Điểm đáng chú ý đầu tiên là truyền thông nước này đưa tin, trong cuộc tập trận, Hải quân Trung Quốc đã tiến hành rải các thiết bị thu âm thanh dưới nước thuộc hệ thống giám sát tàu ngầm dưới đáy biển, trong kế hoạch xây dựng “bức tường thành chống tàu ngầm Mỹ”.
Vấn đề rất nóng này gây sự chú ý rất lớn cho truyền thông thế giới và khu vực, nó đã che khuất một vấn đề rất đáng quan tâm là cuộc tập trận này có sự tham dự của Pháo binh số 2. Vậy lực lượng này thao luyện những khoa mục gì trên biển Đông?
Diễn tập quân sự cực lớn, nhiều khoa mục
Theo báo Quân giải phóng của Trung Quốc, cuộc tập trận này có quy mô rất lớn với sự tham gia của hơn 100 chiến hạm mặt nước và tàu ngầm.
Ngoài lực lượng của Hạm đội Nam Hải, còn có sự phối thuộc của 2 hạm đội khác là Đông Hải và Bắc Hải, cùng với sự tham gia của hàng chục máy bay hải quân các loại.
Cuộc tập trận có sự góp mặt của binh chủng thông tin liên lạc, lực lượng tác chiến điện tử của Quân khu Quảng Châu và vài tiểu đoàn tên lửa của lực lượng Pháo binh số 2 (lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc).
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Trương Quân Xã cho biết, cuộc tập trận lần này có một số đặc điểm lớn như sau: Khu vực tập trận lớn chưa từng có, bao gồm cả trên không, trên biển và trên đất liền, đồng thời binh lực huy động cũng lớn nhất từ trước đến nay.
Theo ông này, cuộc tập trận đã huy động số lượng trang bị cực lớn với hơn 100 chiến hạm, hàng chục máy bay chiến đấu, có thực hành phóng vài chục quả tên lửa và ngư lôi thật (khác với việc phóng tên lửa không đầu đạn) và lượng rất lớn các loại đạn dược khác.
Cuộc tập trận này có quy mô ngang với hạm đội Hải quân Anh đã sử dụng để đối phó với Argentina trong chiến giành quần đảo Falkland/Malvinas, có thể sánh được với một cuộc chiến tranh cục bộ quy mô trung bình.
Theo giới truyền thông nước này, cuộc tập trận bao gồm rất nhiều khoa mục, đầu tiên phải kể đến là kịch bản một cuộc đổ bộ lập thể rất lớn của các lực lượng tác chiến hỗn hợp trong binh chủng Hải quân đánh bộ Trung Quốc.
Đây là phương thức đổ bộ liên hợp từ tàu đổ bộ cỡ lớn, máy bay vận tải cánh cố định và trực thăng vận tải, cùng các phương tiện vượt sóng cao tốc như tàu đổ bộ đệm khí.
Đây cũng là lần đầu tiên tàu đổ bộ đệm khí lớn nhất thế giới Zubr của Hải quân Trung Quốc công khai xuất hiện trong một cuộc tập trận.
Ngoài ra, với sự có mặt của tàu ngầm thông thường, Hải quân Trung Quốc cũng luyện tập khả năng phối hợp tác chiến chống ngầm giữa tàu ngầm và tàu mặt nước, cùng với hệ thống giám sát âm thanh tàu ngầm dưới đáy biển đã nói ở phần trên.
Chuyên gia Trương Quân Xã còn nhấn mạnh, cuộc tập trận này được tổ chức với bối cảnh thực chiến như chiến trường bị gây nhiễu nặng khiến việc chỉ huy, thông tin liên lạc bị gián đoạn. Điều này sẽ giúp các lực lượng tham gia phát huy khả năng độc lập, sáng tạo trong tác chiến.
Ví dụ, không quân hải quân sẽ tham gia tập luyện một khoa mục mới và rất khó là phát hiện và đánh chặn mục tiêu trên không có vận tốc nhanh, độ cao bay thấp, bao gồm máy bay tiêm kích đánh biển, tên lửa hành trình chống hạm...
Trong điều kiện mục tiêu bay rất thấp, radar trên máy bay sẽ chịu ảnh hưởng lớn của điều kiện phức tạp (sóng gió, độ cong của bề mặt biển…), làm giảm cự ly phát hiện mục tiêu, đặc biệt là đối với tên lửa chống hạm có tiết diện phản xạ radar nhỏ, dẫn đến rất khó đánh chặn.
Từ trước đến nay, việc đánh chặn tên lửa thường dựa vào hệ thống pháo và tên lửa phòng không tầm gần. Tuy nhiên, các tên lửa chống hạm siêu âm thường bay với vận tốc Mach 2 - 3 ở giai đoạn cuối, khiến đối phương có rất ít cơ hội sửa sai.
Điều này đòi hỏi cần có một phương tiện tác chiến có khả năng phát hiện và đánh chặn mục tiêu xa hơn. Trong bối cảnh chiến trường bị đối phương chế áp điện tử, các loại radar trên chiến hạm bị “mù”, vai trò của máy bay chiến đấu sẽ ngày càng quan trọng hơn.
Lực lượng Pháo binh số 2 tham dự tập trận với mục đích gì?
Vấn đề đáng quan tâm nhất trong cuộc tập trận lấy hải quân làm chủ đạo này là sự góp mặt của vài tiểu đoàn phóng của lực lượng Pháo binh số 2 Trung Quốc.
Đây là điều bất thường không chỉ đối với các cuộc tập trận của Quân đội Trung Quốc mà còn cả với các quốc gia khác. Vậy lực lượng này tham dự với mục đích gì?
Pháo binh số 2 (tên lửa chiến lược) của Trung Quốc là lực lượng quản lý và sử dụng các tên lửa chiến lược (tên lửa đạn đạo liên lục địa) và các tên lửa đạn đạo chiến dịch, chiến thuật khác, cùng với các loại tên lửa hành trình có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Ông Trương Quân Xã cho rằng, từ những hình ảnh và video thu được, có thể nhận thấy binh chủng này đã tham dự với các tên lửa đạn đạo chiến dịch và chiến thuật, mục đích giả định một cuộc tấn công của đối phương vào Trung Quốc hoặc thực hiện đòn tấn công phủ đầu.
Các cuộc chiến tranh cục bộ gần đây cho thấy, vũ khí tấn công chính xác tầm xa chủ yếu được sử dụng trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, để tấn công phá hủy trung tâm chỉ huy, trận địa radar, trận địa tên lửa phòng không và các sân bay, dọn đường cho không quân oanh kích.
Vị chuyên gia này nhận định, việc lực lượng Pháo binh số 2 liên hợp tác chiến với hải quân có 3 tư tưởng chính được đưa ra.
Thứ nhất là thực hành khoa mục giả định tấn công mặt đất vào những mục tiêu then chốt của địch, mở đường cho lực lượng không quân của hải quân tiếp tục oanh kích rộng rãi các mục tiêu khác.
Nếu Trung Quốc thực hành khoa mục này, việc sử dụng các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tiêm kích hạm có phạm vi tác chiến gầnn cho thấy, đây là tư tưởng của Trung Quốc nhằm tấn công một nước hay vùng lãnh thổ có vị trí địa lý không xa Đại Lục, chẳng hạn như Đài Loan.
Thứ hai, theo tiết lộ của giới quân sự Bắc Kinh, hải quân nước này đã thực hành nhiệm vụ “chiếm đoạt quyền kiểm soát trên biển”. Do đó, rất có khả năng lực lượng tên lửa chiến lược sẽ thực hiện nhiệm vụ tấn công các chiến hạm mặt nước của đối phương.
Thông thường, việc sử dụng tên lửa đạn đạo chống hạm là để tấn công vào các tàu mặt nước cỡ lớn của địch như tàu sân bay, tàu đổ bộ hạng nặng hay các tuần dương hạm cỡ vạn tấn trở lên.
Ngoài ra, lực lượng Pháo binh số 2 còn một vũ khí khác là tên lửa hành trình tầm xa, mà chúng có thể dễ dàng hoán cải thành tên lửa chống hạm, tương tự như tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ cũng có phiên bản chống hạm phóng từ mặt đất.
Do đó, rất có thể Trung Quốc đã sử dụng tên lửa đạn đạo chống tàu sân bay Đông Phong 21D (DF-21D) và tên lửa hành trình Đông Hải 10 (DH-10) - phiên bản hải quân của tên lửa hành trình CJ-10 trên máy bay ném bom H-6, nhằm thực hành tấn công tàu sân bay Mỹ.
Vị chuyên gia Trung Quốc còn đưa ra phương án thứ ba là trong cuộc tập trận này có khoa mục thao luyện hệ thống phòng thủ tên lửa.
Nếu như vậy, rất có khả năng là lực lượng này sẽ phóng các tên lửa mục tiêu để chiến hạm Trung Quốc tập đánh chặn tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa hành trình tầm xa.
Với ý định luyện tập thứ ba này, Trung Quốc cũng đang thao luyện khả năng chống lại một đối thủ có tiềm lực tấn công phủ đầu rất mạnh, ví dụ như Hải quân Mỹ.