Lịch sử phát triển của tiêm kích đa năng Rafale

ĐTN |

Tiêm kích Rafale do Pháp chế tạo được đánh giá là một trong những máy bay chiến đấu đa năng hàng đầu thế giới hiện nay.

Lời giới thiệu

Trong những thập kỷ gần đây, Không quân luôn là lực lượng quân sự đầu tiên tham gia vào tất cả các cuộc khủng hoảng hoặc chiến tranh, từ Falklands đến vùng Vịnh, từ Bosnia đến Kosovo, từ Afghanistan tới Libya, và gần đây hơn Mali, Cộng hòa Trung Phi, Iraq và Afghanistan.

Hàng không quân sự là vũ khí chiến lược nhất hiện nay, cả về hiệu quả chiến đấu và các công nghệ quan trọng được sử dụng trên nó.

Trong chiến tranh hiện đại, chiếm ưu thế trên không luôn là nhiệm vụ phải thực hiện đầu tiên, để các nhiệm vụ không đối đất và không đối biển có thể được tiến hành một cách an toàn và hiệu quả.

Trong xung đột phi đối xứng và chống nổi dậy, cánh tay trên không cũng đi đầu trong các hoạt động quân sự, tính linh hoạt và hỏa lực mạnh của nó đảm bảo giữ vững ưu thế vượt trội.

Rafale C của Armée de lAir được triển khai đến cuộc xung đột ở Lybia năm 2011
Rafale C của Armée de l'Air được triển khai đến cuộc xung đột ở Lybia năm 2011

Trường hợp của tiêm kích đa năng Rafale, khả năng đa nhiệm (Omnirole) của nó hoàn toàn phù hợp với việc thực hiện các yêu cầu tác chiến trong phạm vi rộng nhất với số lượng nhỏ nhất máy bay phải huy động.

Lịch sử phát triển

Nguồn gốc ra đời

Vào giữa thập niên 1970, Không quân Pháp (Armée de l'Air) và Hải quân (Marine Nationale) đã yêu cầu một chiếc tiêm kích thế hệ mới để thay thế những máy bay đã lỗi thời.

Vì yêu cầu của 2 bên là tương tự và để giảm chi phí, cả hai bộ phận thống nhất phát triển một dòng máy bay chung. Trong năm 1975, Bộ Hàng không Pháp bắt đầu nghiên cứu một phi cơ mới để bổ sung là Dassault Mirage 2000, với mỗi máy bay được tối ưu hóa cho các vai trò khác nhau.

Máy bay tiêm kích đa năng Dassault Mirage 2000-5

Tiêm kích đa năng Dassault Mirage 2000-5

Năm 1979, Dassault của Pháp gia nhập chương trình ECF (European Collaborative Fighter/Máy bay tiêm kích do châu Âu phát triển) do MBB/BAe khởi xướng, sau đó chương trình được đổi tên thành ECA (European Combat Aircraft/Máy bay tiêm kích của châu Âu).

Công ty của Pháp đưa ra mô hình máy bay tiêm kích 1 chỗ ngồi, 2 động cơ tên là ACX. Tuy nhiên, dự án này bị sụp đổ vào năm 1981 do yêu cầu vận hành của mỗi nước đối tác là khác nhau.

Năm 1983, chương trình FEFA (Future European Fighter Aircraft/Máy bay tiêm kích châu Âu tương lai) được khởi xướng. Các nước Ý, Tây Ban Nha, Tây Đức, Pháp và Anh đã cùng nhau thiết kế một máy bay tiêm kích mới, mặc dù sau này cả ba đã có những phát triển của riêng họ.

Năm 1984, Pháp nhắc lại yêu cầu của mình cho một phiên bản hoạt động trên tàu sân bay (trong giai đoạn Pháp làm lãnh đạo dự án). Ý, Tây Đức và Anh đã lựa chọn và thành lập chương trình EFA (European Fighter Aircraft/Máy bay tiêm kích châu Âu) mới.

Vào ngày 2/8/1985, Tây Đức, Anh và Ý đã đồng ý đi về phía trước với Eurofighter và xác nhận rằng Pháp cùng với Tây Ban Nha không tiến hành như một thành viên của dự án.

Bất chấp sức ép từ Pháp, Tây Ban Nha gia nhập trở lại dự án Eurofighter vào đầu tháng 9/1985. Còn Pháp chính thức rút khỏi chương trình EFA để theo đuổi dự án ACX riêng của mình, sau này đã trở thành Dassault Rafale.

Mô hình ACX (Avion de Combat eXpérimental) của Pháp
Mô hình ACX (Avion de Combat eXpérimental) của Pháp

Giai đoạn phát triển

Tại Pháp, chính phủ tiến hành với chương trình riêng của mình. Bộ Quốc phòng Pháp cần một chiếc máy bay có khả năng không đối không và không đối đất, hoạt động được cả ngày lẫn đêm trong thời tiết xấu.

Không giống như các dự án tiêm kích châu Âu đương thời khác mà yêu cầu một mức độ của sự hợp tác quốc tế và chia sẻ chi phí, Pháp là nhà phát triển duy nhất của khung thân, hệ thống điện tử, động cơ và trang bị vũ khí nhằm mục đích thay thế một số máy bay phục vụ trong lực lượng vũ trang Pháp.

Rafale sẽ thực hiện các vai trò của những máy bay trước đây, bao gồm Jaguar, F-8P Crusader, Mirage F1C/CR/CT, Mirage 2000-5/ N, Étendard IVP/ M và Super Étendard.

Super Étendard của Marine Nationale
Super Étendard của Marine Nationale

Trong tháng 10 đến tháng 12/1978, trước khi Pháp tham gia chương trình ECA, Dassault đã nhận hợp đồng phát triển dự án ACT 92 (Avion de Combat Tactique). Năm sau, Cục Nghiên cứu Hàng không bắt đầu đánh giá các cấu hình có thể của máy bay tiêm kích mới dưới tên mã Rapace.

Đến tháng 3/1980, số lượng cấu hình đã được thu hẹp xuống còn 4 mô hình, 2 trong số đó là máy bay có cánh mũi, cánh delta và 1 cánh đuôi đứng. Trong tháng 10/1982, Bộ Quốc phòng Pháp thông báo rằng Dassault sẽ xây dựng một mô hình kỹ thuật tên là Avion de Combat eXpérimental (ACX).

Pháp muốn hợp tác với Tây Đức và Anh trong dự án này, nhưng đến năm 1984, chính phủ Pháp đã quyết định tiến hành phát triển ACX một mình do các tiêu chuẩn kỹ thuật trái ngược nhau của các quốc gia tham gia chương trình FEFA.

Dự án ACX (trên) và ATC 92 (dưới)
Dự án ACX (trên) và ATC 92 (dưới)

Kết quả đã cho ra đời mẫu thử nghiệm kỹ thuật Rafale A, đây là máy bay tiêm kích 1 chỗ ngồi cánh delta với cánh mũi tự động, sử dụng hệ thống kiểm soát Fly-By-Wire (FBW).

Công việc chế tạo mẫu thử nghiệm bắt đầu từ tháng 3/1984, thậm chí trước khi hợp đồng được ký với cơ quan mua sắm quốc phòng của DGA, Pháp.

Mẫu thử nghiệm kỹ thuật được giới thiệu vào tháng 12/1985 tại Saint-Cloud và thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 4/7/1986 từ căn cứ Istres-Le Tubé ở miền nam nước Pháp.

Trong suốt chuyến bay kéo dài một giờ, trưởng phi công thử nghiệm Guy Mitaux-Maurouard đưa máy bay lên độ cao 11.000 m với tốc độ Mach 1,3. Mẫu thử nghiệm nặng 9,5 tấn dừng lại ở 300 mét khi hạ cánh.

Phi công thử nghiệm Guy Mitaux-Maurouard và chiếc Rafale A
Phi công thử nghiệm Guy Mitaux-Maurouard và chiếc Rafale A

Trong suốt quá trình bay thử nghiệm, Rafale A cất cánh cả ngày lẫn đêm trên tàu sân bay Foch (thuộc lớp Clemenceau) để điều tra trường nhìn của phi công khi hoạt động trên hàng không mẫu hạm.

Rafale A đạt tốc độ Mach 2 ở độ cao 13.000 m, ban đầu máy bay dùng động cơ turbine phản lực General Electric F404-GE-400 từ F/A-18 Hornet thay vì Snecma M88 để giảm rủi ro thường đi kèm với các chuyến bay đầu tiên.

Nhưng đến tháng 5/1990, M88 thay thế F404 trên mẫu thử để cho phép máy bay đạt tốc độ Mach 1,4 khi bay hành trình siêu âm (supercruise) mà không phải đốt nhiên liệu lần 2. Sau 865 chuyến bay với 4 phi công thử nghiệm, Rafale A đã nghỉ hưu vào tháng 1/1994.

Rafale A trong một chuyến bay thử nghiệm
Rafale A trong một chuyến bay thử nghiệm

Tại thời điểm Rafale A thực hiện chuyến bay đầu tiên, Pháp bước vào cuộc đàm phán không thành công với Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan và Na Uy về khả năng hợp tác để Rafale thành một dự án đa quốc gia. Khi đó, Bỉ đã được báo cáo là quan tâm đến Rafale B.

Tháng 6/1987, Thủ tướng Jacques Chirac tuyên bố Pháp sẽ tiến hành dự án 30 tỷ USD này. Sau đó, ngày 21/4/1988, chính phủ Pháp ký với Dassault hợp đồng phát triển 4 nguyên mẫu Rafale: 1 chiếc Rafale C, 2 chiếc Rafale M và 1 chiếc Rafale B.

Tổng cộng có 330 chiếc Rafale đã được lên kế hoạch sản xuất để đưa vào phục vụ trong Quân đội Pháp từ năm 1996.

Rafale A hạ cánh trên tàu sân bay Foch
Rafale A hạ cánh trên tàu sân bay Foch

Tuy nhiên, sự sụp đổ của Bức tường Berlin đã báo hiệu sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh cũng như sự cần thiết phải giảm thâm hụt ngân sách quốc gia, buộc chính phủ Pháp phải cắt giảm đáng kể chi tiêu quốc phòng.

Ngân sách năm 1994 cho chương trình Rafale bị cắt bớt 340 triệu USD, điều này làm giảm số lượng các đơn đặt hàng Rafale. Dassault và những công ty khác nói rằng việc này làm cản trở công việc quản lý sản xuất và dẫn đến chi phí cao hơn, khiến Rafale bị trì hoãn đưa vào phục vụ.

Không quân Pháp được tổ chức lại, Mirage 5F bị loại bỏ hoàn toàn và tổng cộng 55 Mirage F1C được nâng cấp thành máy bay chiến đấu chiến thuật có tên Mirage F1CT. Việc cắt giảm ngân sách đã kéo dài đáng kể quá trình phát triển của Rafale.

Máy bay tiêm kích bom Mirage 5F đã được Pháp cho nghỉ hưu vào những năm đầu thập niên 1990

Tiêm kích bom Mirage 5F đã được Pháp cho nghỉ hưu vào những năm đầu thập niên 1990

(Còn tiếp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại