Đợt triển khai kéo dài 16 tháng tới đây của tàu USS Fort Worth, tàu chiến ven bờ mới do Tập đoàn Lockheed Martin chế tạo là sự khởi động cho một chiến lược mới của Hải quân Mỹ vốn được tuyên bố là sẽ tiết kiệm hơn và giúp duy trì sự hiện diện ở nước ngoài, bất chấp việc ngân sách ngày càng bị siết chặt.
Đại tá Randy Garner, Phó Đề đốc của Đội tàu chiến tuần duyên số 1, cho biết Hải quân Mỹ có kế hoạch thành lập ba nhóm thủy thủ đoàn cho mỗi cặp tàu chiến tuần duyên và luân chuyển bốn tháng một lần.
Đây là một sự cắt giảm đáng kể so với quân số hiện nay vốn cho phép thủy thủ đoàn lưu lại tàu của họ. Theo Đại tá Garner, tàu USS Fort Worth dự kiến sẽ được điều tới Singapore và khu vực Thái Bình Dương vào ngày 17/11 tới.
Trong khi đó, các quan chức an ninh ở Nhật Bản và Mỹ đang tỏ ra lo ngại về việc tàu sân bay Mỹ sẽ không có ở vùng biển Đông Á trong vòng 4 tháng vào năm 2015 tới.
Việc ngân sách quốc phòng Mỹ thu hẹp lại và tình hình Trung Đông căng thẳng đang gây sức ép lên khả năng hoạt động của hạm đội Hải quân Mỹ và một trong những ảnh hưởng của việc này, đó là sẽ không có tàu sân bay được điều động ở vùng Đông Á.
Quan chức Nhật Bản và Mỹ lo ngại rằng việc không có tàu sân bay Mỹ trong khu vực sẽ khiến Trung Quốc và Triều Tiên có cơ hội tiến hành đẩy mạnh các hoạt động quân sự.
Theo kế hoạch, vào năm tới, USS George Washington, tàu sân bay Mỹ duy nhất đang cập cảng ở nước ngoài sẽ rời căn cứ Nhật Bản để tiếp thêm nhiên liệu và bảo trì dài hạn. Theo các quan chức Mỹ và Nhật cho biết, cho đến khi tàu USS Ronald Reagan cập cảng Yokosuka ở Nhật để thay thế, ở vùng biển Đông Á sẽ không có tàu sân bay của Mỹ trong vòng 4 tháng.
Hải quân Mỹ không tiết lộ chi tiết về cuộc chuyển giao tàu sân bay, tuy nhiên dự kiến thời điểm đó sẽ vào giữa mùa xuân và thu năm sau.
Sự vắng mặt tàu sân bay Mỹ trong bốn tháng có thể khiến Nhật Bản bắt đầu phát triển hạm đội tàu sân bay của riêng mình.