MiG-15 hạ bệ "sát thủ bóng đêm" Mỹ với chiến thuật gài bẫy

Nhật Huy |

Mặc dù từng bắn rơi MiG-15 một cách khá ngoạn mục nhưng F3D Skynight cũng có lần trở thành mục tiêu bị săn đuổi và hạ gục.

Phần 1: "Sát thủ bóng đêm" biến MiG-15 Triều Tiên thành cầu lửa

Chiến thuật gài bẫy

Theo tạp chí Air & Space, F3D Skynight thực hiện tốt nhiệm vụ của mình đến mức chính bản thân chúng cũng trở thành mục tiêu bị săn đuổi.

Một trong những phi công F3D, đại úy hải quân G.G. O’Rourke, thuật lại trong cuốn hồi ký của mình về chiến thuật mà MiG-15 sử dụng để bẫy những chiếc F3D.

Một phi đội 4 chiếc MiG-15 được đài radar mặt đất dẫn đường. Khi phát hiện F3D, đài radar sẽ hướng dẫn 1 chiếc MiG-15 bay ngay phía trước chiếc F3D và cố ý để radar của F3D phát hiện.

Bay ngay phía sau chiếc MiG-15 đầu tiên và ở độ cao thấp hơn là 3 chiếc MiG-15 còn lại của phi đội.

Trong lúc chiếc F3D đang mải truy đuổi chiếc MiG-15 đầu tiên, 3 chiếc này sẽ tăng độ cao và bám đuôi con mồi của mình.

MiG-15 có khả năng tăng độ cao rất đáng nể và nếu phi hành đoàn chiếc F3D không chú ý đến tín hiệu từ radar đuôi của mình thì nguy cơ bị trúng đạn từ phía sau là rất cao.


Nạp đạn cho máy bay F3D.

Nạp đạn cho máy bay F3D.

Bản thân máy bay của O’Rourke cũng suýt trở thành nạn nhân của chiến thuật này vào một đêm không trăng tháng 7/1953 khi ông đang thực hiện một phi vụ hộ tống B-29 nhưng may mắn là radar ở đuôi máy bay đã kịp cảnh báo.

“Chúng tôi cứ liên tục vờn nhau như những võ sĩ bị bịt mắt, đôi lúc thoáng thấy mục tiêu và đôi lúc lại bị bám đuôi…”, O’Rourke kể lại. Những chiếc MiG rất kiên trì, chỉ đến khi gần cạn nhiên liệu thì họ mới rời đi.

O’Rourke tin chắc rằng chiến thuật này là nguyên nhân khiến khiến một chiếc Skynight bị bắn rơi đêm ngày 2/7/1953.

Đại úy hải quân Bob Bick, người lái chiếc Skynight đêm đó, báo cáo đang truy đuổi một mục tiêu ở phía trước và sau đó báo lại bị trúng 1 loạt đạn 37 mm, cỡ đạn của MiG-15, trước khi mất liên lạc.

Truy lùng Polikarpov PO-2

Radar AN/APQ-35 do hãng Westinghouse chế tạo cho F3D là loại radar được trang bị trên chiến đấu cơ hiện đại nhất khi đó. Nó cho phép F3D vừa khóa một mục tiêu đồng thời vẫn tiếp tục truy tìm mục tiêu khác.

Eugene “Mule” Holmberg, một kỹ thuật viên radar trên F3D khi đó, cho biết ông cũng rất thích buồng lái rộng rãi của chiếc máy bay, cho phép một người cao lớn như ông cũng cảm thấy rất thoải mái.

Nó thật sự là một chiến đấu cơ siêu việt về đêm”, Holmberg nói.


Một chiếc Po-2 tại bảo tàng Dresden, Đức

Một chiếc Po-2 tại bảo tàng Dresden, Đức

Một trong những thách thức lớn nhất cho F3D là truy lùng những chiếc Polikarpov PO-2, một mẫu máy bay 2 tầng cánh cỡ nhỏ.

Chúng được dùng cho những phi vụ tấn công ban đêm nhằm vào các mục tiêu mặt đất với mức độ hiệu quả cao đến không ngờ. Bay chậm và thấp, chúng rất khó bị phát hiện và càng khó bị bắn hạ hơn.

Polikarpov có thiết kế rất thô sơ, với 2 chỗ ngồi. Phi công chính và phi công phụ ngồi sau ném những quả đạn cối ra ngoài khi đang bay ngang mục tiêu.

Một kho đạn của quân Mỹ từng bốc cháy suốt 3 ngày đêm vì kiểu tấn công đơn giản này. Radar trên máy bay của Holmberg từng phát hiện một chiếc Polikarpov và khóa được mục tiêu.

Tuy nhiên, sau khi bay ngang mục tiêu đến lần thứ 10 và suýt va chạm với nó, phi công của Holmberg vẫn không khai hỏa vì lo ngại sẽ bắn trúng đồng đội ở mặt đất.

Trong một trường hợp khác, phi hành đoàn của một chiếc F-94B Starfire thiệt mạng khi máy bay của họ va chạm với chiếc Polikarpov sau 3 lần cố gắng khai hỏa vào mục tiêu có tốc độ rất chậm này.

Mãi đến ngày 10/12/1952, F3D mới bắn hạ được chiếc Polikarpov đầu tiên, hoàn toàn nhờ radar dẫn bắn.

Trong chiến tranh Việt Nam

Sau chiến tranh Triều Tiên, Thủy quân lục chiến Mỹ chuyển đổi 35 chiếc F3D thành máy bay tác chiến điện tử.

Chúng được dùng để theo dõi sự bố trí của các radar phòng không Liên Xô đặt tại Cuba trong suốt thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng tên lửa hạt nhân. Sau đó, những máy bay này được đổi tên thành EF-10B.

Trong chiến tranh Việt Nam, EF-10B là một trong số ít những phương tiện có thể xác định vị trí và gây nhiễu các radar phòng không.


Phiên bản EF-10B Skyknight.

Phiên bản EF-10B Skyknight.

Một cựu phi công EF-10B cho biết “Các phi đội cường kích sẽ không xuất phát nếu không có chúng tôi hỗ trợ.” Tuy vậy, bản thân EF-10B đôi lúc cũng không thể thoát khỏi lưới lửa phòng không trên vùng trời miền Bắc Việt Nam.

Wayne Whitten, người đã bay 175 phi vụ tại Việt Nam trong vai trò kỹ thuật viên tác chiến điện tử trên EF-10B, kể lại một sự kiện ngày 18/3/1966.

Khi đang hộ tống một nhóm F-105 thì bất ngờ 1 tên lửa phòng không bắn trúng 1 chiếc EF-10B khác trong phi đội của ông, tạo thành một quả cầu lửa lớn.

Chỉ trong chớp mắt, chiếc máy bay biến mất, không có dù nhảy ra”, Whitten cho biết. Không lâu sau đó, máy bay của Whitten lại trở thành mục tiêu của pháo cao xạ.

May mắn cho Whitten là một chiếc F-4 Phantom II gần đó nhìn thấy đạn pháo cao xạ đang áp sát chiếc EF-10B từ phía sau và kịp cảnh báo. Chiếc EF-10B ngoặt gấp, hướng thiết bị gây nhiễu về phía radar pháo cao xạ và thoát đi an toàn.

Vì động cơ yếu, và để giảm trọng lượng, EF-10B không được trang bị ghế phóng thoát hiểm. Thay vào đó, phi hành đoàn phải lần lượt thoát qua một cửa sập ở bụng máy bay. Kỹ thuật viên radar sẽ thoát ra trước, sau đó là phi công.

EF-10B dần bị thay thế bởi EA-6 Intruder và ngừng hoạt động kể từ tháng 10/1969. Tổng cộng chỉ có 268 chiếc F3D được sản xuất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại