Dàn pháo BM-14 Cachiusa trứ danh
Pháo phản lực BM-13 của Liên Xô được gọi bằng cái tên thông thường Cachiusa đã làm kinh hồn bạt vía quân phát xít. Tiếp nối thành công đó, sau chiến tranh thế giớ thứ hai, có nhiều loại pháo phản lực khác nhau với tên gọi chung là Cachiusa đã được chế tạo.
BM-14 (tiếng Nga: БМ-14) do Liên Xô chế tạo ngay sau Chiến tranh thế giới thứ hai và đưa vào trang bị năm 1952. Loại pháo này bao gồm một dàn phóng đạn phản lực 16 nòng, xếp thành 4 tầng, mỗi tầng 4 ống cỡ 140 mm gắn trên một xe tải hạng nhẹ GAZ-66 8 bánh.
BM-14 cho phép bắn liên tiếp 16-17 phát trong vòng 8 giây với tầm bắn gần 10 km và có thể bắn đạn hóa học.
Pháo phản lực BM-14 của Pháo binh Việt Nam diễn tập bắn đạn thật
Cấu tạo dàn phóng và đạn phản lực BM-14
Mỗi quả đạn phản lực BM-14 nặng khoảng 40kg, đạt tầm bắn khoảng 10km. Đạn phản lực M-14 bắn dưới dạng không điều khiển. Những viên đạn này được ổn định trong khi bay bằng kết quả tính toán theo độ quay nhanh (vài nghìn vòng/phút) theo trục dọc. Sự quay của đạn được thực hiện bằng khả năng phụt khí thuốc súng của động cơ phản lực qua các lỗ trong phần sau thân đạn, được bố trí dưới góc 22 độ gần với trục dọc thân đạn.
Cánh đuôi giúp các viên đạn M-14 tăng cường độ chính xác nhưng tầm bắn giảm do năng lượng thuốc súng đã bị tiêu hao trong quá trình quay. Loại đạn chính của BM-14-16 là đạn nổ - nổ mảnh M-14OF. Khi lắp ngòi nổ tức thì, đạn thiên về khả năng nổ mảnh, còn khi lắp ngòi nổ chậm, đạn có hoạt động nổ mạnh hơn.
Ngoài đạn nổ - nổ mảnh M-14OF, trong cơ số đạn của BM-14-16 còn có đạn M-14D, được sử dụng nhằm tạo ra màn khói và làm “mù” các trạm quan sát cũng như khí tài hỏa lực của đối phương. Các loại đạn với đầu đạn hóa học 140mm cũng đã được thiết kế và đưa và sản suất.
Việt Nam “thô sơ hóa” BM-14
Đầu những năm 1960, Liên Xô bắt đầu viện trợ cho Việt Nam pháo phản lực phóng loạt BM-14. Sự xuất hiện của pháo phản lực trong biên chế là một bước phát triển mới của Binh chủng Pháo binh Việt Nam. Tuy nhiên, với trọng lượng lớn và cồng kềnh thì BM-14 không thuận lợi trong tác chiến ở chiến trường miền Nam.
Thực tế chiến trường đòi hỏi một loại pháo có uy lực lớn, nhưng phải mang vác được bằng sức người. Bởi vậy, ngành kỹ thuật pháo binh đã bắt đầu quan tâm nghiên cứu để cải tiến "thô sơ hóa" BM-14.
Sách Biên niên sự kiện lịch sử ngành kỹ thuật pháo binh QĐNDVN (1945-1975) viết: “Để tăng cường loại vũ khí có hỏa lực mạnh cho chiến trường, Bộ Tư lệnh đề nghị Bộ Quốc phòng triển khai nghiên cứu cải tiến pháo phản lực BM-14 (Liên Xô sản xuất) thành pháo phản lực mang vác”.
BM-14 sau cải tiến gồm ống phóng gắn trên một bệ bằng gỗ. Ống phóng làm bằng tôn thép mỏng cuộn lại, dài 1,14m, mặt trong có đánh 4 đường sống tiếp tuyến với mặt hình trụ của đạn. Bệ bằng gỗ dày 2cm, rộng 25cm, dài 120cm. Tiện lợi ở chỗ, bệ tên lửa làm bằng gỗ này không cần vận tải vào Nam mà có thể dễ dàng làm tại chỗ dựa theo bản thiết kế. Toàn bộ bệ chỉ nặng khoảng 10,5kg.
Khi thử nghiệm, bệ phóng được kê đầu trên túi đất, chèn thêm các túi đất lên trên và quanh tấm gỗ để cố định bệ. Góc bắn được lấy 45 độ, điểm hỏa bằng 6 quả pin con thỏ 1,5 vol. Thử nghiệm cho thấy luồng phụt không làm hư hại bệ phóng, có thể dùng lại.
Pháo BM-14 sau khi cải tiến có tầm bắn khoảng 8.000 m (giảm so với nguyên bản) nhưng độ chính xác cao hơn. Mặt khác, BM-14 chỉ phóng lần lượt từng quả một, còn pháo cải tiến có thể phóng cùng lúc 12 quả đạn nhờ 1 hệ thống điện điểm hỏa. Bởi vậy nó được gọi là A12.
Sau khi cải tiến thành công, từ dàn phóng 17 nòng, A12 được biên chế cho mỗi tiểu đội 12 khẩu. Với trọng lượng rất nhẹ, A12 rất tiện lợi cơ động để thực hiện những đòn tập kích hỏa lực luồn sâu đánh hiểm vào đối phương.
Bác Hồ kiểm tra pháo phản lực mang vác A12 cải tiến từ BM-14 tại trường bắn Hòa Lạc, năm 1966
Ngày 28/2/1967, Tiểu đoàn 99 lần đầu sử dụng pháo phản lực “made in Vietnam” A12 trên chiến trường. Tiểu đoàn đã bắn 15 loạt với 140 viên đạn vào các mục tiêu trong sân bay Đà Nẵng. Trận tập kích bất ngờ này đã phá hủy 94 máy bay, 200 xe quân sự các loại cùng hàng trăm tên địch.
Tổ điệp báo trong thành phố sau này gửi thư ra miêu tả trận đánh: “Tỉnh dậy là thấy tiếng ào ào xé không khí như hàng chục chiếc máy bay phản lực cất cánh. Nhiều tiếng nổ làm rung chuyển cả thành phố. Lửa bùng lên dữ dội trong sân bay. Nhiều người tưởng là máy bay từ miền Bắc vào ném bom đã rủ nhau lên mái nhà xem máy bay Mỹ cháy”.
Tiếp nối truyền thống “thô sơ hóa” BM-21
Cùng với BM-14, sau này Liên Xô tiếp tục viện trợ cho Việt Nam loại pháo phản lực mới nhất khi đó, BM-21 Grad. Pháo dùng khung gầm cơ sở xe bánh lốp lắp giàn phóng 40 nòng cỡ 122mm, bắn những viên đạn rocket đi xa 20km.
Một khẩu đội gồm 3-4 người có thể trú trong cabin để bắn hoặc đứng từ xa và điều khiển qua đường cáp dài 64m.
Một tiểu đoàn pháo phản lực trang bị BM-21 có thể đồng loạt bắn tới 720 quả đạn trong vòng 20 giây trùm lên một khu vực rộng. Đây là vũ khí rất hữu hiệu để chống lại đội hình bộ binh và thiết giáp nhẹ, cũng như để phá hủy hệ thống hầm hào bán kiên cố. Tuy nhiên, BM-21 không phát huy hiệu quả nếu bắn vào một mục tiêu nhỏ được định vị như lô cốt bê tông.
Cũng giống BM-14, BM-21 cồng kềnh không thích hợp cho tác chiến ở chiến trường miền Nam thời điểm đó. Vì thế, phía ta đã đề nghị phía Liên Xô cải tiến giúp BM-21 thành từng nòng riêng lẻ để tiện cơ động.
Theo Lịch sử Pháo Binh Việt Nam viết: “Dịp Tết năm 1966, BM-21 cải tiến đã được gửi sang Việt Nam. Ban đầu người ta gọi nó là DKZ-66, sau đó đổi thành ĐKB (loại ĐKZ chuyên dùng chiến đấu ở chiến trường B)”.
ĐKB vẫn sử dụng nòng và đạn cùng cỡ như BM-21 nhưng được tháo riêng thành 2 bộ phận là nòng và chân rất gọn nhẹ, tiện mang vác. Đạn ĐKB nặng 46kg, tầm bắn từ 2-10km.
Trung đoàn 84A được thành lập để huấn luyện sử dụng ĐKB. Ngày 17/6/1966, Trung đoàn 84 cùng với Tiểu đoàn 99 đã bắn trình diễn vũ khí mới tại trường bắn Hòa Lạc (Hà Tây) cho Bác Hồ và các vị lãnh đạo cấp cao xem. Ngay trong năm 1966, Trung đoàn 84A với 54 khẩu ĐKB hành quân vào miền Nam.
Pháo phản lực ĐKB cải tiến từ BM-21 trên chiến trường miền Nam
Ngày 11/2/1967, pháo phản lực ĐKB lần đầu được sử dụng trên chiến trường. Trung đoàn 84A đã dùng 54 khẩu ĐKB tấn công sân bay Biên Hòa. Chỉ trong vòng 15 phút, toàn bộ sân bay đã ngập chìm trong khói lửa. Khoảng 150 máy bay cùng nhiều kho tàng đã bị phá hủy. Đòn tấn công này đã khiến quân địch hoang mang, hoảng sợ.
Những trận đánh vào sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa của A12 và ĐKB đã mở đầu cho chiến thuật sử dụng pháo mang vác luồn sâu đánh hiểm của pháo binh Việt Nam. Từ đó pháo mang vác được sử dụng rất phổ biến và đã trở thành một vũ khí lợi hại của pháo binh ta trong những trận pháo kích vào căn cứ địch.