Nga diệt IS tốt hơn Mỹ nhờ "soi trúng, đánh đúng"!

Chuyên gia quân sự Nam Hoài |

Bên cạnh các khí tài trinh sát không ảnh, thông tin chỉ huy, chuyển tiếp tình báo, định vị dẫn đường trình bày ở bài trước, tác chiến điện tử góp phần quan trọng để Nga diệt IS.

PHẦN 3: PHƯƠNG TIỆN TÁC CHIẾN ĐIỆN TỬ CỦA NGA TẠI SYRIA

Bên cạnh công tác trinh sát không ảnh, giám sát và quản lý mục tiêu, tiếp sóng thông tin chỉ huy và chuyển tiếp tình báo, định vị dẫn đường, các phương tiện hàng không vũ trụ quân sự của Nga còn tham gia tích cực vào hoạt động tác chiến điện tử trên chiến trường Syria.

Cục Tình báo vũ trụ thuộc Tổng cục tình báo quân đội Nga (GRU) là đơn vị được giao khai thác tình báo từ các hệ thống vệ tinh quân sự của Quân chủng Không quân – Vũ trụ Nga.

Họ chuyên thực hiện nhiệm vụ trinh sát thông tin vô tuyến điện (COMINT) và trinh sát kỹ thuật vô tuyến điện (ELINT) tham gia chiến dịch chống khủng bố của Nga tại Syria.

Cục tình báo vũ trụ GRU phối hợp chặt chẽ với Cục 6 Tình báo điện tử cũng thuộc GRU để tiến hành tất cả các chiến dịch tác chiến điện tử trên chiến trường Syria và Trung Đông nói chung.

Các hệ thống vệ tinh trinh sát điện tử

Hệ thống vệ tinh trinh sát điện tử Tselina-2: Hệ thống vệ tinh trinh sát điện tử này có mã GUKOS là 11F644 và hiện chỉ còn 1 vệ tinh trinh sát Kosmos-2428 còn hoạt động trên quỹ đạo.

Hệ thống vệ tinh này thực hiện cả 2 chức năng COMINT và ELINT đối với tất cả các đài phát vô tuyến của đối phương trên chiến trường.


Vệ tinh trinh sát Kosmos-2428 thuộc Hệ thống vệ tinh trinh sát điện tử Tselina-2.

Vệ tinh trinh sát Kosmos-2428 thuộc Hệ thống vệ tinh trinh sát điện tử Tselina-2.

Hệ thống vệ tinh Tselina-2 được Liên Xô phát triển từ giữa năm 1975 để thay thế hệ thống vệ tinh Tselina-O/D vốn chỉ có tính năng hạn chế trong việc phát hiện và định vị nguồn phát vô tuyến điện mặt đất của đối phương.

Sau khi tiếp nhận lại hệ thống này từ Liên Xô, Nga vẫn tiếp tục hợp tác với các viện nghiên cứu của Ukraine để duy trì khai thác và phóng các vệ tinh cuối cùng của hệ thống, trong đó có vệ tinh Kosmos-2428.

Vệ tinh trinh sát điện tử Kosmos-2428 có khối lượng 3.250 kg, được tên lửa đẩy Zenit-M đưa từ sân bay vũ trụ Baikonur (Kazakhstan) lên quỹ đạo thấp của Trái Đất vào ngày 29/6/2007, hoạt động ở độ cao 870 km và nghiêng 71 độ so với mặt phẳng Xích đạo.

Vệ tinh này chặn bắt các tín hiệu vô tuyến điện, đồng thời định vị toạ độ, phân tích tính chất sóng mang, các đặc điểm về tần số, công suất phát, phương pháp bức xạ của tất cả các đài phát vô tuyến (bao gồm cả các đài ra đa quân sự) đối phương.

Đồng thời giám sát điều lệnh vô tuyến điện của các đài phát vô tuyến của Nga và đồng minh trong khu vực.

Các dữ liệu trinh sát thông tin vô tuyến điện và trinh sát kỹ thuật vô tuyến điện của vệ tinh Kosmos-2428 được truyền theo thời gian thực về các trạm thu và xử lý tín hiệu mặt đất.

Bộ phận mã thám của Cục tình báo vũ trụ GRU giải mã tin và phân tích chuyên sâu nhằm cung cấp tin tức tình báo cũng như lập danh mục mục tiêu.

Hệ thống vệ tinh trinh sát điện tử Lotos-M:

Hệ thống vệ tinh này có mã GUKOS là 14F138 và hiện có 2 vệ tinh là Kosmos-2455 và Kosmos-2502 đang hoạt động trên quỹ đạo.

Đây cũng là hệ thống vệ tinh trinh điện tử thế hệ đầu tiên được Nga độc lập phát triển mà không có sự tham gia của đối tác Ukraine kể từ sau khi Liên Xô giải thể.


Vệ tinh trinh sát điện tử Lotos-M.

Vệ tinh trinh sát điện tử Lotos-M.

Hệ thống vệ tinh Lotos-M được phát triển trong “Dự án Liana” từ năm 1993 trên cơ sở các yêu cầu thiết kế của hệ thống vệ tinh trinh sát điện tử Tselina-3.

Hệ thống vệ tinh Lotos-M được tên lửa đẩy Soyuz-U hoặc Soyuz-2-1b đưa lên độ cao 900 km, nghiêng 67,5 độ so với mặt phẳng Xích đạo, thuộc quỹ đạo thấp của Trái Đất.

So với vệ tinh của hệ thống Tselina-2, vệ tinh của hệ thống Lotos-M nhẹ hơn 1,5 lần, nhưng có tuổi thọ dài hơn gấp 5 lần.

Bên cạnh tính năng trinh sát điện tử các đài phát vô tuyến điện và đài radar cố định, vệ tinh của hệ thống Lotos-M còn có khả năng trinh sát điện tử đối với các đài phát vô tuyến di động trang bị trên phương tiện bay, tàu chiến, phương tiện chiến đấu mặt đất của đối phương.

Trong số 2 vệ tinh đang hoạt động của hệ thống Lotos-M, vệ tinh Kosmos-2455 chỉ vận hành được một phần tính năng thiết kế do là bản thử nghiệm và gặp một số trục trặc sau khi tiến vào quỹ đạo.

Máy bay trinh sát điện tử

Ngoài 2 vệ tinh trinh sát điện tử kể trên, lực lượng Không quân – Vũ trụ Nga còn đưa sang chiến trường Syria các máy bay trinh sát và tác chiến điện tử như IL-20M1 và máy bay trinh sát chiến thuật Su-24MR.

Máy bay trinh sát và tác chiến điện tử IL-20M1: IL-20M1 là máy bay trinh sát và tác chiến điện tử được hiện đại hoá từ phiên bản máy bay cùng chức năng IL-20M, trên cơ sở thân máy bay và động cơ của loại máy bay vận tải IL-18.


Máy bay trinh sát và tác chiến điện tử IL-20M1.

Máy bay trinh sát và tác chiến điện tử IL-20M1.

Sử dụng 4 động cơ tua bin cánh quạt Ivchenko AI-20D, máy bay IL-20M1 có thể đạt tốc độ tối đa 675 km/h, tốc độ hành trình 620 km/h trong chặng bay trinh sát 6.200 km, trần bay tối đa 10.000 m.

Máy bay IL-20M1 được trang bị khí tài trinh sát điện tử để chặn bắt tín hiệu vô tuyến điện, định vị và phân tích kỹ thuật vô tuyến điện của đài phát vô tuyến đối phương.

Ngoài ra, máy bay còn được trang bị hệ thống quét hồng ngoại tuyến và đài ra đa quét ngang để trinh sát mục tiêu dọc theo đường bay.

Tổ bay và kỹ thuật viên của máy bay IL-20M1 gồm 13 người, trong đó tổ bay có 5 người, tổ kỹ thuật viên trinh sát điện tử có 6 người, 1 trắc thủ máy quét hồng ngoại tuyến và 1 trắc thủ đài ra đa quét ngang.

Ngay từ khi đưa vào trang bị dưới thời Liên Xô vào năm 1969, máy bay IL-20M đã được sử dụng cho các chuyến bay trinh sát điện tử dọc theo biên giới và giám sát điện tử các cuộc tập trận của nước ngoài.

Tại Syria, máy bay trinh sát điện tử IL-20M1 của Nga đã thực hiện các chuyến bay dọc theo biên giới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ để trinh sát hệ thống vũ khí phòng không bên kia biên giới, cảnh báo máy bay tiêm kích nước ngoài xâm phạm không phận Syria.

Đồng thời, nó có thể phát hiện và chặn thu tin tình báo từ các đài phát vô tuyến xuyên biên giới giữa các tổ chức khủng bố Hồi giáo bên trong lãnh thổ Syria với các thế lực bên ngoài.

Vì thế, các chuyến bay trinh sát điện tử của máy bay IL-20M1 đã khiến phía Thổ Nhĩ Kỳ khó chịu và nhiều lần lên tiếng phản đối cũng như đe doạ chặn kích.

Máy bay trinh sát chiến thuật Su-24MR: Được phát triển từ máy bay ném bom chiến thuật tầm thấp siêu thanh Su-24M, máy bay trinh sát chiến thuật Su-24MR được biên chế cho cấp đại đội bay (phi đội) Su-24M hoạt động độc lập.

Máy bay trinh sát chiến thuật Su-24MR sử dụng khí tài trinh sát điện tử như đài trinh sát kỹ thuật vô tuyến điện “Tangazh” dưới dạng thùng gắn dưới bụng máy bay để xâm nhập hệ thống phòng không đối phương.


Máy bay trinh sát chiến thuật Su-24MR. Anhr: Airliners.net.

Máy bay trinh sát chiến thuật Su-24MR. Anhr: Airliners.net.

Nhiệm vụ chính của nó là phát hiện, định vị, xác định đặc tính kỹ chiến thuật của các đài ra đa đối phương.

Mặc dù lực lượng khủng bố ở Syria không có các hệ thống tên lửa phòng không sử dụng radar trinh sát và ngắm bắn, nhưng phía Nga vẫn triển khai máy bay trinh sát chiến thuật Su-24MR trong phi đội Su-24M ở căn cứ không quân Hmeymim (Latakia).

Quyết định này để dự phòng trường hợp tấn công lực lượng khủng bố xuyên biên giới hoặc tác chiến chống tàu trên hướng biển Địa Trung Hải.

Hiệu quả của trinh sát điện tử Không quân – Vũ trụ ở Syria

Các hệ thống trinh sát điện tử Không quân – Vũ trụ của quân đội Nga được khai thác, sử dụng cho nhiệm vụ chuyên biệt và phối hợp, hỗ trợ cho các hệ thống tác chiến điện tử trên bộ như Krasukha-4 và trên biển như tàu tác chiến điện tử thuộc lớp Vishnya Dự án 864.

Tất cả hợp thành sức mạnh trong tác chiến chế áp điện tử và chống chế áp điện tử và cung cấp tình báo quan trọng cho lực lượng không quân cường kích tiêu diệt các sở chỉ huy và nhiều nhân vật chỉ huy đầu não của các nhóm khủng bố Hồi giáo.

Phần 1: Chiến thuật “Bủa lưới phóng lao” của Nga tại Syria

Phần 2: Nga "tất tay" tại Syria bằng vũ khí, trang bị hiện đại nhất

(Còn tiếp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại