bận vợ con, có sức khỏe tốt, trung thành với cách mạng. Có Trung đoàn cử 50 chiến sĩ, đến Thái Nguyên kiểm tra, loại ra chỉ còn 10 người. Các chiến sĩ hành quân, đi bộ đường rừng hơn 3 tuần sang nước bạn và phải tuyệt đối giữ bí mật”.
Ngày 24/11/1953, Đảng ủy Trung Đoàn quyết định đưa 2 Tiểu đoàn huấn luyện xuất sắc 383 và 394 về nước tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Tháng 12/1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ thị cho Trung đoàn pháo cao xạ 367 tham gia chiến dịch. Theo cựu chiến binh Phạm Đức Cư kể, lúc bấy giờ cán bộ, chiến sĩ các Tiểu đoàn chỉ nhận lệnh đi chiến dịch “Trần Đình” – Mật danh của chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trước khi đi chiến dịch “Trần Đình”, tất cả cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn viết “Quyết tâm thư”. Chiến sĩ Phạm Đức Cư viết: “Tôi Phạm Đức Cư, cán bộ tham mưu, được phân công trách nhiệm đi cùng Tiểu đoàn pháo. Tôi xin hứa cố gắng hết mình, làm tốt nhiệm vụ, chiến đấu đến cùng”. Các đoàn quân nối đuôi nhau, hùng dũng Tây tiến.
Cuối tháng 1/1954, Trung đoàn 367 có mặt tại Điện Biên, Bộ Tư lệnh quyết định thay đổi chiến thuật “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, thắng chắc”, buộc các chiến sĩ vất vả kéo pháo vào, kéo pháo ra và lại kéo vào. Trên đường kéo pháo, mồ hôi trộn máu, chiến sĩ hy sinh, các pháo thủ không nao núng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo. Ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng mở màn chiến dịch đánh Him Lam. Cán bộ, chiến sĩ pháo cao xạ nêu cao khẩu hiệu “còn 1 người, một pháo, 1 viên đạn cũng quyết chiến đấu đến cùng”, quân ta đã làm chủ được bầu trời, cắt viện trợ bằng đường không và sự oanh tạc của máy bay địch.
Cựu chiến binh Phạm Đức Cư không thể quên được cuộc chiến đấu ác liệt, ông kể: “Ngày 16 đến ngày 17/3, vị trí đồi Độc lập, quân Pháp tập trung lực lượng, đánh trả. Đại đội 827 thuộc Tiểu đoàn 394 chưa kịp cơ động, đồng chí Dương Bá Sanh – Đại đội trưởng quyết định dồn sức quyết chiến. Hai quả bom địch lồng vào trận địa pháo Đại đội 827, nổ tung, Đại đội trưởng Dương Bá Sanh, Đại đội phó Bùi Văn Phú và một số pháo thủ hy sinh. Hai khẩu pháo của Đại đội bị hỏng, còn lại hai khẩu pháo, tham mưu Phạm Đức Cư, Chính trị viên phó Tiểu đoàn Đăng Trình liền nhảy xuống cùng với pháo thủ tiếp tục chiến đấu. Pháo thủ ngồi lên mâm pháo xác định “đạn bom tránh mình, mình không tránh được đạn bom”.
Lời nói dối
Cuối tháng 4/1954, trong một trận đánh, pháo thủ tên Vân (quê Vĩnh Phúc) bị mảnh đạn pháo địch bắn vào ngực bất tỉnh. Phạm Đức Cư bị đạn pháo cắt cả bắp tay trái, máu chảy ướt cả người. Nghe đồng đội hô cấp cứu, ông cố gượng đứng dậy chạy đến bên Vân, ôm anh vào lòng gọi “Vân ơi! Vân ơi!”. Máu ngực Vân phun ra, mọi người đưa anh vào chỗ an toàn băng bó và chuyển ra bệnh viện dã chiến. Vân bỗng tỉnh lại, cầm lấy tay Cư nói: “Em xin lỗi anh, anh giúp em lấy tấm ảnh trong ba lô, sau ảnh có ghi địa chỉ. Anh còn sống, mang về quê nói với mẹ, em không còn nữa”. Mở ba lô xem, ông thấy tấm hình đen trắng, Vân chụp chung với cô gái, đằng sau ghi địa chỉ. Chôn cất Vân xong, đơn vị tiếp tục chiến đấu.
Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, đơn vị hành quân về Hà Nội. Rảnh rỗi, Phạm Đức Cư mang thư, hình cá nhân ra xem lại và thấy tấm hình của đồng đội để lại. Hơn 1 năm rồi, ông chưa thực hiện được lời hứa, trong lòng day dứt. Cuối năm 1955, đơn vị tạo điều kiện cho nghỉ về thăm gia đình, ông quyết định đi Vĩnh Phúc để trao bức ảnh cho mẹ Vân. Tàu dừng ở ga Vĩnh Yên, theo địa chỉ ghi trên bức ảnh, 11 giờ trưa ông tìm đến nhà. Thấy anh bộ đội, bà cụ khoảng 60 tuổi mừng rỡ chạy ra đón, mời vào nhà.
Một lát sau, cô gái chạy vội vàng đến lễ phép chào mẹ, chào anh. Bà cụ giới thiệu, cô gái là người yêu của Vân, tên là Ngân. Vân và Ngân yêu nhau từ khi còn làm công tác thanh niên, chờ đến tuổi để cưới thì Vân một mực đòi đi bộ đội. Thấy bà cụ, cô gái đang nóng lòng muốn biết tin của Vân, ông nghĩ “mình có nên nói thật không? Nếu nói Vân hy sinh thì đột ngột với gia đình quá. Bà cụ, Ngân có chịu đựng được khi biết tin này?...”.
Phạm Đức Cư cố nở nụ cười tươi: “Con và anh Vân cùng đơn vị. Anh Vân bận công tác chưa về được. Biết con đi công tác qua nhà, anh Vân gửi con mang tấm hình về gửi mẹ làm tin. Chào mẹ, con phải đi ngay”.
Lời nói dối này luôn làm ông Phạm Đức Cư day dứt cho đến tận bây giờ vì dường như chưa thực hiện trọn vẹn lời hứa với người đồng đội.