Mỹ nắm rõ binh lực Quân đội Trung Quốc trong lòng bàn tay?

Bình Nguyên |

Mỹ đang áp dụng một trong những cốt lõi tinh túy nhất của binh pháp Tôn Tử là "Biết người, biết ta trăm trận không nguy" khi theo dõi sát sao sự phát triển của Quân đội Trung Quốc.

Bộ Quốc phòng Mỹ mới đây đã công bố Báo cáo thường niên mang tên "Military and Security Developments Involving the People’s Republic of China 2015" đánh giá tổng quan về sức mạnh quân sự cũng như xu hướng phát triển của Quân đội Trung Quốc. Cụ thể:

Lực lượng pháo binh 2: Tăng sức răn đe

Gọi là pháo binh nhưng thực chất các đơn vị này vận hành toàn bộ lực lượng tên lửa đất đối đất, bao gồm cả hạt nhân và thông thường. Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển một số dòng tên lửa mới bên cạnh việc hiện đại hóa các dòng tên lửa đã có.

Chưa vừa lòng với ít nhất 1.200 tên lửa đường đạn tầm ngắn (SRBM), sức mạnh của lực lượng này được tăng cường khi đưa vào biên chế loại tên lửa đường đạn thế hệ mới CSS-11 (DF-16) có tầm bắn 800 - 1.000 km.

Trung Quốc hiện đang sở hữu khoảng 1.200 tên lửa đất đối đất tầm ngắn

Trung Quốc hiện đang sở hữu khoảng 1.200 tên lửa đất đối đất tầm ngắn

Nó tạo thành cặp đôi "uy lực" cùng với dòng tên lửa đường đạn tầm trung CSS-5 (DF-21), giúp Trung Quốc cải thiện khả năng tiến công không chỉ Đài Loan mà còn cả những mục tiêu khác trong khu vực.

Đặc biệt, phiên bản CSS-5 Mod 5 cải tiến được trang bị đầu đạn tự dẫn, cho phép tiến công các tàu chiến đối phương hoạt động ở Tây Thái Bình Dương từ cự ly tới 1.500 km.

Bên cạnh đó, nước này cũng đẩy mạnh hiện đại hóa lực lượng răn đe hạt nhân bằng việc tăng số lượng tên lửa đường đạn liên lục địa đặt trong giếng phóng và bổ sung thêm các hệ thống cơ động nhằm nâng cao khả năng sống sót cũng như gây bất ngờ cho đối phương.

Trung Quốc hiện có khoảng 50 - 60 tên lửa hạt nhân liên lục địa, trong đó có dòng tên lửa CSS-10 Mod 2 với tầm bắn 11.200 km, đủ sức vươn tới hầu hết các khu vực trong nội địa Mỹ.

Dòng tên lửa đường đạn liên lục địa CSS-X-20 (DF-41) đặt trên bệ phóng cơ động đang được phát triển sẽ có khả năng mang cùng lúc nhiều đầu đạn hạt nhân, được đánh là gần theo kịp trình độ phát triển của các quốc gia hàng đầu thế giới.

Trung Quốc đóng tàu chiến mặt nước với tốc độ cực nhanh

Trung Quốc đóng tàu chiến mặt nước với tốc độ cực nhanh

Hải quân: Tham vọng tác chiến biển xa

Trong vòng 15 năm qua, chương trình hiện đại hóa hải quân đầy tham vọng của Trung Quốc đã tạo ra được những bước tiến đáng kể cả về công nghệ và độ linh hoạt, đưa số lượng lên hơn 300 tàu mặt nước, tàu ngầm, tàu đổ bộ và tàu tuần tra, lớn nhất khu vực châu Á.

Bên cạnh trọng tâm chính là bảo vệ “biển gần”, Hải quân Trung Quốc cũng đang chuyển mình tiến tới “biển xa”, vượt ra bên ngoài chuỗi đảo tiền tiêu với các tàu hải quân đa nhiệm cỡ lớn, đa năng và hiện đại, có khả năng hoạt động xa bờ với sức mạnh phòng thủ tương đối.

Trung Quốc ưu tiên hiện đại hóa lực lượng tàu ngầm và theo kế hoạch, tới năm 2020, Lực lượng này sẽ có trong biên chế khoảng từ 69 cho tới 78 chiếc.

Hiện nay, Hải quân Trung Quốc đang vận hành 5 tàu ngầm tiến công động cơ hạt nhân, 4 tàu ngầm mang tên lửa đường đạn động cơ hạt nhân và 53 tàu ngầm tiến công động cơ diesel - điện.

Kể từ năm 2008, Trung Quốc đã đẩy mạnh chương trình phát triển lực lượng tàu chiến mặt nước, bao gồm tàu khu trục tên lửa và tàu khinh hạm tên lửa. Trong năm 2014, 2 tàu khu trục Type-052C cuối cùng trong loạt 6 chiếc đã được đưa vào biên chế.

Chiếc tàu khu trục tiên tiến đầu tiên thuộc lớp Type-052D cũng mới được đưa vào biên chế. Lớp tàu này được trang bị hệ thống phóng thẳng đứng có khả năng phóng tên lửa diệt hạm, tên lửa hành trình đánh đất, tên lửa phòng không cũng như tên lửa chống ngầm.

Dường như trong năm 2015, tàu khu trục thế hệ mới Type-055 bắt đầu được phát triển. Tàu có lượng choán nước lớn với các tính năng vượt trội, thậm chí nó còn được được đánh giá tương đương các tàu tuần dương tên lửa hơn là tàu khu trục.

Khinh hạm Type-054A với 5 chiếc đang hoàn thiện ở các cấp độ khác nhau và sẽ sớm đưa vào biên chế cùng 17 chiếc đã đóng trước đó.

Những tàu khu trục và khinh hạm mới giúp Hải quân Trung Quốc tăng đáng kể khả năng phòng không khu vực, nhất là trong bối cảnh chúng sẽ thực hiện các nhiệm vụ ở biển xa, nằm ngoài ô phòng không của lực lượng trên lục địa.

Đặc biệt, nhằm tăng cường khả năng tiến công chớp nhoáng, đổ bộ chiếm đảo, 2 hạm đội Đông Hải và Nam Hải được ưu tiên trang bị các loại tàu mặt thiên về khả năng tấn công nhanh, phù hợp với các cuộc xung đột quy mô nhỏ.

Hơn 20 tàu hộ vệ tên lửa lớp Type-056 đã được đưa vào sử dụng, trong khi 11 chiếc khác đã được hạ thủy chỉ riêng trong năm 2014. Trung Quốc dự kiến sẽ đóng hơn 60 tàu loại này nhằm thay thế toàn bộ các tàu tuần tra đã cũ.

Bên cạnh đó, hơn 60 tàu tên lửa tàng hình tiến công nhanh Type-022 cũng đã được đóng để hoạt động ở vùng biển gần.

Lực lượng tàu đổ bộ cũng nhận được sự quan tâm nhất định. Kể từ năm 2005, Trung Quốc đã đóng 3 tàu đổ bộ cỡ lớn lớp Type-071 đủ sức tung phóng sức mạnh "biển xa", có khả năng mang theo một lượng lớn lính thủy đánh bộ và các phương tiện cơ giới hạng nặng.

Sau khi đưa vào biên chế từ năm 2012, Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc mới được đưa vào bảo dưỡng và tiếp tục trở lại hoạt động gần đây. Dù vậy, các chuyên gia đánh giá con tàu này kém xa so với các tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ.

Kể cả khi vận hành hết tính năng chiến đấu, dường như Liêu Ninh chỉ đóng vai trò chính là huấn luyện và phát triển chiến thuật phục vụ cho các tàu sân bay thế hệ mới đang được Trung Quốc phát triển để đưa vào hoạt động trong vòng 15 năm tới.

Tên lửa phòng không tấm xa HQ-9 do Trung Quốc tự phát triển

Tên lửa phòng không tấm xa HQ-9 do Trung Quốc tự phát triển

Không quân và Không quân Hải quân - Bắt kịp thế giới

Không quân Trung Quốc (PLAAF) là lực lượng lớn nhất châu Á và đứng thứ 3 thế giới với hơn 2.800 máy bay các loại, trong đó có 2.100 máy bay chiến đấu, gần đây đã có những bước tiến dài, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với các nước phương Tây cả về lượng và chất.

Các máy bay của họ giờ đây đã có khả năng chỉ huy, cảnh báo, gây nhiễu, tác chiến điện tử, liên kết dữ liệu. Dù có khoảng 600 chiếc được cho là hiện đại và số lượng đang tăng lên từng ngày, nhưng chưa thấm vào đâu so với số máy bay cũ thuộc thế hệ 2 và 3.

Để tăng năng lực của không quân chiến thuật, dường như thỏa thuận mua 24 máy bay tiêm kích đa năng tiên tiến Su-35 trang bị radar mảng pha thụ động Irbis-E cực kỳ hiện đại từ Nga sắp thành công và đưa vào trang bị từ năm 2018.

Dòng máy bay J-10B được đánh giá thực sự là máy bay thế hệ 4+ cũng đang được phát triển và sẽ sớm sản xuất loạt trong vài năm tới.

Trung Quốc trở thành quốc gia tiếp theo sau Mỹ có cùng lúc tới 2 chương trình phát triển máy bay chiến đấu tàng hình. Nhiều chuyên gia nước ngoài được cho là đã giúp sức Trung Quốc trong lĩnh vực này.

Những dòng máy bay mới giúp tăng khả năng răn đe, đủ sức vượt qua các lớp phòng không dày đặc để tiến công các căn cứ và cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng khiến đối phương không kịp trở tay.

Các mẫu thử nghiệm thứ 3 và 4 của dòng máy bay tàng hình J-20 đã lần lượt bay thử lần đầu vào tháng 3 và tháng 7 năm 2014 và mẫu thử thứ 5 có thể sẽ cất cánh vào cuối năm 2015.

Trong vòng 2 năm, kể từ khi mẫu J-20 bay thử lần đầu tháng 1/2011, Trung Quốc đã thử nghiệm dòng máy bay tàng hình tiếp theo là dòng J-31 vào ngày 31/10/2012. Nó được đánh giá là có kích cỡ tương đương dòng F-35 của Mỹ.

Hiện chưa rõ J-31 được phát triển riêng cho Không quân Trung Quốc hay là để xuất khẩu nhằm cạnh tranh với F-35 của Mỹ.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang để mắt tới công nghệ tàng hình nhằm phát triển các dòng máy bay không người lái có khả năng vượt qua các hệ thống phòng không tiên tiến và mang vũ khí tiến công.

Dòng máy bay ném bom H-6 (vốn được phát triển từ dòng Tu-16 của Liên Xô từ cuối thập niên 1950) tiếp tục được hiện đại hóa để tăng hiệu quả hoạt động và sức chiến đấu nhờ khả năng mang các loại vũ khí phóng từ xa.

Bên cạnh việc nhận 3 máy bay tiếp nhiên liệu IL-78 từ Ukraina, H-6 cũng được hoán cải thành máy bay tiếp dầu trên không.

PLAAF cũng có lực lượng tên lửa phòng không tầm xa với quy mô lớn nhất thế giới, kết hợp giữa dòng SA-20 (S-300PMU1/2) từ Nga với dòng CSA-9 (HQ-9) sản xuất trong nước.

Để tăng khả năng phỏng thủ tên lửa, Trung Quốc cũng lên kế hoạch mua các tổ hợp tên lửa phòng không tầm siêu xa và cực hiện đại S-400 Triumf của Nga và có thể dựa vào đó sao chép, phát triển dòng tên lửa phòng không mới có tên CSA-X19 (HQ-19).

Ngoài ra, Trung Quốc còn có nhiều chương trình phát triển vũ khí tiên tiến khác dành cho lục quân như xe tăng, thiết giáp, pháo binh thế hệ mới.

Rõ ràng, nhất cử, nhất động của binh lực Trung Quốc đều được Mỹ theo dõi sát sao, nhằm có phương án kiềm chế và đối phó nhất định.

Đây mới chỉ là báo cáo công khai mà đã cung cấp tương đối đầy đủ, vẽ nên bức tranh toàn cảnh về Quân đội Trung Quốc thì chưa biết những báo cáo "mật" của Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ còn chi tiết đến đâu?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại