Ngày 15-3, một năm sau sự kiện bán đảo Crưm gia nhập Liên bang Nga theo kết quả trưng cầu dân ý, kênh truyền hình Russia-1 của Nga đã trình chiếu bộ phim tài liệu "Crưm: Đường về tổ quốc”.
Điểm gây chú ý của bộ phim này là lần đầu tiên, tổng thống Putin đề cập tới vai trò quan trọng của lực lượng đặc nhiệm (Spetsnaz) GRU (Tổng cục Tình báo-Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nga) trong chiến dịch sáp nhập Crưm cách đây một năm...
GRU - Lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ nhất thế giới
Theo trang web spetsnaz-gru.com, lực lượng đặc nhiệm GRU được thành lập vào năm 1949. Đây là lực lượng đặc nhiệm lâu đời nhất ở Nga và cũng là một trong những lực lượng đặc biệt tinh nhuệ nhất thế giới.
Spetsnaz GRU có nhiệm vụ trinh sát, phát hiện và phá hoại các cơ sở quan trọng ở hậu phương địch, diệt trừ biệt kích đối phương và nhiều nhiệm vụ quan trọng khác.
Lực lượng đặc nhiệm GRU trong một buổi huấn luyện. Ảnh: systemaspetsnaz.com
Giống như Cơ quan tình báo Liên Xô (KGB) trước đây, GRU chia thành nhiều đơn vị đặc nhiệm, được gọi là “spetsnaz”, viết tắt của từ "Spetsialnoye nazranie", trong tiếng Nga có nghĩa là "tác chiến ở bất cứ địa hình nào và trong mọi điều kiện".
Lực lượng tinh nhuệ GRU có thể so sánh với các lực lượng nổi tiếng khác như Đội đặc nhiệm không quân (SAS) thuộc Lực lượng đặc nhiệm Anh hay Lực lượng đặc nhiệm Mỹ (SEAL).
Khi mới thành lập, lực lượng đặc nhiệm GRU bao gồm một số đại đội độc lập, mỗi đại đội lên tới 120 người và đến giữa năm 1951 đã có 46 đại đội như vậy.
Năm 1962, các đơn vị này đã được hợp nhất thành các lữ đoàn. Năm 1979, GRU đã có 14 lữ đoàn trực thuộc các quân khu, gần 30 đại đội độc lập trực thuộc bộ và tập đoàn quân.
Ngày nay, lực lượng đặc nhiệm GRU có số lượng tinh gọn, được đào tạo bài bản, nhanh nhẹn, phối hợp hành động nhuần nhuyễn, sử dụng thành thạo nhiều loại vũ khí, trang thiết bị quân sự.
Điểm khác biệt chủ yếu của lực lượng đặc nhiệm với các lực lượng khác, đó là công tác huấn luyện. Lính đặc nhiệm GRU phải trải qua một chương trình huấn luyện với cường độ cực cao và mỗi quân nhân có một giáo án huấn luyện riêng.
Các binh sĩ có chế độ tập luyện rất khắc nghiệt; với các bài tập về thể lực, tâm lý, ngụy trang, cứu thương… cũng như khả năng cơ động và phản xạ.
Ngày nay, lực lượng đặc nhiệm GRU được trang bị các loại vũ khí cực kỳ hiện đại cùng với những phương tiện chiến đấu công nghệ cao để đáp ứng tình hình mới trong thời đại kỹ thuật số.
Theo tờ Le Figaro (Pháp), trong suốt 65 năm hình thành và phát triển, các đơn vị đặc nhiệm của GRU đã tiến hành nhiều chiến dịch quy mô lớn ở nước ngoài.
Trong đó phải kể đến chiến dịch bí mật chiếm sân bay Pra-ha năm 1968, khi các nước thuộc Hiệp ước Vác-xa-va quyết định đưa quân đội vào Tiệp Khắc.
Sau này, các đơn vị đặc nhiệm của GRU còn tiến hành hàng chục chiến dịch khác ở nhiều nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ La-tinh. Thông tin về các chiến dịch của đặc nhiệm Liên Xô phần lớn vẫn còn được giữ bí mật cho đến tận bây giờ.
“Những người lịch sự” - Vỏ bọc của Spetsnaz GRU
Trong bộ phim tài liệu "Crưm: Đường về tổ quốc”, ngoài việc giải thích lý do vì sao Crưm sáp nhập vào Nga, Tổng thống Putin còn khẳng định, ông không sử dụng quyền đưa quân vào Crưm mà Thượng viện Nga trao cho ông trước đó.
Tuy nhiên, ông đã ra lệnh và hướng dẫn cho Bộ Quốc phòng nước này tổ chức lực lượng đặc nhiệm GRU thực hiện nhiệm vụ dưới các vỏ bọc, nhằm tăng cường bảo vệ các cơ sở quân sự cũng như người dân Nga tại Crưm.
Trong cuộc khủng hoảng ở U-crai-na, lực lượng đặc nhiệm GRU xuất hiện như những người lịch thiệp.
Lần đầu tiên cụm từ “những người lịch sự” xuất hiện trên internet là trên một blog của một cư dân mạng có địa chỉ: colonelcassad.livejournal.com/1440088.html, tường thuật diễn biến sự kiện tối 28-2-2014 ở Crưm:
“Khoảng 1 giờ đêm, sân bay Simferopol bị chiếm bởi những người mặc quân phục, mang vũ khí. Họ nhã nhặn đề nghị đội trưởng đội cảnh vệ sân bay và người của ông hãy lịch sự ra đi”.
Đặc biệt, lực lượng đặc nhiệm GRU không có biểu hiện, thái độ đe dọa binh lính U-crai-na và rất hòa đồng với nhân dân trên bán đảo như xếp hàng mua đồ trong siêu thị, chơi đùa với trẻ con hay chụp ảnh với các “chân dài Crưm”.
Đặc nhiệm Nga còn được giao canh gác những điểm khá lạ như nhà trẻ, trường mẫu giáo...
Theo nhận định của các chuyên gia, trong chiến dịch, quân đội Nga đã kết hợp khéo léo nhiều yếu tố tổng hợp về quân sự như: Nghệ thuật tình báo, nghi binh; khả năng chỉ huy, hiệp đồng; khả năng cơ động...
Đồng thời, các tố chất con người của binh lính như: khả năng tác chiến cá nhân; kỹ năng dân vận/địch vận; đức tính kiên trì, nhẫn nại cũng thực sự đáng khâm phục.
Điều này đã giúp Nga giải giáp toàn bộ lực lượng U-crai-na ở Crưm, phá vỡ các âm mưu gây chia rẽ, kích động chiến tranh, bảo vệ an toàn cuộc trưng cầu dân ý và quá trình chuyển giao lãnh thổ Crưm từ tay U-crai-na sang Nga.
Ngày 16-3-2014, Bán đảo Crưm đã sáp nhập vào Nga theo kết quả cuộc trưng cầu dân ý với sự ủng hộ của 97% cử tri.
Đến cuối ngày 20-3-2014, ông Pu-tin ký sắc lệnh công nhận 72 đơn vị quân đội, xí nghiệp quốc phòng, bao gồm cả con người và phương tiện, vũ khí U-crai-na đồn trú ở Crưm vào hàng ngũ quân đội Nga.
Theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Xéc-gây Sôi-gu (Sergei Shoigu), đến nay Nga đã thành lập ở Crưm 7 binh đoàn (cỡ sư đoàn) và 8 đơn vị (cỡ trung đoàn) với các chức năng khác nhau.