Tướng John Rossi, tư lệnh Trung tâm hỏa lực quân đội Mỹ tại căn cứ Fort Sill, bang Oklahoma thừa nhận “Trong hơn 2 thập kỷ qua, quân đội Mỹ đã bỏ qua mối đe dọa từ phòng không tầm thấp mà chỉ tập trung phát triển các tên lửa phòng không tầm trung và tầm xa”.
Hiện tại, quân đội Mỹ vẫn có một số hệ thống phòng không tầm thấp như AN/TWQ-1 Avenger để bảo vệ các cơ sở quân sự trước mối đe dọa từ tên lửa hành trình, máy bay không người lái, trực thăng và các mục tiêu bay thấp khác.
Tuy nhiên, năng lực tác chiến của Avenger tương đối yếu, hệ thống này đã có thời gian sử dụng khá dài nên không còn đáp ứng được với các mối đe dọa ở hiện tại cũng như tương lai.
Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh của các loại tên lửa hành trình, UAV và các mục tiêu bay thấp khác buộc Mỹ phải xem xét lại năng lực phòng không tầm thấp.
Trang mạng tiếng Nga Military-informant ngày 10/3 cho biết, quân đội Mỹ đang tiến hành phát triển hệ thống phòng không tầm thấp mới mang tên IFPC Inc. 2-I.
Hệ thống này tương tự hệ thống phòng không tích hợp Pantsir-S1 của Nga về phương thức hoạt động, điểm khác là nó không có pháo.
Moscow có nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển các hệ thống phòng không tầm thấp và đạt được nhiều tiến bộ hơn so với Mỹ.
IFPC là một hệ thống phòng không tầm thấp di động, vũ khí chính là tên lửa không đối không AIM-9X block II. Đây là loại tên lửa dẫn đường hồng ngoại với cảm biến tinh vi nhất hiện nay.
Cấu hình hệ thống bao gồm: Xe mang phóng chứa 15 ống phóng kiêm container bảo quản, xe radar tìm kiếm mục tiêu và điều khiển hỏa lực AN/MPQ-64 Sentinel, xe chỉ huy và kiểm soát bắn.
Trong đó, AN/MPQ-64 là một radar 3D băng tần X, nó có khả năng bao quát mục tiêu 360 độ, phạm vi phát hiện mục tiêu khoảng 75 km.
Tên lửa AIM-9X sử dụng trên máy bay có tầm bắn tối đa khoảng 35 km, tuy nhiên, tầm bắn và độ cao khi sử dụng cho nhiệm vụ phòng không chưa được tiết lộ.
Trong tháng 1/2015, tập đoàn Lockheed Martin đã nhận được hợp đồng trị giá 46,5 triệu USD để phát triển hệ thống phòng không IFPC, dự kiến, hệ thống đầu tiên sẽ được bàn giao cho quân đội Mỹ vào năm 2019.
So với Pantsir S1 của Nga, IFPC được thiết kế dạng rời với xe mang phóng, radar và điều khiển riêng chứ không tích hợp vào cùng một xe như của Pantsir. Xét về khả năng cơ động và tác chiến độc lập, hệ thống của Nga vượt trội so với của Mỹ.
Hệ thống của Mỹ mang nhiều tên lửa hơn nhưng không có 2 pháo bắn nhanh 30 mm. Sự kết hợp giữa pháo và tên lửa trên Pantsir cho phép nâng cao hiệu suất tác chiến, đặc biệt là với các mục tiêu bay nhanh như tên lửa hành trình.