"Hổ bay" số 1 châu Âu so tài cùng "Thợ săn đêm" Mi-28 Nga

Việt Đức |

(Soha.vn) - EC-665 Tiger có hệ thống điện tử tối tân với đơn giá siêu "khủng", trong khi đó, Mi-28 lại nổi bật về khả năng mang vũ khí cùng tốc độ bay ấn tượng.

Nói trên trực thăng tấn công, Mỹ-Nga là 2 quốc gia gần như thống trị trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, gần đây, châu Âu đã tham gia vào lĩnh vực phát triển trực thăng tấn công nhằm trang bị cho quân đội các nước trong khu vực, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào Mỹ.

EC-665 Tiger được phát triển bởi tập đoàn Eurocopter vào năm 1991, giới thiệu vào năm 2003, đưa vào phục vụ từ năm 2010. Tiger được đánh giá là trực thăng tấn công hiện đại nhất châu Âu. Tuy nhiên, loại trực thăng tấn công hiện đại này so với các loại trực thăng tấn công cùng loại của Nga như thế nào.?

Hãy cùng so sánh tính năng của EC-665 Tiger với trực thăng tấn công Thợ săn đêm Mi-28 của Nga.

Thiết kế

EC-665 có thiết kế tiêu chuẩn dành cho trực thăng với rotor chính 4 lưỡi cùng rotor đuôi 4 lưỡi được bố trí về bên phải của đuôi trực thăng. Tiger có thiết kế với 2 phi công điều khiển trước sau, trực thăng này có thân hẹp với khả năng tàng hình tương đối cao.

Mi-28(ở trên) có tốc độ bay cực nhanh trong khi tàng hình và nhanh nhẹn chính là điểm mạnh của Tiger(ở dưới)

Mi-28 (ở trên) có tốc độ bay cực nhanh trong khi tàng hình và nhanh nhẹn chính là điểm mạnh của Tiger (ở dưới)

Tiger thực sự là một sản phẩm tinh hoa công nghệ của châu Âu, các nhà thiết kế đã nhấn mạnh tính năng cơ động cùng khả năng sống sót cao trên chiến trường. Theo Andrew Warner, phi công thử nghiệm chính của dự án, “tàng hình và sự nhanh nhẹn” chính là điểm khác biệt của EC-665 so với các trực thăng tấn công khác trên thế giới.

Thân máy bay được làm từ 80% sợi carbon gia cố bằng polymer kết hợp với giáp Kevlar, 11% nhôm và 6% titan. Toàn bộ phần đuôi được làm bằng vật liệu tổng hợp, cánh quạt chính được làm bằng vật liệu composite có khả năng chống chịu va đập mạnh. Tiger được thiết kế với khả năng chống sét và xung điện rất tốt.

Mi-28 cũng có thiết kế tương tự với rotor chính 4 lưỡi cùng một rotor đuôi kép chữ X được bố trí bên phải đuôi trực thăng. Trực thăng này cũng được thiết kế với 2 phi công trước - sau. Mi-28 cũng có thiết kế thân hẹp và không có khả năng chở quân như Mi-24 nhưng vẫn có một khoang nhỏ có thể chứa 3 người.

Buồng lái của Mi-28 được bọc thép hạng nặng có khả năng chống chịu đạn súng máy hạng nặng cỡ nòng đến 14,5mm. Trực thăng được thiết kế với 2 hệ thống phao sẽ bung ra khi bị trúng đạn, cho phép phi công nhảy dù thoát ra ngoài.

Nhìn chung, Mi-28 được thiết kế theo kiểu “nồi đồng cối đá” đặc trưng của Liên Xô trước đây và Nga hiện nay. Trong khi đó, EC-665 lấy sự nhanh nhẹn và tính năng tàng hình làm chủ đạo đúng theo phong cách phương Tây.

Hệ thống điện tử

EC-665 hội tụ những đỉnh cao của công nghệ điện tử hàng không châu Âu. Trái tim của Tiger là hệ thống quản lý chiến đấu EUROGRID, nó được hiển thị lên màn hình dưới dạng bản đồ số, cho phép phi hành đoàn nhận thức các tình huống trên chiến trường một cách rất linh hoạt.

Tiger được trang bị hệ thống điều khiển bay tự động kỹ thuật số, hệ thống truyền dữ liệu tiêu chuẩn MIL-STD-1553. Hai máy tính dự phòng sử dụng cho nhiệm vụ điều khiển vũ khí và hệ thống cảm biến. Mỗi phi công được trang bị mũ bay tích hợp kỹ thuật số HMD.

HMD tạo sự tương tác giữa phi công và hệ thống cảm biến, vũ khí, giúp việc kiểm soát mục tiêu và khai hỏa vũ khí trở nên dễ dàng hơn. Cảm biến quan trọng nhất của Tiger là hệ thống tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu Osiris. Hệ thống này gồm có một camera quang-truyền hình, một hệ thống tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu ảnh nhiệt, một hệ thống tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu bằng laser cùng một hệ thống con quay hồi chuyển.

Osiris được gắn phía trên nóc cabin hoặc phía trên đỉnh của rotor chính, nó có thể hoạt động ở chế độ chủ động hoặc thụ động và tương thích với hầu hết các vũ khí trang bị cho trực thăng theo tiêu chuẩn NATO. Cảm biến này hoạt động theo hướng nhìn của phi công.

Mi-28 được trang bị hệ thống tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu ảnh nhiệt phía trước mũi máy bay cùng một hệ thống đo xa laser ở phía trên. Biến thể nâng cấp Mi-28N được bổ sung thêm radar bước sóng milimet Arbalet ở trên đỉnh rotor chính, phi công được bổ sung thêm hệ thống hiển thị mục tiêu trên mũ bay.

Cảm biến của Mi-28 có thể di chuyển trong phạm vi ±110 độ theo chiều ngang, từ 13-40 độ theo chiều lên xuống. Hệ thống cảm biến này được điều khiển theo hướng nhìn của phi công. Xét về hệ thống điện tử Mi-28 nói riêng và các vũ khí khác của Nga vẫn kém Mỹ và châu Âu về độ tinh vi, đặc biệt là các hệ thống tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu ảnh nhiệt.

Tải trọng vũ khí

Mi-28 hay những vũ khí khác của Nga luôn nổi tiếng về hỏa lực cực mạnh. Trực thăng này được trang bị 2 cánh phụ hai bên hông có thể mang theo tới 16 tên lửa chống tăng Ataka-V cùng 2 hệ thống phóng rocket không điều khiển cùng lúc.

Ngoài ra, nó còn có thể mang theo 8 tên lửa không đối không Igla-V, R-73, dưới mũi trực thăng được trang bị 1 pháo tự đông 2A42 30mm cơ số 250 viên đạn.

Tiger(ở trên) có khả năng tấn công mục tiêu với độ chính xác cao còn Mi-28(ở dưới) lại có hỏa lực cực mạnh.

Tiger (ở trên) có khả năng tấn công mục tiêu với độ chính xác cao còn Mi-28 (ở dưới) lại có hỏa lực cực mạnh.

Tải trọng vũ khí của EC-665 Tiger khá khiêm tốn so với Mi-28. Trực thăng này được trang bị 2 cánh phụ có thể mang theo cùng lúc 8 tên lửa chống tăng AGM-114 hellfire, hoặc 8 tên lửa chống tăng Spike-LR, hoặc 8 Pars-3 LR hoặc 8 HOT3.

Nó còn có thể mang theo 2 tên lửa không đối không Mistral hoặc hệ thống phóng rocket không điều khiển. Phía trước mũi trực thăng được trang bị 1 pháo tự động GIAT 30mm cơ số 450 viên đạn.

Khả năng cơ động

EC-665 Tiger được trang bị 2 động MTR390 turboshafts công suất 1.303 mã lực/chiếc. Động cơ được thiết kế hoạt động rất êm cùng khả năng che chắn hồng ngoại ưu việt giúp trực thăng có khả năng tiếp cận mục tiêu một cách bí mật. Biến thể Tiger HAP được trang bị động cơ công suất 1.464 mã lực/chiếc.

Động cơ này giúp Tiger đạt tốc độ tối đa 315km/h, tốc độ tiết kiệm nhiên liệu 230km/h. Tiger có phạm vi hoạt động với nhiên liệu nội bộ 800km, 1.300km với nhiên liệu bổ sung, trần bay 4.000 mét.

Mi-28 được trang bị 2 động cơ TV3-117VMA turboshaft công suất lên đến 2.200 mã lực/chiếc, giúp nó đạt tốc độ tối đa tới 320km/h, tốc độ hành trình 270km/h. Tuy nhiên, công suất động cơ càng lớn càng ngốn nhiều nhiên liệu, phạm vi hoạt động với nhiên liệu nội bộ của Mi-28 chỉ có 435km.

Nếu mang theo nhiên liệu bổ sung, phạm vi hoạt động tối đa của Mi-28 khoảng 1.100km. Phạm vi hoạt động ngắn luôn là hạn chế của các trực thăng tấn công Nga. Thời gian ở lại chiến trường ngắn hơn so với đối thủ là một bất lợi khá lớn, đặc biệt là ở nhiệm vụ trinh sát và chống tăng.

Nhìn chung, Mi-28 không có nhiều đột phá so với tiền bối của nó là Mi-24. Mặc dù có hệ thống hỏa lực mạnh cùng tốc độ cao nhưng hệ thống điện tử của nó vẫn chưa thật sự tinh vi. Trong khi đó, EC-665 không có được khả năng mang vũ khí hạng nặng nhưng lại có sự nhanh nhẹn cùng hệ thống điện tử tối tân.

Dù được đánh giá rất cao nhưng EC-665 Tiger lại có đơn giá “siêu khủng”, mỗi con Hổ bay có đơn giá lên đến 27 triệu Euro (gần 37 triệu USD), biến thể Tiger HAD lên đến 35,6 triệu Euro (48,7 triệu USD), đơn giá này tương đương với 1 chiếc tiêm kích Su-30MKII của Nga. Tiger chính là trực thăng tấn công đắt nhất thế giới.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại