Thông tin trên do tờ Kommersant (Nga) dẫn một số nguồn tin trong Bộ Quốc phòng và ngành công nghiệp không gian Nga cho biết.
Các vệ tinh Tundra mới ban đầu dự kiến được phóng trong năm 2013 để thay thế hệ thống vệ tinh từ thời Xô Viết đã ngừng hoạt động.
Tuy nhiên, những trục trặc kỹ thuật đã khiến Nga gần như bị “mù” trước một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu tiềm năng, trong bối cảnh căng thẳng quốc tế đang dâng cao do cuộc khủng hoảng Ukraine.
Tờ Kommersant cho biết quyết định trì hoãn vụ phóng do Lực lượng phòng thủ không gian vũ trụ Nga (bên sẽ vận hành các vệ tinh Tundra) và phía nhà sản xuất hệ thống này đưa ra.
Những trục trặc kỹ thuật đã khiến Nga gần như bị “mù” trước một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu (Ảnh minh họa: The Moscow Times).
Khả năng phát hiện các vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Nga đã bị suy yếu đáng kể trong năm qua.
Moscow có 3 vệ tinh OKO-1 còn lại từ thời Liên Xô. Một chiếc trong số này đã gặp trục trặc vào năm ngoái, 2 vệ tinh còn lại chỉ hoạt động được vài giờ mỗi ngày, trước khi ngừng hoàn toàn vào tháng 1 năm nay, do hết tuổi thọ hoạt động.
Tuy nhiên, Kommersant dẫn một nguồn tin giấu tên trong Bộ Quốc phòng Nga cho biết:
Moscow không bị "mù" hoàn toàn trước các vụ phóng tên lửa trong thời gian chuyển tiếp hệ thống vệ tinh cũ sang mới, bởi các hệ thống radar mặt đất cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện các tên lửa hạt nhân đang đến gần.
Theo nguồn tin này, các vệ tinh chỉ đơn thuần giúp tăng tốc độ phát hiện tên lửa.
“Các vệ tinh trong không gian (của hệ thống cảnh báo sớm) cho phép xác định vụ phóng tên lửa của đối phương trước khoảng 1 phút so với các trạm radar mặt đất” – Nguồn tin nói.
Trong khi đó, theo trang mạng Business Insider (Mỹ), không có cách nào xác minh được những tuyên bố này của Nga.
Business Insider cho rằng, những lần trì hoãn liên tiếp trong chương trình "Hệ thống không gian thống nhất Tundra" là một sự xấu hổ đối với chính phủ Nga khi họ đã cam kết sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp công nghệ cao ở nước này.