Nga phớt lờ ham muốn tăng Armata của Trung Quốc?

Đại Nguyên |

Trước nạn sao chép vũ khí của Trung Quốc, Nga đã tỏ ra thận trọng với đề nghị mua tăng Armata của Trung Quốc.

Tờ Vz (Nga) hôm qua (9/12), dẫn một nguồn tin từ giới công nghệ quốc phòng Nga, cho rằng Trung Quốc đang đặc biệt quan tâm tới xe tăng Armata mà Nga đang phát triển.

Theo Vz, Trung Quốc đã bày tỏ sự quan tâm tới loại xe tăng mới được định danh là T-14 này với đối tác Nga tại Triển lãm hàng không Chu Hải 2014 diễn ra tại Trung Quốc vào trung tuần tháng 11 vừa qua.

Tuy nhiên, nhà máy Uralvagonzavod - nơi chịu trách nhiệm về dự án xe tăng Armata, không bình luận về thông tin kể trên.

"Chúng tôi không thể bình luận về những những thông tin này. Bởi lẽ, Uralvagonzavod không phải là đối tượng của các hợp tác công nghệ quốc phòng" - đại diện của Uralvagonzavod nói với tờ Vz.

Ảnh đồ họa xe tăng Armata của Nga.
Ảnh đồ họa xe tăng Armata của Nga.

Việc Trung Quốc đánh tiếng mua xe tăng Armata của Nga không phải mới chỉ một lần. Trước đó vào cuối năm 2013 Trung Quốc cũng bày tỏ hy vọng muốn mua loại xe tăng này nhưng theo Phó chủ tịch ủy ban nghị viên Nga cần phải thận trọng với lời đề nghị của Trung Quốc.

Hiện nay, rất nhiều mẫu vũ khí Nga đã bị Trung Quốc sao chép, trong đó có Type-99 được sao chép từ T-72 của Liên Xô.

Ý tưởng phát triển Type-99 ban đầu của Trung Quốc là cho ra đời một loại xe tăng có sức mạnh có thể đánh bại tăng T-72 huyền thoại của Nga.

Đầu những năm 1980, bằng một số con đường, Trung Quốc đã có được trong tay mẫu xe tăng T-72 của Nga với nhiều cải tiến hiện đại như trang bị giáp phản ứng nổ thế hệ hai, pháo chính nạp đạn tự động từ các nước Trung Đông.

Ngay lập tức, những chiếc T-72 được mổ xẻ và cuối cùng, năm 1990, mẫu thiết kế WZ-123 (tên công nghiệp của Type-98) dựa trên chiếc T-72 được Viện 201 thuộc Tập đoàn Công nghiệp Bắc Trung Quốc (NORINCO) chế tạo thành công.

Năm 1997, bốn mẫu xe tăng hoàn chỉnh đã được thử nghiệm tại tỉnh Hắc Long Giang và chúng đã khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc hài lòng, sau một cuộc thử nghiệm khắc nghiệt với tổng hành trình 20.000 km và bắn 200 phát đạn pháo.

Cuối năm 1998, một số lượng nhỏ mẫu xe tăng này đã được sản xuất và đặt tên là ZTZ-98 (Type-98) nhằm phục vụ cho cuộc duyệt binh diễu hành ngày 1/10/1999 kỷ niệm 50 năm quốc khánh Trung Quốc.

Tuy nhiên, Type-98 vốn chỉ là một mẫu sản xuất vội vàng phục vụ duyệt binh, nên không được đưa vào phục vụ trong quân đội cho đến 2001, khi mẫu nâng cấp hoàn thiện nhất của dòng xe tăng này ra đời lấy tên là ZTZ-99 (Type-99).

Được đưa vào phục vụ trong PLA lần đầu tiên vào cuối năm 2001,các quan chức quân sự cho biết nó nhanh chóng được đưa vào sản xuất để có thể trang bị cho Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) vào năm 2008/2009.

Mô hình xe tăng lạ được cho là Armata của Nga.
Mô hình xe tăng lạ được cho là Armata của Nga.

Là niềm tự hào của binh chủng thiết giáp Trung Quốc, nhưng Type-99 vẫn không xóa hết những đặc điểm của mình từ chiếc T-72 của Nga.

Ẩn sau khối giáp nổ hình chữ V phía trước với hình dạng hơi giống Leopard và lớp giáp nổ có thể tháo rời phía sau, tháp pháo chính của Type-99 vẫn mang dáng vẻ tròn, dẹt truyền thống của chiếc T-72.

Ngoài Type-99 được sao chép từ T-72, dị bản tiếp theo của T-72 được Trung Quốc thực hiện thành công là xe tăng VT-1A.

Tăng chiến đấu VT-1A của Trung Quốc được dựa trên T-72 nhưng đã có một số đặc điểm cải tiến gần giống với T-80UM2.

Vì vậy chỉ cần chi phí thấp đã có được một sản phẩm có chất lượng tương đối là điều khiến khách hàng lựa chọn xe tăng của Trung Quốc.

Ngoài tăng Type-99 và VT-1A được phát triển trên nguyên mẫu tăng T-72 của Nga, Trung Quốc còn tiến hành nhái xe bọc thép BMP-1 của Nga để cho ra đời xe bọc thép chiến đấu WZ-501.

Ban đầu, chiếc WZ-501 có kiểu dáng y hệt BMP-1 của Liên Xô, với hệ thống hỏa lực gồm một pháo nòng trơn cỡ 73mm, bệ phóng tên lửa chống tăng có điều khiển trên nóc xe cùng súng máy 7,62mm. Nó chỉ có khác biệt đôi chút là trọng lượng nhẹ hơn và tốc độ cao hơn.

Ngoài những bản sao chép trên, Trung Quốc còn cho ra đời chiến đấu bộ binh ZBD-97 sao chép từ xe chiến đấu bộ binh BMP-3 của Liên Xô.

Do được thiết kế trên nguyên mẫu BMP-3, tháp pháo ZBD-97 được cho là khá giống với tháp pháo xe chiến đấu bộ binh BMP-3. Tuy nhiên, khung thân ZBD-97 lại khác biệt hoàn toàn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại