Hàn Quốc chật vật với vũ khí tự chế

Tham vọng lớn nhưng con đường phát triển công nghệ quốc phòng của Hàn Quốc còn lắm gian nan. Có thể nhận thấy điều này trong một số dự án vũ khí như tên lửa Cá mập đỏ hay xe thiết giáp lội nước K-21.

“Cá mập đỏ” hay “cướp cò” và thiếu chính xác

Cá mập đỏ (Hongsangeo) là tên lửa chống ngầm hạng nhẹ, được thiết kế để có thể phóng đi từ ống phóng thẳng đứng do Đại học Khoa học công nghệ Hàn Quốc cùng Cơ quan phát triển quốc phòng và Hải quân nước này hợp tác. Dự án được khởi động từ năm 2.000 nhưng phải tới năm 2009 mới chính thức bước vào hoạt động với mức đầu tư tới 145 triệu USD.

Hàn Quốc chật vật với vũ khí tự chế
Tên lửa chống ngầm Cá mập đỏ. Ảnh: Chosun

Bên trong Cá mập đỏ là ngư lôi Cá mập xanh (K457) có khối lượng phóng 820kg, dài 5,7m, đường kính thân 0,38m. Ngư lôi lắp động cơ rocket TVC có tầm bắn 19km.

Khi phóng, Cá mập đỏ sẽ bay tới khoảng cách nhất định, rồi phóng ra Cá mập xanh rơi xuống biển. Sau đó, Cá mập xanh sẽ độc lập tìm kiếm tiêu diệt mục tiêu. Giai đoạn 2010-2012, Hàn Quốc bắt đầu sản xuất đợt đầu 60-70 tên lửa Cá mập đỏ và triển khai trên các tàu khu trục KDX-II (8 quả) và KDX-III (16 quả).

Tuy nhiên, nhiều cuộc thử nghiệm loại ngư lôi này thường kết thúc với kết quả Cá mập đỏ ... mất tích hoặc kém chính xác.

Cuối tháng 6.2012, tàu hộ vệ tên lửa của Hải quân Hàn Quốc đã vô tình “cướp cò” phóng đi một quả tên lửa chống ngầm Cá mập đỏ trong cuộc tập trận ở tỉnh Nam Chungcheong. Theo nguồn tin, quả ngư lôi đã không phát nổ và chìm xuống dưới nước. Một sự việc tương tự đã diễn ra trong năm 2009.

Hàn Quốc chật vật với vũ khí tự chế
Nhiều chuyên gia đánh giá, độ chính xác kém của Cá mập đỏ không do “ngẫu nhiên” mà ở thiết kế. Ảnh: The Korea Times.

Không chỉ vậy, tới ngày 25.7.2012, Hàn Quốc đã bắn thử nghiệm tên lửa Cá mập đỏ tấn công công mục tiêu dưới mặt nước tại bờ biển ở Pohang (cách Seoul 270km về phía Tây Nam). Tuy nhiên, ngư lôi đã không đánh trúng mục tiêu, và mất tích dưới làn nước biển.

Tính từ tháng 10.2012, Cá mập đỏ chỉ đạt tỉ lệ trúng mục tiêu 62,5%, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đề ra đối với vũ khí chính xác cao là 75%.

Sự thất bại của Cá mập đỏ nâng mức báo động về tỷ lệ chính xác của vũ khí dẫn đường chính xác cao do Hàn Quốc phát triển. Vào giữa tháng 3.2012, các chuyên gia quân sự Hàn Quốc kết luận, Cá mập đỏ đã không đáp ứng được yêu cầu của quân đội.

Cơ quan phát triển quốc phòng và Hải quân Hàn Quốc quyết định thực hiện việc đánh giá lại toàn bộ hệ thống. Nhiều chuyên gia đánh giá, độ chính xác kém của Cá mập đỏ không do “ngẫu nhiên” mà ở thiết kế.

Thiết giáp lội nước K-21 bị chìm khi bơi

Với vũ khí trên mặt đất, Hàn Quốc cũng gặp nhiều khó khăn trong dự án phát triển xe chiến đấu bộ binh K-21.

K-21 có trọng lượng 26 tấn, được trang bị 1 động cơ đốt trong, 1 bộ dẫn tiến phụt nước và các gối khí sườn xe. K-21 có tốc độ tối đa trên cạn 70 km/h và 7 km/h khi bơi. Xe được trang bị 1 pháo 40 mm với cơ số đạn 200 viên, 2 tên lửa chống tăng và 1 súng máy đồng trục 7,62 mm. Dự án K-21 được đầu tư khoảng 78 triệu USD.

Hàn Quốc chật vật với vũ khí tự chế
Xe chiến đấu bộ binh K-21. Ảnh: Army Recognition

Ban đầu, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc dự định mua 1.000 xe K-21, song sau đó giảm xuống số lượng đặt mua còn 450 chiếc. Nguyên nhân cắt giảm không được nêu rõ.

Tuy nhiên, qua báo chí, người ta biết, trong các cuộc diễn tập hồi cuối năm 2009 và giữa năm 2010, xe K-21 bị chìm khi vượt vật cản nước. Đáng tiếc, theo Quân đội Hàn Quốc, trong 2 sự cố này đã có một binh sĩ thiệt mạng.

Báo cáo về 2 vụ tai nạn cho biết: K-21 đã không đáp ứng được tiêu chí duy trì 20% sức nổi khi lội nước. 54% trọng lượng xe nghiêng về phía trước, dẫn đến mất cân bằng, làm nước chảy vào trong qua các ống hút không khí của động cơ.

Hàn Quốc chật vật với vũ khí tự chế
K-21 đã không đáp ứng được tiêu chí duy trì 20% sức nổi khi lội nước.

Kích thước tấm chắn sóng không đáp ứng được yêu cầu, chỉ cao 11cm, trong khi tiêu chuẩn phải là 22cm. Khi xe hoạt động ở tốc độ cao, áp suất trong xe giảm xuống, nước ở bên ngoài sẽ tràn vào trong xe nhiều hơn, các bơm nước hoạt động không hiệu quả khiến tình trạng ngập nước tồi tệ hơn.

Những thông tin này ảnh hưởng khá nhiều tới thương vụ xúc tiến xuất khẩu K-21 sang Indonesia.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại