Mỹ “đốt” 2,2 tỷ USD vào dự án radar quân sự X-Band

Trần Khánh |

Dự án X-Band Radar (SBX) trị giá 2,2 tỷ USD của Mỹ thất bại ngay từ đầu do thiếu những phân tích và tính toán cụ thể.

Thông tin trên được tờ Los Angeles Times đưa ra ngày 5/4 và nhấn mạnh, không chỉ thiệt hại nghiêm trọng về mặt kinh tế vì chi phí “trên trời”, việc thất bại của dự án này có thể đe dọa đến an ninh của Mỹ.

Theo RT, SBX được Cơ quan Phòng vệ Tên lửa Mỹ (MDA) “tung hô” là có khả năng trở thành loại radar mạnh nhất trên toàn thế giới.

Trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ vào tháng 4/2007 Cựu Giám đốc MDA Henry A. Obering III từng tuyên bố:

“Nếu chúng ta đặt hệ thống SBX trên vịnh Chesapeake, chúng ta hoàn toàn có thể tìm kiếm và theo dõi những vật thể có kích thước chỉ bằng một quả bóng chày trên khắp San Francisco”.

Mặc dù vậy, theo Los Angeles Times, dự án SBX là thất bại thảm hại với chi phí bị đẩy lên cao chót vót.

Los Angeles Times tiết lộ chi phí của dự án lên đến 2,2 tỷ USD và dự án này thất bại bởi Mỹ đã quá nôn nóng không thực hiện thử nghiệm đầy đủ.

Hệ thống SBX- dự tính đi vào hoạt động vào năm 2005, giờ nằm đắp chiếu tại Trân Châu Cảng ở Hawaii.

Trước đó, hệ thống radar nổi trên biển SBX được thiết kế để phát hiện và theo dõi các loại tên lửa từ trên không trung và có khả năng dẫn đường các loại tên lửa đánh chặn các quả tên lửa đó.

Hệ thống SBX còn được trang bị tính năng hiện đại có thể giúp phân biệt tên lửa thật và tên lửa giả.

Tuy nhiên, hệ thống SBX thực sự có vấn đề khi mà góc quan sát của nó quá hẹp (chỉ 25 độ) so với từ 90-120 độ của các loại radar truyền thống, chính vì thế, hệ thống SBX được cho là không đáng tin cậy nếu phải theo dõi một loạt các tên lửa tấn công từ nhiều góc độ khác nhau cùng một lúc.

Dù radar này có khả năng “soi rõ” các vật thể ở rất xa, tầm quan sát của nó lại quá hẹp nên hầu như không mấy tác dụng khi đối phó với đòn tấn công rất dễ xảy ra là phóng một loạt các tên lửa thật xen tên lửa giả.

Một “sai lầm chết người” nữa của nhóm thiết kế hệ thống SBX là việc họ “quên rằng” trái đất hình cầu.

Chính vì thế, SBX không thể phát hiện ra một vật thể có kích thước một quả bóng chày cách SBX khoảng 4.000km trừ khi vật thể này di chuyển ở độ cao khoảng 1.400km, tức là cao hơn tới 321km so với độ cao thông thường của một tên lửa nếu nó được bắn tới Mỹ.

“Xét theo tính khả dụng trong việc loại trừ các mối đe dọa đến từ các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) thì khả năng phát hiện vật thể có kích cỡ bằng một quả bóng chày của SBX là hoàn toàn vô dụng”, ông Wendell Mead, từng làm việc cho Học viện Khoa học Quốc gia Mỹ cho biết.

Ông David Barton, một nhà vật lý và kỹ sư radar cũng nhấn mạnh đến việc SBX không thể theo dõi các loại tên lửa và khẳng định, SBX là một hệ thống radar vô dụng bởi các hệ thống radar thông thường cần phải theo dõi một tên lửa “từ đầu tới cuối” mới có thể giúp các tên lửa đánh chặn hạ được mục tiêu, điều mà SBX không làm được.

Không chỉ có vậy, nhiều báo cáo của Ban điều hành Định lượng và Thử nghiệm Hoạt động (OTEO) của Lầu Năm Góc, cho thấy, SBX không có hiệu quả thực sự.

Một báo cáo về cuộc thử nghiệm SBX năm 2007 nêu rõ: “SBX có những hành vi bất thường đòi hỏi phải điều chỉnh lại phần mềm”.

Ba năm sau, năm 2010, OTEO cũng báo cáo “kết quả thử nghiệm SBX cho thấy hệ thống này không đạt được kết quả như mong đợi và không thể giúp hỗ trợ đánh chặn được các tên lửa tấn công”.

Nhiều chuyên gia đã chỉ trích việc MDA chi quá nhiều tiền vào các dự án này và khẳng định, số tiền trên cần phải chi vào việc phát triển các hệ thống radar mặt đất có khả năng phát hiện và hỗ trợ đánh chặn các loại tên lửa tầm xa tốt hơn SBX.

Ông Mike Corbett, cựu Đại tá Không quân Mỹ, người từng chịu trách nhiệm giám sát việc đấu thầu phát triển và chế tạo các loại vũ khí của Mỹ từ năm 2006-2000 nhấn mạnh:

“MDA có thể chi cả núi tiền mà không đạt được một kết quả cụ thể nào”.

Tuy nhiên, thất bại của dự án SBX chỉ là “phần nổi của một tảng băng trôi”.

Dự án SBX là một trong 4 dự án bị MDA đình lại và khiến MDA không khỏi mất mặt vì các dự án này “đốt” tới 10 tỷ USD tiền thuế của người dân Mỹ.

Một nỗi hổ thẹn nữa của MDA chính là hệ thống laser không vận mà MDA cũng đã đình lại vào năm 2012, đúng 10 năm sau khi hệ thống này được phát triển.

Theo đó, dự án này sẽ lắp lên các máy bay Boeing 747 các thiết bị laser nhằm bắn hạ các tên lửa tấn công ngay khi được phóng lên.

Tuy nhiên, vấn đề chính đối với hệ thống trị giá tới 5,3 tỷ USD là tầm bắn của tia laser là rất ngắn, đồng nghĩa với việc máy bay Boeing 747 sẽ phải tiếp cận rất gần nơi tên lửa được phóng đi.

Điều này có nghĩa là các máy bay này sẽ trở thành “mồi ngon” cho các hệ thống phòng không của địch.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại