Đây là trực thăng đa năng hiện đại trang bị cho tàu CSB DN-2000?

Bình Nguyên |

Trong phóng sự "Việt Nam tự đóng mới tàu Cảnh sát biển" của Truyền hình QPVN, xuất hiện trực thăng đa năng EC-145 đi kèm cùng mô hình tàu tuần tra DN-2000 số hiệu 8002 của CSB.

Như vậy, có thể thấy, với tiến độ đóng tàu tuần tra đa năng hiện đại cỡ lớn DN-2000, Cảnh sát biển Việt Nam cũng đã có những bước đi theo lộ trình, phù hợp với việc phát triển lực lượng và phương tiện trang bị đồng bộ, trong đó có trực thăng.

Trực thăng - Cánh tay nối dài của những soái hạm

Nhiệm vụ chính của các tàu DN-2000 là tuần tra xa bờ dài ngày, duy trì luật pháp trên biển và bảo vệ chủ quyền; tìm kiếm cứu nạn; cung cấp thực phẩm, nhiên liệu, nước ngọt cho các lực lượng bảo vệ biển đảo; thi hành các nhiệm vụ dân sự khác.

Mặc dù với tính năng hoàn hảo, các tàu CSB cỡ lớn này có thể tự đảm đương mọi nhiệm vụ từ A-Z trên biển. Tuy nhiên, nếu có thêm trực thăng chuyên dụng, thì chúng sẽ là những cánh tay nối dài, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ tuần tra xa bờ, dài ngày.

Trong trường hợp có sự cố xảy ra, các trực thăng sẽ giúp công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn được nhanh chóng trên khu vực rộng hơn.

Quả đúng vây, không phải ngẫu nhiên mà tất cả các tàu tuần tra đa năng DN-2000 hiện đại của Cảnh sát biển Việt Nam đều có sàn đáp và trang thiết bị phục vụ cho trực thăng hạng trung tới 14 tấn cất, hạ cánh làm nhiệm vụ trên biển.

Trước nay, trong mô hình tàu DN-2000 (số hiệu 8001), trực thăng hải quân Ka-28 được coi như là bạn đồng hành không thể thiếu, nhưng trên thực tế nó chỉ mang tính thuyết minh rằng tàu có thể tiếp nhận và phục vụ các dòng máy bay hạng trung tương tự.

Đây là trực thăng đa năng hiện đại trang bị cho tàu CSB DN-2000? - Ảnh 1.

Cặp đôi tàu tuần tra đa năng DN-2000 và Ka-28 (hoặc biến thể Ka-32) từng được giới thiệu. Ảnh: Cục Cảnh sát biển Việt Nam.

Cũng cần nói thêm rằng, số lượng trực thăng Ka-28 của Hải quân Việt Nam đang có là không lớn và là nòng cốt của lực lượng không quân săn ngầm, không thể chuyển giao cho Cảnh sát biển, trừ trường hợp "đặc biệt".

Trong khi nhiệm vụ chính của Cảnh sát biển là tuần tra, tìm kiếm cứu nạn thì Ka-28 vốn là trực thăng vũ trang (săn ngầm) sẽ không thích hợp, nếu có, thì chỉ là phiên bản trực thăng vận tải, tìm kiếm cứu nạn Ka-32A11BC, một biến thể của Ka-28.

Tuy nhiên, dường việc trang bị loại trực thăng cỡ lớn như vậy tại thời điểm này là chưa thật cần thiết, thế nên, nhu cầu về một loại trực thăng thế hệ mới nhỏ, nhẹ hơn mới là ưu tiên lớn hơn.

Mãi cho tới gần đây, khi phóng sự "Việt Nam tự đóng mới tàu Cảnh sát biển" của Truyền hình QPVN được giới thiệu, ta mới thấy rõ hơn về khả năng trực thăng đa năng EC-145 sẽ được Cảnh sát biển Việt Nam đưa vào trang bị đi kèm cùng các tàu CSB DN-2000.

Đây là trực thăng đa năng hiện đại trang bị cho tàu CSB DN-2000? - Ảnh 2.

EC-145 có thể làm nhiệm vụ cứu thương, tìm kiếm cứu nạn cực tốt.

Trực thăng EC-145 - Cặp đôi hoàn hảo cùng DN-2000

Trực thăng Eurocopter EC-145 (nay là Airbus Helicopters) là dòng trực thăng dân sự đa dụng hạng nhẹ 2 động cơ hết sức hiện đại. Kể từ khi đưa vào sử dụng từ năm 2006, đến nay, đã có hơn 350 chiếc máy bay loại này được xuất xưởng.

Chúng được sử dụng phổ biến bởi các lực lượng cảnh sát, tìm kiếm, cứu nạn, cấp cứu y tế và vận tải hạng nhẹ.

Trong khi EC-145 thường được sử dụng bởi các lực lượng dân sự, thì một biến thể quân sự của nó là UH-72A cũng được sản xuất song song. Các biến thể này có thể mang được nhiều loại vũ khí nhẹ và có thể thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ như EC-145.

Đây là trực thăng đa năng hiện đại trang bị cho tàu CSB DN-2000? - Ảnh 3.

Phiên bản UH-72A của EC-145.

Chưa rõ, phiên bản trực thăng EC-145 nào đã được Cảnh sát biển Việt Nam đặt mua, nhưng chí ít nó phải là loại thích hợp nhất với nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, đặc biệt là cấp cứu trên biển.

Khả dĩ nhất chính là phiên bản EC-145 sử dụng 2 động cơ Turbomeca Arrius 1E2 với công suất 551 kW (738 mã lực) mỗi chiếc.

Lựa chọn này là hợp lý, bởi lẽ các trực thăng EC-155 hiện có của Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam (Binh đoàn Hải Âu) cũng sử dụng động cơ Turbomeca Arrius (phiên bản 2C2), giúp dễ dàng trong việc bảo dưỡng, sửa chữa và tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành.

Hơn nữa, Eurocopter (nay là Airbus Helicopters) được coi là nhà cung cấp dịch vụ tin cậy, không chỉ bởi các dòng máy bay trực thăng hiện đại, tính năng ưu việt mà còn cả dịch vụ hậu mãi, bảo dưỡng, sửa chữa tương đối hoàn hảo.

Hy vọng, một ngày không xa, các trực thăng EC-145 sẽ cặp đôi cùng các tàu tuần tra đa năng DN-2000 của Cảnh sát biển Việt Nam.

Thông số kỹ thuật cơ bản (của trực thăng EC-145)

Kíp bay: 1 hoặc 2 phi công; Năng lực chuyên chở: tới 9 hành khách hoặc 2 cáng cứu thương cùng kíp cứu hộ hoặc vận tải với lượng hàng hóa lên tới 1.793kg;

Kích thước: Dài 13,02m; cao: 3,45m; Trọng lượng rỗng: 1.792 kg; Trọng lượng cất cánh tối đa: 3.585 kg; Đường kính cánh quạt chính: 11m;

Tính năng hoạt động: Tốc độ hành trình: 269km/h (167 dặm/h); Tầm bay: 685km (426 dặm); Trần bay: 4.018m; Tốc độ leo cao: 8,13m/giây (1.600 ft/phút).

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại