Hãng thông tấn Yonhap ngày 2/11, dẫn các nguồn tin trong chính phủ và quân đội nước này cho hay Triều Tiên vừa đưa vào hoạt động một tàu ngầm có từ thời Liên Xô được cải hoán lại và có khả năng phóng tên lửa đạn đạo.
Nguồn tin trên cho biết, Triều Tiên đã mua một tàu ngầm diesel lớp Golf từ thời Liên Xô và tân trang lại. Chiếc tàu ngầm thuộc diện này được chế tạo vào năm 1958 và được cho loại biên vào năm 1990.
Sau khi được Triều Tiên “hồi sinh”, nó trở thành một tàu ngầm mới có chiều dài 67 m, bề rộng 6,6 m, lượng giãn nước khi lặn là 3000 tấn và có khả năng phóng tên lửa đạn đạo từ dưới mặt nước. Tàu ngầm lớp Golf của Liên Xô mang theo tên lửa đạn đạo R-21 đơn tầng được trang bị đầu đạn 1.180 kg có tầm bắn tối đa là 1.420 km.
Theo Yonhap, chiếc tàu ngầm này của Triều Tiên có thể chính là chiếc tàu ngầm lạ tại khu neo đậu của nhà máy đóng tàu Sinpo South mà trang web 38 North chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên đã phát hiện ra hồi tháng trước dựa trên dữ liệu ảnh vệ tinh.
Để có thể gắn được ống phóng tên lửa đạn đạo lên chiếc tàu ngầm này, Triều Tiên đã thực hiện hàng loạt vụ thử cả trên mặt đất và trên biển. Website 38 North cũng phát hiện một bệ phóng thử tên lửa đạn đạo được xây dựng ngay trong nhà máy đóng tàu Sinpo South.
Theo các chuyên gia quân sự Hàn Quốc cho rằng đến nay Triều Tiên vẫn chưa có được công nghệ triển khai tên lửa đạn đạo xuống tàu ngầm, và họ sẽ phải thử nghiệm hàng chục lần nữa mới có thể hoàn thiện được công nghệ này.
Ông Joseph Bermudez, chuyên gia về vũ khí quốc tế nhận định: “Triều Tiên phải mất một hoặc hai năm nữa mới có thể hoàn thành các cuộc thử nghiệm phóng tên lửa thẳng đứng từ dưới biển”.
Hình ảnh về chiếc tàu ngầm bí ẩn của Triều Tiên
Thông tin về chiếc tàu ngầm lớp Golf xuất hiện trong Hải quân Triều Tiên đã lý giải được phần nào về chiếc tàu ngầm bí ẩn đã được truyền thông quốc tế đăng tải trong những ngày gần đây.
Hãng thông tấn Yonhap trước đó còn cho biết: "Quá trình xem xét hình ảnh từ vệ tinh thương mại... cho thấy có một cơ sở thử nghiệm mới tại xưởng đóng tàu Nam Sinpo của Triều Tiên, có thể nhằm nghiên cứu khả năng phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm hoặc từ tàu có khả năng phóng tên lửa thẳng đứng".
Nhận định này được xem là khá phù hợp với thông tin tình báo của Hàn Quốc, cho rằng Triều Tiên đang phát triển một loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM).
Nguồn tin cho biết thêm: "Cơ sở mới có kích cỡ và thiết kế phù hợp với việc nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm quá trình tên lửa ra khỏi ống phóng cũng như đánh giá khả năng tương thích với tàu ngầm, tàu chiến".
Các chuyên gia lần đầu phát hiện việc Bình Nhưỡng xây dựng cơ sở này vào mùa thu năm ngoái và nó được cho là hoàn thành hồi tháng 4/2014. Cơ sở mới có một bệ phóng bằng bê tông kích thước 35 m x 30 m, cao khoảng 12 m.
Tuy nhiên, Bermudez cho rằng không nên phóng đại quá mức mối đe dọa tiềm tàng từ SLBM của Triều Tiên. "Nếu theo đuổi khả năng này, Triều Tiên sẽ phải mất nhiều năm để thiết kế, phát triển, sản xuất và điều động một lực lượng tàu ngầm có khả năng phóng tên lửa".
Yonhap cho biết, hiện nay Triều Tiên được cho là sở hữu công nghệ tên lửa đạn đạo phức tạp sau khi thực hiện hàng loạt vụ phóng thử tên lửa tầm xa suốt nhiều thập niên. Trong lần thử nghiệm gần đây nhất vào năm 2012, Bình Nhưỡng đã đưa một vệ tinh lên quỹ đạo, động thái bị lên án là thử nghiệm công nghệ tên lửa đạn đạo.
Các chuyên gia cho rằng công nghệ tên lửa này khi kết hợp thành công với chương trình hạt nhân, Triều Tiên có thể chế tạo tên lửa hạt nhân đạn đạo liên lục địa có khả năng bắn tới Mỹ.
Trong khi đó ngày 28/10, Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi Triều Tiên từ bỏ chương trình tên lửa đạn đạo, gọi chương trình cùng các hoạt động liên quan là "vi phạm rõ ràng nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc".