Khi trả lời phỏng vấn “Các nhà quan sát quân sự” Trung Quốc, ông Isaikin nói rằng Nga còn chưa ký với Trung Quốc hợp đồng bán hệ thống tên lửa phòng không S-400 và việc đàm phán đang diễn ra “rất gay go”.
Theo ông Isaikin, Nga không thể không thấy rằng trong 20 năm qua, sự phát triển công nghệ của Trung Quốc “đang tăng lên không phải từng ngày mà là từng giờ”. Liên quan đến S-400, ban lãnh đạo Nga và Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ.
Tổng giám đốc Rosoboronexport thừa nhận rằng, Nga đến nay mới sản xuất được 2 bộ trang bị S-400 để biên chế cho 2 trung đoàn (8 tiểu đoàn). Theo đánh giá lạc quan nhất, việc chuyển giao các hệ thống này (vài tiểu đoàn) cho Trung Quốc chỉ có thể bắt đầu sớm nhất vào năm 2017.
Tuy nhiên một số chuyên gia khác cho rằng, Trung Quốc sẽ mất 7 - 10 năm để có thể “sản xuất trái phép” các loại vũ khí xuất khẩu từ Nga. Trong lúc đó, Nga có thể tiến xa trong phát triển công nghệ quân sự nên sự sao chép như thế không phải là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Nga.
Ông Anatoly Isaikin - Tổng giám đốc Rosoboronexport
Hiện nay có một số thông tin cho biết, Trung Quốc muốn mua các loại vũ khí tối tân nhất của Nga như tên lửa phòng không S-400, radar Irbis-E và động cơ turbine phản lực lưỡng mạch có tăng lực 117S của tiêm kích Su-35S.
Bên cạnh đó họ còn muốn mua tên lửa chống hạm Onyx (tầm bắn 500 km), tên lửa chiến dịch-chiến thuật Iskander-M (tầm bắn 500 km), hệ thống pháo phản lực phóng loạt Tornado-G (tầm bắn 100 km) và tàu ngầm hạt nhân lớp Yasen.
Trong chuyến thăm Trung Quốc vào trung tuần tháng 11/2014, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã khẳng định “quy chế đặc biệt” của quan hệ Nga - Trung trong lĩnh vực quân sự và mở ra “giai đoạn 1” bán các công nghệ tối tân của Nga cho Bắc Kinh.
Như vậy, Trung Quốc đã được quyền mua những lô nhỏ vũ khí trang bị thế hệ mới của Nga để “tìm hiểu và ứng dụng vào các nghiên cứu của mình”.
Hệ thống tên lửa phòng không S-400
Bắc Kinh đang muốn mua nhiều công nghệ quân sự tiên tiến vốn có thể làm thay đổi cán cân quân sự xung quanh. Theo một số chuyên gia, Nga đã có những nhượng bộ chưa từng có vì trong tương lai dài hạn, kinh tế nước này đã bị phụ thuộc vào sự ủng hộ của Bắc Kinh.
Báo chí phương Tây cho rằng, Nga đã bị phụ thuộc vào Trung Quốc về việc cung cấp dầu lửa và khí đốt. Hãng Bloomberg đưa tin, Nga rất hy vọng vào sự tăng trưởng quan hệ kinh tế với Trung Quốc để tránh suy thoái cho kinh tế Nga.
The Times của Anh viết, ngày nay nền kinh tế Nga đã bị phụ thuộc vào Trung Quốc. Việc chuyển giao vũ khí sẽ cho phép Trung Quốc không chỉ phá vỡ cán cân sức mạnh ở Đông Nam Á mà còn giành ưu thế quân sự trước chính nước Nga.
Nền kinh tế Nga đang hoàn toàn phụ thuộc vào xuất khẩu hydrocarbon và vũ khí trang bị, Trung Quốc đang "kiếm lợi tối đa” từ yếu tố này.
Tuy nhiên, mọi quốc gia có tiềm lực kỹ thuật quân sự mạnh đều tránh bán cho nước khác những loại vũ khí trang bị hiện đại nhất. Nga thanh minh cho quyết định bán S-400 là do họ đang nghiên cứu chế tạo hệ thống S-500 tiên tiến hơn vốn sẽ được đưa vào trang bị từ năm 2016.
Nhưng thời hạn chế tạo hệ thống này trên thực tế là chưa rõ ràng, tên lửa tầm siêu xa dành cho S-400 đang trong giai đoạn “thử nghiệm bất tận” và đến nay vẫn chưa được nhận vào trang bị.
Tổng giám đốc Công ty Sukhoi, ông Mikhail Pogosyan nói rằng, “chúng tôi tất nhiên đã đồng ý bán một số lượng nhỏ tiêm kích Su-35S sang Trung Quốc” nhưng cũng cho biết thêm, ở chính nước Nga cũng mới chỉ sản xuất được 22 máy bay này.
Do đó, mặc dù ông Anatoly Isaikin lên tiếng bác bỏ nhưng không thể loại trừ khả năng Nga sẽ đồng ý bán tàu ngầm hạt nhân lớp Yasen tối tân nhất của mình cho Trung Quốc trong một tương lai không xa.
Tàu ngầm K-329 Severodvinsk lớp Yasen
Yasen - Dự án 885 (NATO gọi là Severodvinsk) là lớp tàu ngầm hạt nhân tấn công đa dụng thế hệ mới nhất của Nga, được phát triển dựa trên 2 lớp tàu ngầm trước là Akula và Alfa.
Trong tương lai, Hải quân Nga có ý định sẽ sử dụng tàu ngầm lớp Yasen để thay thế cho cả tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Akula cũng như tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình lớp Oscar có từ thời Liên Xô.
Thông số kỹ thuật cơ bản của tàu ngầm hạt nhân lớp Yasen: lượng giãn nước 7.700 - 8.600 tấn khi nổi; dài 120 m; rộng 15 m; thủy thủ đoàn 90 người (32 sĩ quan).
Tàu được trang bị 1 lò phản ứng hạt nhân áp lực nước KPM cho tốc độ tối đa 20 hải lý/h (37 km/h) khi chạy nổi, 28 hải lý/h (52 km/h) khi chạy ngầm ở chế độ yên lặng hoặc lên tới 35 hải lý/h (65 km/h) khi chạy ngầm ở chế độ tối đa. Độ sâu hoạt động lớn nhất 600 m.
Vũ khí trang bị của tàu gồm: 32 bệ phóng thẳng đứng dùng để bắn tên lửa hành trình Kalibr và 10 ống phóng ngư lôi hạng nặng (8 ống phóng cỡ 650 mm và 2 ống phóng cỡ 533 mm).
Hiện nay Nga mới biên chế duy nhất 1 tàu ngầm hạt nhân lớp Yasen mang tên Severodvinsk cho Hạm đội Biển Bắc.
(Tổng hợp)