Lỗ hổng trong tác chiến hiện đại vũ khí công nghệ cao

Lê Ngọc Thống |

Tác chiến hiện đại phụ thuộc vào công nghệ đến mức một con tàu khu trục tên lửa, chỉ cần đánh hỏng hệ thống radar là nó trở thành “thùng sắt nổi”.

Ngày nay khi nói đến chiến tranh hiện đại với vũ khí công nghệ cao thì hầu như ai cũng hình dung được các hình thức tác chiến. Từ hình thức tác chiến không-biển cho đến tác chiến phi đối xứng…mà gần như quên mất các hình thức tác chiến được sử dụng trong 2 thế chiến I và II.

Nền khoa học càng phát triển thì các hình thức tác chiến trong chiến tranh hiện đại chủ yếu sử dụng vũ khí thông minh mà người lính ít trực tiếp đối đầu. Tác chiến trên biển xảy ra thì trên các tàu chiến hiện đại hầu như không thấy xuất hiện người lính trên boong tàu mà trước nắt họ là các máy tính, màn hình tinh thể lỏng…Tuy nhiên, nếu như…thì điều gì sẽ xảy ra?

Sau đây là 2 tình huống mà nó sẽ biến phương tiện vũ khí CNC thành một tên khổng lồ mù, vô dụng.

Phá hoại hệ thống định vị toàn cầu GPS, GLONASS

Các nhà quân sự có nghĩ đến tình huống này không thì chưa rõ, vì thực tế thế giới đang dùng GPS của Mỹ và GlONASS của Nga để phục vụ cho hàng hải, mà mỗi hệ thống, riêng trên trời đã có 21 vệ tinh.

Tuy nhiên thực tế trên khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Trung Quốc đã thử nghiệm thành công tên lửa bắn vệ tinh năm 2007 và Mỹ, Nhật Bản cũng thừa khả năng làm chuyện đó.

Không những thế, để phá hoại hệ thống định vị hàng hải không chỉ có cách là bắn hạ vệ tinh mà phá hoại các trạm trên mặt đất cũng gây hậu quả như nhau. Vậy khi GPS hay GLONASS bị bắn hạ (rất khó xảy ra) hay bị phá hoại (rất có thể vì đây là một hệ thống chứ không phải riêng vệ tinh) thì điều gì sẽ xảy ra?

Dễ nhận thấy là, các tàu hoạt động trên biển nói chung và tàu quân sự nói riêng, ngày nay đều phải qua nó để xác định vị trí tàu. Hàng hải dẫn tàu trên biển, công việc quan trong nhất là xác định vị trí tàu (XĐVTT).

Đây là công việc mà hoàn thành nó thì sỹ quan hoa tiêu hàng hải, thuyền phó, thuyền trưởng con tàu, nói gọn lại là cán bộ thuyền phải mất 2/3 thời gian đào tạo trong nhà trường hay học viện về 2 môn: Xác định vị trí tàu bằng thiên văn và bằng địa văn. Tuy nhiên khi có phương tiện XĐVTT bằng vệ tinh thì cán bộ thuyền vô cùng nhàn nhã, họ không cần động đến các phương pháp kia với kính 1/6, với góc gió dòng ép…rườm rà, phức tạp. Tác nghiệp trên hải đồ, không còn vị trí tàu dự tính nữa mà vị trí xác thực, có độ chính xác cao.

Khi hoạt động trên biển, nếu không có hệ thống XĐVTT bằng vệ tinh thì cán bộ thuyền bắt buộc phải XĐVTT bằng thiên văn hoặc địa văn. Ở biển xa, bằng phương pháp địa văn là không thể, do đó, chỉ bằng phương pháp thiên văn. Tuy nhiên, khi bầu trời mù mịt thì thiên văn cũng bó tay, lúc đó, biết được vị trí tàu ở đâu chính xác trên hải đồ là điều …không tưởng.

Khi không xác định được vị trí tàu chính xác thì không xác định được vị trí mục tiêu cụ thể trên bờ, thậm chí mục tiêu là một hòn đảo. Bởi vậy, khi hành trình, hoạt động trên biển, người thuyền trưởng biết được tàu mình ở đâu trên hải đồ là rất quan trọng, đặc biệt là những con tàu hoạt động xa bờ, nếu không, đó chỉ là một con tàu mù.

Hiện nay, thuyền trưởng ta cũng như tây, hoàn toàn dựa một trong hai hệ thống đó để XĐVTT. Vậy khi bị phá hoại thì thuyền trưởng tây, do hoạt động xa bờ nên phải dùng bằng thiên văn để XĐVTT mà không có sự hỗ trợ từ các trạm Radar từ đất liền. Trong khi đó thuyền trưởng ta thì may mắn hơn là nếu còn trong tầm quản lý của radar bờ thì được chỉ cho biết vị trí, còn không thì cũng như tây cả thôi.

Một câu hỏi đặt ra là liệu các ngài thuyền trưởng ta và tây có quen XĐVTT bằng thiên văn nữa hay không? Phải mất hơn 20 phút mới xác định được vị trí tàu, nhưng sai số không phải là nhỏ và không phải lúc nào cũng dùng được thiên văn. Và, lúc đó, các ngài sử dụng vũ khí CNC làm sao cho chính xác?

Radar dẫn bắn trên tàu bị bắn hỏng

Chiến tranh không tiếp xúc hay còn gọi là tác chiến điện tử nhằm làm “mù và điếc” đối phương, luôn xảy ra đồng thời với cuộc chiến với những nội dung, hình thức tác chiến rất đa dạng, phức tạp mà ta không có tham vọng để nhận thức hết được.

Ở đây, chúng ta chỉ quan tâm vấn đề nhỏ hơn là liệu có khi nào hệ thống radar dẫn bắn trên tàu bị bắn hỏng hay không và khi đó điều gì sẽ xảy ra?

Tên lửa chống radar AGM-88 HARM được phóng đi từ một chiếc máy bay chiến F-16 của Không quân Mỹ.

Tên lửa chống radar AGM-88 HARM được phóng đi từ một chiếc máy bay chiến F-16 của Không quân Mỹ.

Việt Nam đã từng đối đầu với tên lửa AGM-45 Shrike. Tên lửa chống ra đa AGM-45 Shrike là loại tên lửa diệt radar chủ động, tầm bắn của nó chỉ khoảng 10-15 km. Khi phát hiện ra sóng radar đối phương, phi công sẽ "khóa" mục tiêu và phóng tên lửa.

Thời gian bay (15km) đến mục tiêu là 50 giây, trong suốt khoảng thời gian đó, để đảm bảo tên lửa trúng đích, radar phải liên tục phát sóng. Nếu Radar thực hiện chế độ “bật-tắt” thì AGM-45 Shrike sẽ mất tác dụng.

Tuy nhiên, các loại tên lửa chống bức xạ ngày nay với đầu dò tinh vi hơn, tầm bắn xa hơn. Tên lửa AGM-88 Harm có tầm bắn tới 90km, Kh-31P của Nga có tầm bắn lên đến 110km, có khả năng chống lại chiến thuật “bật - tắt” radar bằng cách xác định và ghi nhớ vị trí các dàn radar ngay khi chúng được bật và chuyển sang chế độ tác chiến bằng định vị GPS khi mất tín hiệu.

Như vậy, tên lửa diệt radar ngày càng phát triển và chỉ trừ những radar thụ động là khó bị tiêu diệt, ngoài ra thì khi chúng đã “đánh hơi” được thì bay đến ngay và luôn mà các hệ thống radar khó chống đỡ. Rủi thay, hệ thống radar trên tàu toàn loại radar chủ động.

Còn nhớ, Nhật Bản đã lên tiếng cáo buộc, một tàu khu trục nhỏ của Hải quân Trung Quốc đã chĩa radar hướng dẫn tên lửa ngắm bắn mục tiêu vào một trực thăng quân sự của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản hôm 19/1/2013 và tiếp đó là vào tàu khu trục Yudachi của hải quân Nhật hôm 30/1/2013…

Rõ ràng, công nghệ phát triển thì các radar dẫn bắn trên tàu khi hoạt động luôn bị đối phương phát hiện, cho nên tạo ra một đường dẫn nguy hiểm cho các loại tên lửa diệt radar bay đến.

Đến đây, có thể khẳng định rằng, việc hệ thống radar trên tàu bị tên lửa đối phương “gây hỏng hóc” là không tránh khỏi. Lúc đó điều gì sẽ xảy ra?

Lúc đó, tên lửa đối hải trên tàu chỉ là cục sắt gỉ là đương nhiên rồi; hệ thống phòng không tầm xa, tầm gần, cho đến pháo AK-30 2 nòng, 6 nòng, AK-72…chỉ bắn tự động theo radar mà không có chế độ bắn cơ nên cũng như đống sắt phế liệu. Và, một con tàu hiện đại như thế có khác gì một gã không lồ mù, tay chân bị xích trói?

Việt Nam phải làm gì?

Đã là tàu chiến hiện đại thì tàu chiến Việt Nam cũng không tránh khỏi những hậu quả trên. Chắc chắn khi xung đột trên biển xảy ra, sẽ có nhiều tàu của 2 phía bị trúng tên lửa diệt radar.

Vậy, liệu chúng ta có đua hết sức để mua sắm những tàu chiến hiện đại với đối phương hay là theo hướng mua sắm những tên lửa diệt radar hiện đại? Rõ ràng là đánh chìm một khu trục hạm của địch là rất tốn kém, nguy hiểm, trong khi bắn hỏng radar tàu địch lại dễ hơn mà hiệu quả lại như nhau là làm cho tàu địch mất sức chiến đấu. Chẳng hạn như tàu TT-400TP của Việt Nam sẽ dùng loại vũ khí nào khi hệ thống radar bị bắn hỏng, ngoài súng 14ly5?

Vì thế, tất nhiên con nhà nghèo phải chọn cách ưu tiên cho tên lửa diệt radar. Đó cũng được coi như vũ khí cho tác chiến phi đối xứng

Tên lửa Kh-31P Việt Nam đã đang có, nhưng chưa kinh qua chiến trường bằng loại tên lửa AGM-88 Harm của Mỹ là điều mà chúng ta cần quan tâm.

Như vậy, tác chiến trong chiến tranh hiện đại vũ khí CNC không phải là không có những yếu điểm chết người. Các hoạt động trong tác chiến đều liên quan với nhau như trong một guồng máy mà bất kỳ một sự trục trặc nào cũng ảnh hưởng nghiêm trọng cho sự vận hành. Vấn đề là các nước bị tấn công phải tìm đúng điểm kết nối nào dễ bị đánh và khi bị đánh thì làm tê liệt cả hệ thống. Không những thế phải chuẩn bị những “cây đèn cầy để phòng khi mất điện”, đó là những thứ phương tiện, vũ khí tấn công không phụ thuộc vào sóng điện từ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại