Khám phá tên lửa hành trình nổi tiếng Tomahawk (P1)

Trịnh Thái Bằng |

Tomahawk - tên lửa hành trình Mỹ, được trang bị trên tất cả các phương tiện của Hải quân - Không quân - Lục quân. Đồng thời cũng là vũ khí răn đe chủ yếu của sức mạnh Mỹ hiện nay.

Mỗi khi nước Mỹ thực hiện một kế hoạch áp đặt bằng bạo lực thành lập nền dân chủ cho một đất nước nào đó, chúng ta thường nghe thấy những cụm từ khá quen thuộc:

Không lực Hoa kỳ tiến hành không kích bằng vũ khí có độ chính xác cao, các tàu khu trục và các tàu ngầm nguyên tử Mỹ triển khai các đòn tấn công bằng tên lửa hành trình Tomahawk. Vậy "chiếc rìu" có độ chính xác cao của người Indian là thế nào?

Vào những năm 1970, Hải quân Xô viết đã trở thành lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới về vũ khí trang bị, phương tiện chiến đấu trên biển lớn.

Các tàu tuần dương dự án 58, tàu khu trục dự án 61, tàu ngầm nguyên tử dự án 675, được biên chế các tên lửa hành trình có khả năng tiêu diệt hầu hết các át chủ bài (tàu sân bay Mỹ) như P-35 (tầm bắn 350 km), P-15 (tầm bắn 85 km), P-5D ( tầm bắn 500 km).

Cấu trúc của các tàu tên lửa với vũ khí trang bị trên tàu đã gây lên sự kinh hoàng và hoảng loạn đến căm thù của các lực lượng Hải quân Bắc Đại Tây Dương, tạo lên những viễn cảnh đáng sợ từ Hải quân Xô viết.

Tất cả các chiến hạm của Mỹ và NATO đều được chế tạo từ thời kỳ Đại chiến thế giới thứ 2, vũ khí tác chiến trên biển chủ yếu là máy bay, pháo hạm hạng nặng và ngư lôi.

Đến thời điểm đó, vũ khí trên biển của Phương Tây thật sự đã lỗi thời, ngoại trừ 41 chiếc tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa hạt nhân của Mỹ - hoàn toàn mang tính chiến lược và gắn bó với NATO chỉ trên phương diện hình thức.

Đồng thời có hai chiến hạm - tàu tuần dương tên lửa chạy bằng năng lượng nguyên tử URO "Long Beach" tàu sân bay chạy bằng năng lượng nguyên tử "Enterprise" là tương đối hiện đại.

Năm 1971 Bộ tư lệnh lực lượng Hải quân Mỹ khởi động chương trình nghiên cứu phát triển tên lửa hành trình chiến lược dành cho các tàu ngầm hạt nhân chiến lược. Thời điểm ban đầu, các nhà nghiên cứu đề xuất 2 phương án tên lửa hành trình.

Phương án 1: Đây là tên lửa hành trình lớn có đường kính đến 55 inch, sử dụng hệ thống máy phóng tên lửa đạn đạo "Polaris" UGM-27, được loại bỏ từ lực lượng tên lửa.

Phương án này có kế hoạch trang bị tên lửa hành trình hạng nặng có tầm bắn rất lớn - đến 3.000 hải lý và bố trí các tên lửa này trên hơn 10 tàu ngầm nguyên tử lớp "George Washington" và "Eten Allen" trong các ống phóng tên lửa đạn đạo Polaris.

Như vậy, các tàu ngầm nguyên tử này sẽ được trang bị các tên lửa hành trình hạng nặng cấp chiến lược.

Phương án 2: Tên lửa hành trình hạng nhẹ cấp chiến thuật, có đường kính 21 inch tầm bắn đến 1.500 hải lý được phóng bằng ống phóng ngư lôi 533 mm của tàu ngầm.

Khám phá tên lửa hành trình nổi tiếng Tomahawk (P1) - Ảnh 1.

Phóng tên lửa Tomahawk từ tàu khu trục

Tháng 7/1972, Phương án tên lửa hành trình phóng bằng ống phóng ngư lôi được duyệt. Chương trình có tên là SLCM (Sea Launched Cruise Missile) - tên lửa có cánh phóng từ các phương tiện mang trên biển.

Tháng 1/1976 đã lựa chọn 2 phương án có tính khả thi rất cao nhằm mục đích đưa vào thử nghiệm cạnh tranh. Thiết kế 1 của hãng General Dynamics: UBGM-109A, thiết kế 2 của hãng LTV: UBGM-110A.

Tháng 2/1976, bắt đầu thử nghiệm các nguyên mẫu tên lửa được phóng từ tàu ngầm dưới nước. Tên lửa BGM-109A là người chiến thắng ở giai đoạn đầu của thử nghiệm.

Khám phá tên lửa hành trình nổi tiếng Tomahawk (P1) - Ảnh 2.

Phóng tên lửa Tomahawk từ dưới tàu ngầm

Tháng 3/1976, Bộ tổng tham mưu lực lượng Hải quân Mỹ đã quyết định, SLCM (tên lửa hành trình) sẽ là vũ khí tấn công cơ bản cấp chiến dịch - chiến thuật và cũng là tên lửa cấp chiến lược của các chiến hạm nổi.

Tháng 4/1980 thử nghiệm bay lần thứ nhất tên lửa hành trình BGM-109A, tên lửa được phóng từ tàu khu trục Mỹ Merrill (DD-976).

Tháng 6/1976 đã tiến hành thử nghiệm thành công phóng tên lửa từ tàu ngầm. Sự kiện này đã trở thành quen thuộc trong lịch sử phát triển vũ khí tên lửa trên biển: tên lửa hành trình cấp chiến lược được phóng từ tàu ngầm Hải quân Mỹ Guitarro SSN-665.

Trong vòng 3 năm liên tục đã tiến hành phóng thử nghiệm hơn 100 tên lửa. Tháng 4/1983, đại diện Hải quân Mỹ tuyên bố: "Tên lửa đã đạt được các tiêu chuẩn khai thác sử dụng, sẵn sàng được đưa vào biên chế trong lực lượng vũ trang".

Khám phá tên lửa hành trình nổi tiếng Tomahawk (P1) - Ảnh 3.

Phóng tên lửa BGM-109 trên tàu tuần dương tên lửa "Ticonderoga"

BGM-109 Тomahawk - tên lửa hành trình có cánh được phóng từ các phương tiện mang trên biển, trên không và trên mặt đất.

Tên lửa được thiết kế theo mẫu máy bay cánh đơn - thân tên lửa là ống trụ tròn, hai cánh chính có thể gấp lại và được lắp ở trọng tâm tên lửa và bốn cánh ổn định đuôi hình chữ thập.

Thân tên lửa được chế tạo từ hợp kim nhôm, một số các bộ phận và bề mặt khí động học của tên lửa được chế tạo từ nhựa tổng hợp graphite-epoxy và trong suốt đối với các sóng radio.

Khám phá tên lửa hành trình nổi tiếng Tomahawk (P1) - Ảnh 4.

Sơ đồ cấu tạo chung tên lửa Tomahawk

Để giảm độ phản xạ hiệu dụng, trên thân tên lửa, cánh tên lửa và bộ cánh ổn định đuôi được sơn phủ bằng lớp vật liệu hấp thụ sóng radar. Tên lửa được phân chia thành 6 khoang:

- Khoang thứ 1 - thiết bị của hệ thống điều khiển tên lửa và dẫn đường mục tiêu;

- Khoang thứ 2 - đầu đạn với bộ phận khóa an toàn và bộ phận kích nổ đạn,

- Khoang thứ 3 - thùng nhiên liệu thứ 1;

- Khoang thứ 4 - đường dẫn động bộ phận mở cánh, thùng nhiên liệu thứ 2 và thứ 3 (thể tích toàn bộ các thùng nhiên liệu là 600 kg JP-9);

- Khoang thứ 5 - đầu hút không khí và pin nhiệt điện;

- Khoang thứ 6 - động cơ hành trình và các đường dẫn động cánh ổn định và cánh lái đuôi tên lửa, kết nối với khoang này là động cơ tăng tốc tên lửa nhiên liệu rắn Atlantic Research Mk 106 có lực đẩy là 26,7 kN (6000 pound) và thời gian hoạt động là 12 giây.

Trong tên lửa được lắp đặt động cơ phản lực cánh quạt đẩy turbofan kích thước nhỏ có khối lượng là 58 kg, chiều dài 0,94 m, đường kích 0,305 m DTRD Williams F107 - WR-400 cho lực đẩy 2,7 kN (272 kg).

Hệ thống điều khiển và tự dẫn tên lửa hành trình là một tổ hợp 3 hệ thống thứ cấp xếp lần lượt, để hệ thống thứ cấp tiếp theo sửa lỗi của hệ thống trước.

Khám phá tên lửa hành trình nổi tiếng Tomahawk (P1) - Ảnh 5.

Hệ thống thứ cấp 1: Hệ thống dẫn đường quán tính, hoạt động trong giai đoạn đầu và giai đoạn giữa của quỹ đạo đường bay tên lửa TAINS (TERCOM Assisted Inertial Navigation System) có khối lượng 11 kg.

Hệ thống bao gồm máy tính điện tử, hệ thống hạ tầng quán tính và thiết bị đo độ cao bằng áp suất khí quyển.

Hệ thống hạ tầng quán tính dạng Strapdown INS bao gồm 3 con quay hồi chuyển đo tốc độ góc và 3 bộ gia tốc kế. Hệ thống duy trì khả năng dẫn đường với độ sai lệch không quá 1 m trên 1 km đường bay.

Hệ thống thứ cấp 2: Hệ thống so sánh tương quan hình thể địa hình theo mặt cắt thẳng đứng của công ty McDonnell Douglas AN/DPW-23 TERCOM (Terrain Contour Matching), hệ thống hoạt động ở giai đoạn giữa và giai đoạn cuối của quỹ đạo bay tên lửa.

Hệ thống bao gồm máy tính điện tử, thiết bị radar đo độ cao. Trong máy tính điện tử trên ổ cứng lưu trữ các mảnh bản đồ kỹ thuật số địa bàn, nơi tên lửa sẽ bay qua. Độ rộng của tia radar khoảng từ 13 - 15 độ ( tần số 4 - 8 GHz).

Nguyên tắc làm việc của hệ thống được dựa trên cơ sở so sánh địa hình của khu vực, nơi đang có mặt tên lửa hành trình tham chiếu với các mảnh bản đồ mẫu tiêu chuẩn trên quỹ đạo tên lửa bay.

Xác định địa hình chuẩn được thực hiện bằng các thông số của chùm tia quét radio và thiết bị đo độ cao áp suất khí quyển.

Thiết bị đầu tiên đo khoảng cách từ tên lửa đến mặt đất (độ cao thực), thiết bị thứ hai đo độ cao bay với mặt biển. Thông tin địa hình được lưu trữ trong bộ nhớ máy tinh, phần mềm sẽ so sánh với những thông số thực tế thu được từ địa hình thực.

Máy tính sẽ đưa ra các thông số để điều chỉnh hệ thống dẫn đường quán tính. Toàn bộ quỹ đạo đường bay của tên lửa trên đất liền được chia ra làm 64 ô điều chỉnh với chiều dài đến 8 km và chiều rộng từ 2 - 48 km.

Hệ thống thứ 3: Hệ thống so sánh điện tử - quang học AN/DXQ-1 DSMAC (Digital Scene Matching Area Correlation), hệ thống cho phép tên lửa đánh trúng mục tiêu với độ sai lệch 10 m.

Hệ thống sử dụng ảnh kỹ thuật số trên nền tảng quang ảnh và ảnh hồng ngoại, những bức ảnh kỹ thuật số này được chụp liên tiếp trên quỹ đạo đường bay của tên lửa. Hệ thống DSMAC bắt đầu làm việc ở giai đoạn cuối của quỹ đạo tên lửa, sau hệ thống TERCOM.

Camera sẽ tiến hành rà quét khu vực mục tiêu, các hình ảnh thu được được đưa vào máy tính điện tử, phần mềm máy tính sẽ so sánh với các chuẩn khu vực mục tiêu, được lưu trữ trong ổ cứng.

Các sai lệch sẽ được chuyển thành lệnh sang hệ thống điều khiển hiệu chỉnh lại quỹ đạo bay của tên lửa.

Hệ thống định vị vệ tinh GPS: cung cấp thông tin chính xác về vị trí của tên lửa trên quỹ đạo bay.

Tính năng kỹ chiến thuật tên lửa Tomahawk:

Tomahawk là tên lửa hành trình tầm xa, đa nhiệm, có thể phóng từ các phương tiện mang khác nhau trên không, trên biển, trên đất liền và dưới đại dương.

Nhà sản xuất: Công ty Raytheon Missile Systems

Động lực: Sử dụng động cơ turbofan (động cơ phản lực cánh quạt đẩy) Williams International F107-WR-402 và động cơ tăng tốc phản lực nhiên liệu rắn.

Kích thước: dài 18 feet 3 inches (5,56 m); với động cơ tăng tốc: 20 feet 6 inches (6,25 m). Đường kính: 20,4 inches (51,81 cm). Sải cánh: 8 feet 9 inches (2,67 m).

Khối lượng: 2.650 pounds (1.192,5 kg); 3.200 pounds (1.440 kg) với động cơ phản lực tăng tốc.

Tốc độ bay: Cận âm 880 km/h

Tầm bắn: mục tiêu trên đất liền, tầm bắn đạt tới 600 hải lý, hoặc 690 dặm Anh - 1.104 km

Nguyên tắc hoạt động của tên lửa Tomahawk

Khám phá tên lửa hành trình nổi tiếng Tomahawk (P1) - Ảnh 6.

Cấu tạo chung tên lửa BGM-109 Tomahawk

Robert Aldridge - Kỹ sư cao cấp General Dynamics - mô tả sản phẩm của mình trên tạp chí "The Nation" bài "Lầu Năm Góc trên đường chiến tranh", từ 27/3/1982:

“Phương án chiến lược của tên lửa được tính sao cho, với vận tốc 0,7M tên lửa bay được một quãng đường xa nhất trên độ cao 20.000 ft (6.096 m).

Trong giai đoạn này tên lửa tiết kiệm được nhiều nhiên liệu nhất và bay được khoảng cách xa nhất. Hệ thống dẫn đường quán tính điều khiển tên lửa ở chế độ bay autopilot, liên tục được điều chỉnh bởi hệ thống TERCOM.

TERCOM có thể điều chỉnh tên lửa bay theo quỹ đạo đặt trước với độ chính xác rất cao, cùng với hệ thống quang điện tử DSMAC ở giai đoạn cuối của đường bay, cho phép tên lửa đánh trúng mục tiêu với sai lệch không quá 10 m.

Khi tên lửa tiếp cận không gian phòng ngự của đối phương, tên lửa sẽ hạ xuống độ cao rất thấp, từ 30 m đến 130 m.

Khám phá tên lửa hành trình nổi tiếng Tomahawk (P1) - Ảnh 7.

Tên lửa Tomahawk bay theo địa hình trên độ cao từ 30 - 130 m

Với khả năng tàng hinh (công nghệ stealth), tên lửa có khả năng vượt qua mọi hệ thống phòng không hiện đại nhất.

Khi khoảng cách đến mục tiêu còn khoảng 50 hải lý (80,5 km) tên lửa sẽ hạ độ cao xuống còn 15 m so với địa hình và tăng tốc độ lên đến 1,2M để tấn công mục tiêu.

Các phương thức tấn công mục tiêu theo sự lựa chọn của yêu cầu nhiệm vụ, tính chất mục tiêu và khả năng bảo vệ.

Do đặc điểm tên lửa được chế tạo trong thời kỳ chiến tranh lạnh, đối tượng tác chiến chính là Lực lượng quân đội Xô viết, tên lửa có thể mang được đầu đạn hạt nhân.

Trong giai đoạn phát triển, tên lửa đã có nhiều biến thể đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ của chiến tranh và xung đột khu vực.

Tên lửa Tomahawk được sử dụng trên nhiều phương tiện mang khác nhau, và có thể tấn công nhiều mục tiêu khác nhau trên biển và trên đất liền.

(Còn tiếp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại