Ra đời từ chương trình PSR
Barrett được biết đến là một công ty có cách tiếp cận sáng tạo trong việc chế tạo súng bắn tỉa. Sản phẩm đầu tiên của họ, khẩu súng bắn tỉa cỡ nòng 12,7 mm M82 là một tiêu biểu cho nhận định này.
Quân đội Thụy điển mua 100 khẩu M82A1 vào năm 1989. Sau đó, quân đội Mỹ đã mua số lượng lớn loại súng này để đưa vào sử dụng trong các chiến dịch Desert Shield và Desert Storm ở Kuwait và Iraq.
Sự thành công của khẩu M82 cho phép Barrett mở rộng dòng sản phẩm của mình bao gồm cả súng trường tấn công phong cách AR và các súng bắn tỉa cơ chế bolt-action khác.
Tuy nhiên, công ty không chỉ nổi tiếng với các súng sử dụng cỡ đạn lớn như M82 hay M98 mà họ còn được biết đến với một khẩu súng trường kết hợp giữa tính cơ động và uy lực có tên gọi MRAD.
Khẩu súng này được Barrett chế tạo tương thích với cỡ đạn .338 Lapua Magnum để đáp ứng yêu cầu của Trung tâm chỉ huy hoạt động đặc biệt của Mỹ (USSOCOM) về một loại súng bắn tỉa mới.
Chương trình này có tên gọi PSR (Precision Sniper Rifle - Súng bắn tỉa có độ chính xác cao), mục đích tìm kiếm một khẩu súng bắn tỉa module mới, sử dụng đa cỡ đạn xoay quanh loại đạn chính là .338 Lapua Magnum.
Tuy nhiên, USSOCOM cũng quan tâm đến việc sử dụng các cỡ đạn nhỏ hơn như 7,62 mm NATO hay .300 Winchester Magnum để phù hợp cho các nhiệm vụ khác nhau.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà MRAD đã không giành chiến thắng trong chương trình PSR. Kẻ thắng cuộc không ai khác, chính là khẩu súng bắn tỉa MSR với tính năng tương tự từ công ty cạnh tranh Remington.
Đại diện “nhỏ con” của Barrett
MRAD là đại diện tiêu biểu cho công nghệ cắt cạnh của súng trường kết hợp với nhiều cải tiến đáng kể, và thời gian đã chứng minh đây là một trong những khẩu súng bắn tỉa có độ chính xác cực cao. Ngoài tính năng ưu việt, MRAD còn là một khẩu súng có thiết kế cân đối, đề cao tính thẩm mỹ.
Giống như nền tảng các khẩu súng AR, thiết kế chính của MRAD bao gồm phần “thượng” và “hạ”. Phần “thượng” phía trên là một đường ray Picatinny nguyên khối với một thùng gắn tự do bên trong để tăng độ chính xác.
Như đã đề cập, MRAD có thể thay đổi cỡ nòng nhanh chóng để sử dụng nhiều loại đạn như 7,62 mm NATO và .300 Winchester Magnum.
Jeff Burch, giám đốc kinh doanh của Barrett đã chứng minh khả năng thay đổi nòng và khóa nòng cực kỳ nhanh chóng và đơn giản trên MRAD với sự hỗ trợ của vài phụ kiện có thể mang theo trong túi. Barrett MRAD được thử nghiệm với nhiều loại đạn để có được độ tin cậy như nhau khi bắn các cỡ đạn khác biệt.
Khi bắn đạn 7,62 mm NATO/ .308 Winchester súng dùng nòng dài 17 inch, tỉ lệ xoắn 1:10 cùng hộp tiếp đạn 10 viên. Đối với đạn .300 Winchester Magnum, súng dùng nòng 24 inch và hộp tiếp đạn 10 viên hoặc trang bị nòng dài 24,5 inch khi bắn đạn .338 Lapua Magnum
Tổng khối lượng của súng (phiên bản nặng nhất) chỉ là 6,7 kg, quá nhẹ so với một khẩu súng bắn tỉa 12,7 mm.
Báng súng được làm bằng nhôm, sơn cùng màu với thân súng và có khả năng gập về bên phải để tiết kiệm không gian.
Theo đánh giá, báng của MRAD rất nhẹ và khả năng tinh chỉnh cao, giúp xạ thủ cảm thấy thoải mái khi bắn. Báng súng cũng có một đường ray nhỏ bên dưới để lắp các loại chân chống chữ I, giúp súng đứng vững hơn trên mặt đất.
Khóa nòng của MRAD bọc trong lớp khung polymer cao phân tử vô cùng chắc chắn, được bôi trơn giúp xạ thủ có thể lên đạn nhanh chóng và ít tốn sức. Tay nắm chính và khóa an toàn của súng khá quen thuộc, có thể tìm thấy dễ dàng trên các khẩu súng AR. Cò súng sẽ khai hỏa với lực kéo tối thiểu 1,36 kg.
Và hiển nhiên, phụ kiện là thứ không thể thiếu trên một khẩu súng bắn tỉa như MRAD. Súng có thể trang bị nhiều loại ống ngắm ban ngày lẫn ban đêm khác nhau để phù hợp tối đa với điều kiện chiến đấu.
Thông thường, MRAD sẽ sử dụng ống ngắm Schmidt & Bender PM II 5-25x56mm với ô kẻ kiểu H2 CMR, được gắn trên súng thông qua hệ thống vòng AWP. Ngoài ra, súng có thể tương thích với các phụ kiện khác như chân chống chữ V hay ống giảm thanh.
Uy lực mạnh và độ chính xác cao
Như đã nói, thiết kế đa cỡ nòng chính là một ưu điểm của MRAD. Trên thực tế, loại đạn cực mạnh .338 Lapua Magnum không thể hiện được nhiều với mục tiêu trong khoảng cách 600 m. Thay vào đó, cỡ đạn nhỏ 7,62 mm NATO là một lựa chọn kinh tế hơn.
Tuy nhiên, khi ra ngoài khoảng cách 600 m thì loại đạn .300 Winchester Magnum hay .338 Lapua Magnum mới thể hiện được khả năng thực sự của mình.
Như đã biết, đạn Magnum luôn là lựa chọn khôn ngoan trong các nhiệm vụ cân bằng giữa tính cơ động và uy lực của loại đạn 7,62 mm thông thường và 12,7 mm. Tầm hiệu quả của đạn .338 lên tới 1.500 m với sơ tốc đầu đạn từ 800 đến hơn 1.000 m/s.
Hơn nữa, độ giật của loại đạn .338 giảm đi rất nhiều so với so với đạn 12,7 mm thông thường. Vì vậy theo lý thuyết, MRAD sẽ có độ chính xác cao hơn, đồng thời giúp xạ thủ kiểm soát khẩu súng của mình tốt hơn.
Qua thử nghiệm ở khoảng cách 100 yard (91,5 m) với 5 phát bắn, độ lệch tối đa của viên đạn là 1,004 inch. Với khoảng cách 300 m, MRAD thực sự tỏa sáng khi súng chỉ có độ lệch 1,59 inch với 3 phát bắn.
Khi sử dụng đạn 7,62 mm NATO, súng cũng cho độ chính xác cực cao với độ lệch từ 0,340 inch đến 0,608 inch tùy thuộc vào loại đạn sử dụng.
MRAD xứng đáng là một trong những súng bắn tỉa cỡ nhỏ hàng đầu hiện nay với độ chính xác cực cao, sự cân bằng giữa uy lực và tính cơ động, đặc biệt là khả năng thay đổi cỡ nòng nhanh chóng.
Tuy nhiên, đáng tiếc là MRAD lại thiếu “may mắn” khi để chiến thắng trong chương trình PSR rơi vào tay đối thủ MSR của Remington.