Mỹ có "ngại" máy bay ném bom tàng hình mới của Nga?

Huỳnh Linh |

Nga đang phát triển máy bay ném bom chiến lược PAK-DA - một phần của dự án hiện đại hóa quân sự hậu Xô Viết, nhưng với giá dầu giảm mạnh như hiện nay, liệu họ có đủ khả năng tiếp tục dự án này?

Hiện vẫn còn rất ít thông tin cụ thể về máy bay ném bom mới của Nga, nhưng một máy bay tấn công tàng hình tầm xa có giá không hề rẻ.

Dự án bí mật Máy bay ném bom tầm xa (LRS-B) mới của Lầu Năm Góc đang tập trung phát triển một loại máy bay khoảng 550 triệu USD mỗi chiếc. Chi phí cho các máy bay của Mỹ có thể lên tới 50 tỷ USD.

Máy bay ném bom tầm xa (LRS-B) mới của Lầu Năm Góc.

PAK-DA của Nga không có vẻ sẽ đắt đến mức đó, nhưng vẫn sẽ tốn hàng chục tỷ USD trong khi nước Nga bây giờ đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kéo dài do nền kinh tế chủ yếu dựa vào tài nguyên thiên nhiên.

Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra về việc liệu Nga có thể hoàn tất dự án phát triển PAK-DA?

Tuy nhiên, Văn phòng thiết kế Tupolev (công ty hàng không và quốc phòng Nga) có vẻ đang tích cực đẩy mạnh phát triển loại máy bay mới này.

Mikhail Pogosyan, Chủ tịch Tập đoàn chế tạo máy bay thống nhất (UAC) cho biết họ đã cùng với Văn phòng Tupolev bắt đầu phát triển nghiêm túc dự án PAK-DA từ đầu năm 2014.

Ông Pogosyan nói rằng thiết kế sơ bộ của máy bay đã hoàn thành tháng 4/2014 và cũng đã sản xuất một số bộ phận.

PAK-DA được mong đợi sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên năm 2019 và hoàn tất thử nghiệm vận hành năm 2023, dẫn trước LRS-B của Không quân Mỹ một bước - dự kiến hoạt động khoảng giữa những năm 2020.

PAK-DA được hy vọng sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên năm 2019.

PAK-DA dự kiến sẽ hoạt động thực sự năm 2025, theo các thông báo trước đó của Thiếu tướng Anatoly Zhikharev, sĩ quan chỉ huy của hạm đội hàng không tầm xa của Lực lượng Không quân Nga.

Để PAK-DA có thể hoạt động sớm nhất có thể, Nga đang lắp phiên bản cải tiến của động cơ Kuznetsov NK-32 hiện đại dùng cho máy bay ném bom chiến lược siêu âm Blackjack Tupolev Tu-160 vào loại máy bay mới này.

Chọn lựa động cơ có lẽ là quyết định quan trọng nhất đối với các kỹ sư khi phát triển một máy bay mới. Có thể đối thủ LRS-B cũng đang phải đứng trước quyết định tương tự về việc lựa chọn động cơ phù hợp cho các mẫu thiết kế ném bom của mình.

Ban đầu, người ta định dùng động cơ Saturn AL-41F cho PAK-DA. Loại này từng có một phiên bản khác được dùng cho máy bay chiến đấu tàng hình Sukhoi T-50 PAK-FA thế hệ 5.

Tuy nhiên sau đó, họ đã gặp nhiều rắc rối với phiên bản AL-41 trong quá trình phát triển nên các kỹ sư của Tupolev phải đổi sang loại NK-32.

Cũng như đối thủ LRS-B của Mỹ, PAK-DA mới hé lộ rất ít thông tin cụ thể.

Đây là một máy bay ném bom kiểu mới - tàng hình và có tốc độ cận siêu âm. PAK-DA cũng giảm thiểu tối đa khả năng bị phát hiện - chủ yếu để tránh tần số radar thấp hoạt động ở các dải sóng tần số siêu cao và rất cao.

Nhưng cũng có nhiều câu hỏi đặt ra về việc liệu có thể sản xuất một máy bay tàng hình cho dù họ có thể thiết kế ra nó? Máy bay tàng hình đòi hỏi mức độ chính xác trong sản xuất mà cả Nga hay Liên Xô đều chưa thể làm được trước kia.

Mặt cắt thiết kế phần cánh các mẫu máy bay ném bom của Nga: T-60C (1984), ob. 54C (1994), PAK-DA (2016), Tu-22 (1959), Tu-22M (1970) và Tu-160 (1981).

PAK-DA là một bước đột phá so với các mẫu ném bom cũ của Tupolev như Tu-22M Backfire và Tu-160 - đều dựa trên tốc độ siêu âm cao.

PAK-DA cũng không phải là một máy bay loại nhỏ: tổng trọng lượng cất cánh tối đa khoảng 125 tấn, tương đương kích cỡ của một chiếc Boeing 757.

Theo tờ Russia & India Report, Không quân Nga cần máy bay phải đạt phạm vi khoảng 12.500 km và chở được 30 tấn vũ khí.

Dù đây có thể sẽ là loại máy bay rất khó quan sát giống máy bay chiến đấu thế hệ mới của Nga là PAK-FA, nhưng nó cũng không hoàn toàn chỉ dựa vào khả năng tàng hình.

Tàng hình có thể chỉ là một trong số nhiều ưu điểm của PAK-DA. Chiếc máy bay này được phát triển với hệ thống tác chiến điện tử và các thiết bị gây nhiễu sóng gần như tuyệt hảo.

Hơn nữa, PAK-DA cũng có cả tên lửa hạt nhân tầm xa và tên lửa hành trình thông thường. Nga cũng đầu tư cho loại máy bay này các tên lửa hành trình siêu thanh.

Như vậy, Không quân sẽ không cần đưa máy bay tiến sâu vào không phận địch mà chỉ cần đạt đủ gần để phóng tên lửa.

Tóm lại, tuy chưa rõ liệu Nga có thể hoàn thành phát triển PAK-DA hay không nhưng không thể đánh giá thấp một đất nước dù sau nhiều lộn xộn do Liên Xô sụp đổ vẫn có thể xây dựng được những vũ khí hiện đại nhất.

Nếu PAK-DA thực sự được triển khai, chắc chắn đây sẽ là một mối đe dọa nghiêm trọng, và đặc biệt hơn nữa nếu nó được sản xuất với số lượng lớn.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại