Nga phô trương sức mạnh quân sự khi giúp tìm máy bay QZ8501?

Mai Hà |

Nga đã cử 2 máy bay và 22 thợ lặn giúp tìm máy bay AirAsia QZ8501 bị rơi ngày 28/12. Hãng tin Bloomberg nhận định rằng đây là một cách Nga phô trương sức mạnh quân sự...

Động thái của Nga diễn ra vào lúc Mỹ và Trung Quốc (TQ) muốn tham gia các kế hoạch tăng chi quân sự nâng cấp hải quân, phát triển cơ sở hạ tầng biển của Tổng thống Indonesia Joko Widodo

Việc Nga phô trương sức mạnh quân sự này theo yêu cầu của Indonesia, theo Alexander Shilin, phó đại sứ Nga ở Indonesia cho Bloomberg biết.

Cuộc tìm kiếm chiếc QZ8501 đã tìm được phần đuôi của nó, thu hẹp khu vực tìm kiếm hộp đen, nhằm tìm hiểu điều gì xảy ra vào những phút cuối tai nạn. Đã tìm được 40 xác trong 162 nạn nhân của vụ máy bay rơi này.

Sự tham gia của Nga khiến cuộc tìm kiếm có hơn 5.000 người, 20 máy bay, 60 tàu, 40 xe cứu thương và 95 thợ lặn của nhiều nước, gồm TQ, Mỹ, Singapore và Malaysia.

Trong cuộc tìm kiếm này có các phương tiện Nga, gồm một tàu lặn điều khiển từ xa nặng 500 kg, có thể hoạt động ở độ sâu 300m, theo phó đại sứ Shilin. Tàu lặn này có thiết bị dò sóng sonar để tìm âm thanh phát ra từ hộp đen của chiếc QZ8501.

Nga sẵn sàng bán vũ khí cho Indonesia

Indonesia là quần đảo lớn nhất thế giới, đối mặt với nạn hải tặc và đánh cá trái phép trong vùng biển của họ, Indonesia cũng phản đối việc TQ tuyên bố độc chiếm 90% biển Đông. Tổng thống Widodo nói ông muốn tăng chi quốc phòng Indonesia lên 1,5% GDP.

Khoản chi quân sự của nước này tăng trong 10 năm qua, đạt 81,96 ngàn tỷ rupiah (6,4 tỉ USD) năm 2013, chiếm 0,3% GDP, theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI).

Chuyên gia quốc phòng Nga Alexey Muraviev của đại học Curtin (Perth, Úc) nói:

"Nga từ lâu có quan hệ với Indonesia và xem nước này là đối tác thân cận ở Đông Nam Á. Đó là một biện pháp tiếp cận chiến lược tổng thể trong việc phát triển quan hệ thân cận với Indonesia”.

Nga là một nguồn cung cấp khí tài quân sự chủ lực của Indonesia. Trong chuyến thăm Jakarta năm 2007, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký thỏa thuận cho Indonesia vay 1 tỷ USD để mua khí tài quân sự.

Collin Koh, một nhà nghiên cứu của Viện nghiên cứu chiến lược- quốc phòng thuộc Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) nói:

“Đối với người Nga, tôi nghĩ đây là cơ hội họ thể hiện khả năng của họ. Giúp đỡ sẽ xây dựng thiện chí với Indonesia, để họ trở thành một điểm bán hàng khi thương lượng mua vũ khí”.

Năm 2014, Nga giao các phần cứng quân sự, gồm 54 thiết giáp đổ bộ BMP-3, các chiến đấu cơ Sukhoi Su-27 và Su-30, nâng tổng số chiến đấu cơ Sukhoi của Indonesia lên 18 chiếc, theo phó đại sứ Shilin.

Ông nói kế hoạch biển của Tổng thống Widodo “tạo điều kiện cho việc cung cấp tàu chiến. Chúng tôi có thể bán các sản phẩm tốt nhất cho Indonesia”. Ông cũng nói Nga thường tham gia các hoạt động cứu hộ thiên tai ở Indonesia.

Sau vụ sóng thần 2004, Nga triển khai một tàu quân y viện đến tỉnh Aceh, và Nga giúp chữa cháy ở đảo Sumatra năm 2009, và cùng năm này, Nga cử bác sĩ và máy bay đến đảo này sau những vụ động đất khiến hàng trăm người chết.

Ở vụ máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích hồi tháng 3.2014, khi từ Kuala Lumpur bay đi Bắc Kinh, Nga không tham gia cuộc tìm kiếm quốc tế.

Theo chuyên gia Muraviev, có lẽ Nga không tham gia tìm kiếm MH370, vì không muốn vướng vào sự lúng túng ban đầu của cuộc tìm kiếm này. Sau này, Úc dẫn đầu cuộc tìm kiếm.

Ông cũng nói Nga tránh làm việc với Úc, sau lần Nga đề nghị chống cháy rừng ở bang Victoria (Úc) năm 2009 bằng cách cử 2 thủy phi cơ Ilyushin 76 nhưng bị Úc bác.

Phó đại sứ Shilin từ chối bình luận việc Nga không tham gia tìm kiếm chiếc MH370.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại