Myanmar khoe chiến hạm tự đóng dùng vũ khí Trung Quốc

Tuấn Vũ |

Hải quân Myanmar vừa tổ chức một cuộc diễn tập bằng dàn tàu chiến "nội địa", tuy nhiên những chiến hạm này vẫn phải sử dụng vũ khí Trung Quốc.

Theo thông tin được mạng Sina (Trung Quốc) đăng tải, trong cuộc tập trận quy mô lớn vừa qua, Hải quân Myanmar đã huy động dàn chiến hạm mạnh nhất của mình.

Trong đó bao gồm tàu chiến nhập khẩu từ Trung Quốc, Mỹ... và đặc biệt là những chiến hạm "made in Myanmar" chiếm vị trí danh dự.

Trong các tàu chiến do Myanmar sản xuất được tham gia tập trận lần này có tàu hộ vệ UMS Anawratha (771), tàu hộ vệ UMS Bayinnaung (772) và một số tàu tên lửa cao tốc khác.

Theo đánh giá của báo chí phương Tây, dù Hải quân Myanmar chưa sở hữu những chiến hạm nội địa cỡ lớn nhưng những chiếc tàu hộ vệ này cho thấy nỗ lực của Myanmar nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn cung vũ khí bên ngoài.

Tàu hộ vệ UMS Anawratha (771) do Myanmar tự chế tạo

Tàu hộ vệ UMS Anawratha (771) do Myanmar tự chế tạo.

Tạp chí Kanwa Defense Review cho biết, trong giai đoạn 1991 - 1993, Hải quân Myanmar liên tiếp nhập khẩu 10 tàu pháo lớp Hải Nam Type 037 từ Trung Quốc.

Đây là loại tàu có lượng giãn nước 400 tấn, dài 58,77 m; được vũ trang 2 tháp pháo 2 nòng 57 mm, 2 tháp pháo 2 nòng 25 mm và 2 súng máy phòng không 14,5 mm cùng hệ thống rocket săn ngầm Type 81.

Tới năm 1995, Myanmar mua thêm 6 tàu cao tốc tên lửa lớp Houxin Type 037IG có lượng giãn nước 487 tấn, dài 62,8 m.

Type 037IG trang bị tổ hợp tên lửa hành trình đối hạm C-802 (4 quả), 2 tháp pháo bắn nhanh Type 69 30 mm và 2 súng máy phòng không 14,5 mm. Đây là tàu chiến được trang bị tên lửa đầu tiên của Hải quân Myanmar.

Từ sau Type 037IG, Myanmar dừng nhập khẩu mà chuyển sang tự đóng với sự giúp đỡ, tiếp nhận công nghệ, thiết bị từ Trung Quốc. Năm 1996, Hải quân Myanmar nhận 5 tàu pháo cỡ nhỏ do nước này tự đóng.

Không có nhiều thông tin về lớp tàu nhưng chúng chủ yếu vẫn trang bị các loại vũ khí do Trung Quốc sản xuất.

Cùng năm đó, Myanmar đưa vào biên chế tàu hộ tống tên lửa lớp Anawratha tự đóng. Tới tận năm 2007, họ mới đưa chiếc thứ 2 vào hoạt động.

Không rõ kích thước, lượng giãn nước của Anawratha ngoại trừ việc tàu được cho là trang bị hệ thống vũ khí phòng thủ trên cả 3 mặt: chống hạm (tổ hợp tên lửa C-802, pháo hạm 76 mm), phòng không (tháp pháo Type 69 30 mm, Type 58 14,5 mm) và chống hạm.

Trước đó, năm 2004, Myanmar đưa vào biên chế 5 tàu cao tốc tên lửa cỡ nhỏ trang bị tổ hợp tên lửa chống hạm C-802 của Trung Quốc.

Tàu hộ vệ UMS Bayinnaung (772) đang phóng bom phản lực chống ngầm RBU-1200 trong tập trận.

Tàu hộ vệ UMS Bayinnaung (772) Myanmar tự chế tạo đang phóng rocket chống ngầm RBU-1200 trong tập trận.

Như vậy, tính tới năm 2007, Hải quân Myanmar có 13 tàu chiến tên lửa, trở thành lực lượng đáng gờm trong khu vực.

Tuy nhiên, những tàu này chủ yếu là loại nhỏ, hoạt động gần bờ. Ngoài khả năng chống hạm mạnh, khả năng phòng không của chúng đều kém, không có hệ thống tên lửa hải đối không.

Trước tình hình đó, Myanmar nỗ lực hiện đại hóa hải quân nhưng không phải là mua mới mà tiếp tục đóng trong nước. Tới năm 2008, họ hoàn thiện khinh hạm đầu tiên, mạnh nhất của nước này.

Theo đó, Myanmar đưa vào biên chế khinh hạm lớp Aung Zeya có lượng giãn nước lên tới 4.053 tấn, trở thành tàu chiến lớn nhất mà một quốc gia ở Đông Nam Á tự đóng được (tính đến thời điểm năm 2008).

Lớp Aung Zeya trang bị 4 động cơ diesel rất khỏe, cho phép đạt tốc độ tối đa 30 hải lý/h, tầm hoạt động hơn 6.000 km.

Hệ thống điện tử trên tàu chủ yếu dùng radar do Trung Quốc sản xuất nhưng cá biệt, hệ thống định vị thủy âm (dò tìm tàu ngầm) là từ Nga.

Myanmar không tiết lộ thông tin chi tiết hệ thống vũ khí trên tàu nhưng theo các chuyên gia quốc tế thì nó gồm: tổ hợp tên lửa hành trình C-803 (tầm bắn 200 km, 8 quả); 2 tổ hợp pháo bắn nhanh Type 730 7 nòng cỡ 30 mm.

Trên tàu còn có hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn HQ-7; pháo hạm 76 mm và cụm máy phóng ngư lôi hạng nhẹ 324 mm.

Ngoài ra, theo một số nguồn tin, tàu trang bị 4 tổ hợp pháo AK-630 của Nga, hệ thống tên lửa phòng không tầm trung HQ-16 và hệ thống tên lửa hành trình đối đất tầm xa HN-2 (tầm bắn 500 km).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại