Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý đóng tàu quân sự

Xuân Thủy |

Từ năm 2005 đến nay, các chương trình, dự án đóng tàu quân sự (ĐTQS) trong toàn quân được triển khai đồng bộ, hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm trang bị tàu thuyền cho quân đội.

Kết quả trên đã khẳng định sự ra đời và phát triển của Phòng Quản lý đóng tàu thuộc Bộ Tham mưu, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (CNQP).

Thượng tá, TS Phạm Thanh Khiết, Trưởng phòng Quản lý đóng tàu cho biết: Ngày 19-8-2005, Bộ Tổng tham mưu đã ra Quyết định số 889/QĐ-TM, thành lập Phòng Quản lý đóng tàu.

Phòng có chức năng tham mưu, quản lý nhà nước về CNQP trên lĩnh vực đóng tàu quân sự (ĐTQS); chỉ đạo, điều hành kế hoạch đầu tư, sản xuất của khối đóng tàu.

Sự ra đời của Phòng Quản lý đóng tàu đánh dấu bước ngoặt lớn trong công tác tham mưu, quản lý chuyên ngành, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về quy hoạch và phát triển ngành ĐTQS ở nước ta.

Ngay từ những năm đầu, Phòng Quản lý đóng tàu đã nỗ lực nghiên cứu, tham mưu xây dựng “Quy hoạch xây dựng và phát triển ngành ĐTQS đến năm 2010, tầm nhìn 2020”, “Quy chế quản lý ĐTQS”, được Bộ Quốc phòng phê duyệt, triển khai trong toàn quân.

Những điều trên đã tạo nền tảng để ngành ĐTQS có bước phát triển mạnh mẽ và trở thành bộ phận quan trọng của CNQP và công nghiệp đóng tàu quốc gia.

Lớp tàu tên lửa thế hệ mới 1241.8 do Tổng công ty đóng tàu Ba Son đóng trang bị cho Hải quân nước ta.

Triển khai Quy hoạch xây dựng và phát triển ngành ĐTQS, tổ chức lực lượng của ngành đã được kiện toàn đồng bộ từ cơ quan quản lý, cơ sở nghiên cứu thiết kế, đến các đơn vị đóng mới, sửa chữa tàu quân sự.

Quy hoạch bảo đảm tập trung quy tụ các cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu quân sự, gắn kết nghiên cứu thiết kế với sản xuất và sửa chữa lớn. Công tác đầu tư phát triển được quan tâm và triển khai có hiệu quả.

Từ xuất phát điểm là các cơ sở đóng tàu quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, cơ bản chỉ thực hiện sửa chữa các tàu vận tải quân sự.

Đến nay, khối các đơn vị ĐTQS trực thuộc Tổng cục CNQP đã cơ bản có cơ sở hạ tầng đồng bộ, các trang thiết bị sản xuất tiên tiến hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đóng mới, sửa chữa, bảo đảm kỹ thuật tàu quân sự cho Quân chủng Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng…

Đồng thời các đơn vị còn tham gia vào việc đóng mới các tàu phục vụ kinh tế và xuất khẩu.

Với năng lực công nghệ trên, trong những năm qua, CNQP nước ta đã đóng mới thành công nhiều lớp tàu quân sự với trang thiết bị và vũ khí, khí tài hiện đại, chất lượng cao.

Những con tàu đóng mới đã đáp ứng yêu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc và tuần tra, thực thi pháp luật trên biển.

Trong các sản phẩm nổi bật của ngành ĐTQS phải kể đến lớp tàu pháo tuần tiễu TT-400TP; tàu tên lửa thế hệ mới lớp 1241.8; tàu chở quân K122, tàu quân y K123, tàu đa năng DN-2000, tàu cứu hộ, cứu nạn 3.500CV.

Bên cạnh đó là các lớp tàu tuần tra TT-120, TT-200, TT-400; tàu kéo TKCN-2000 và các tàu tuần tra, cứu nạn cho Bộ đội Biên phòng, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm, Cứu nạn...

Trong đó, tàu pháo tuần tiễu TT-400TP do Nhà máy Z173 đóng là gam tàu có thiết kế phức tạp, đòi hỏi trình độ, năng lực công nghệ thi công tiên tiến.

Tàu tích hợp pháo hạm tự động AK-176, pháo phòng không tốc độ cao AK-630, tên lửa đối không tầm thấp Igla, súng 14,5 mm và các hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại.

Lớp tàu tên lửa thế hệ mới 1241.8 do Tổng công ty đóng tàu Ba Son tiếp nhận chuyển giao công nghệ và đóng mới thành công.

Tàu đạt tốc độ 38 hải lý/giờ với hệ thống vũ khí - khí tài hiện đại, gồm tổ hợp tên lửa Uran-E với 16 tên lửa hành trình chống hạm Kh-35, pháo hạm tự động AK-176, pháo phòng không cao tốc AK-630M và tên lửa phòng không tầm thấp Igla.

Các sản phẩm tàu này là niềm tự hào lớn đối với ngành ĐTQS và cả CNQP nói chung, tạo niềm tin đối với Bộ Quốc phòng và các đơn vị sử dụng tàu.

Từng bước nâng cao khả năng tự chủ trong bảo đảm trang bị cho quân đội, tiết kiệm kinh phí của Nhà nước so với mua sắm trang bị từ nước ngoài.

Bên cạnh các sản phẩm quốc phòng, nhiệm vụ đóng tàu kinh tế và xuất khẩu cũng luôn được quan tâm chỉ đạo các đơn vị tích cực triển khai nhằm tăng doanh thu, duy trì đội ngũ người lao động và đã đạt được nhiều thành quả quan trọng.

Do đó, 10 năm qua, doanh thu hằng năm của khối đóng tàu quân sự luôn có mức tăng trưởng cao, ổn định (hơn 15%/năm) và chiếm gần 40% tổng doanh thu toàn Tổng cục CNQP.

So với năm 2005, đến nay, doanh thu của khối ĐTQS tăng gấp 8 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 4 lần.

Song song với thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp ủy và chỉ huy Phòng Quản lý đóng tàu luôn quan tâm đến công tác thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ.

Thiếu tá, TS Mai Quốc Trưởng, Phó trưởng phòng Quản lý đóng tàu cho biết: Từ năm 2005 đến nay, lực lượng của phòng luôn được kiện toàn và phát triển, với 100% cán bộ trình độ đại học, trong đó có 84% sau đại học và 52% tiến sĩ; 68% cán bộ đào tạo ở nước ngoài.

Toàn phòng luôn đoàn kết, nỗ lực, chủ động, sáng tạo, tâm huyết với công việc, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Ngày 6-8-2015, tập thể Phòng Quản lý đóng tàu được Chủ tịch nước ký Quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba.

Đây là phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, quân đội ghi nhận những nỗ lực, công sức chung của phòng.

Đây cũng là sự động viên lớn lao để tập thể phòng phấn đấu vươn lên hơn nữa nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tới, xứng đáng là cơ quan tham mưu trung tâm trong xây dựng và phát triển ngành ĐTQS.

Đơn vị sẽ góp phần tạo ra những lớp tàu quân sự chất lượng cao, hoạt động tin cậy, ổn định, phục vụ các lực lượng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại