Trong những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước, khi nhận thấy chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” đang lún dần vào thất bại, Mỹ đánh liều chơi canh bạc cuối: đảo chính Xihanúc, lập nên một chính quyền thân Mỹ của Lon Nol.
Cuộc đảo chính diễn ra ngày 18-3-1970. Đó là một sai lầm đối với Nixơn, tạo cơ hội cho 3 anh em nước Việt Nam-Lào-Campuchia đoàn kết, hình thành mặt trận chung chống Mỹ, phối hợp chặt chẽ trong chiến đấu.
Thực hiện tuyên bố chung của hội nghị cấp cao 3 nước Đông Dương, tháng 4-1970, theo yêu cầu của cách mạng Campuchia, một bộ phận quân đội ta được Đảng và Nhà nước cử sang làm nhiệm vụ quốc tế phối hợp chiến đấu với bạn.
Các đơn vị đặc công Nam Bộ cùng với các đơn vị chủ lực tham gia tác chiến ở Campuchia. Đây là thời kỳ cách mạng Miền Nam đang gặp khó khăn, phải đối phó với các chương trình “bình định cấp tốc”, “bình định phát triển”, “bình định có trọng điểm” của địch, nhưng Bộ chỉ huy Miền đã điều chỉnh lực lượng, tập trung một số sư đoàn mạnh và binh chủng (trong đó có Đoàn đặc công-biệt động 367 và Đoàn đặc công 492) mở các chiến dịch phản công, mở rộng vùng giải phóng Campuchia nối với hành lang chiến lược của ta ra tận hậu phương lớn miền Bắc.
Trên chiến trường Campuchia, tháng 5 và 6-1970, Tiểu đoàn đặc công 28 (Sư đoàn 7) tập kích 2 cụm xe cơ giới dã ngoại của sư đoàn 25 Mỹ ở Tà On và Mimốt (Côngpongchàm) phá hủy 48 xe tăng, diệt nhiều địch. Ngày 26-11-1970, Tiểu đoàn đặc công 15 tập kích chiến đoàn 25 ngụy Sài Gòn tại thị xã Côngđonchơrun (Côngpongchàm).
Ngày 9-12, Tiểu đoàn 13 đặc công đánh cụm quân dã ngoại chiến đoàn 333 ngụy quân Sài Gòn tại Ampúc. Ngày 25-12, Tiểu đoàn 14 đặc công tập kích cụm quân dã ngoại của ngụy Sài Gòn ở Côngpongchàm, Krết. Các trận đánh của bộ đội đặc công ta đánh vào những cụm quân lớn của địch đều nhanh chóng giành thắng lợi, đạt hiệu suất chiến đấu cao. Hơn 800 tên chết và bị thương, 20 khẩu pháo, 73 xe quân sự (có 43 xe M113 và M41), nhiều đạn dược, xăng dầu bị phá hủy.
Tháng 11-1971, quân Mỹ- Việt Nam Cộng hòa cùng lực lượng Lon Nol mở cuộc hành quân “Toàn thắng 1-71” đánh vào vùng đông bắc Campuchia nhằm triệt phá kho tàng, căn cứ của bạn. Tiền phương Quân khu 7 mở chiến dịch đường số 6 và đông bắc Campuchia, tiến công, truy kích mãnh liệt quân của Lon Nol.
Trong đội hình chiến dịch, các đơn vị đặc công bám sâu căn cứ hậu phương địch, tham gia chiến đấu ở phía trước và cả phía sau. Các tiểu đoàn đặc công-biệt động 367, 429 và Tiểu đoàn 7 đặc công Phước Long đã luồn sâu đánh địch ở nội và ngoại ở thủ đô Phnôm Pênh.
Những trận tập kích của các đơn vị đặc công ở ngoại ô Phnôm Pênh đã bức rút và tiêu diệt nhiều đồn bốt của địch, giải phóng nhiều vùng dân cư. Hai trận đánh xuất sắc của Đoàn 367 đặc công-biệt động là tấn công vào sân bay Pôchentông và nhà máy lọc dầu ở cảng Côngpongxom.
Sân bay Pôchentông là sân bay lớn nhất ở Campuchia, chứa hơn 100 máy bay chiến đấu và vận tải của ngụy quân Lonnon. Ngày 18-1-1971, sân bay này tiếp nhận thêm 30 máy bay của chính quyền Việt Nam Cộng hòa viện trợ. Được cơ sở nhân dân bạn cung cấp tình hình và đưa đường trinh sát, kết hợp điều nghiên thực tế, Đoàn 367 nắm địch rất nhanh, tỉ mỉ, hạ quyết tâm chính xác.
Anh hùng Tống Viết Dương, người chỉ huy trận đánh sân bay Pôchentông đêm 21 rạng 22-1-1971 (Ảnh tư liệu. Nguồn: Sách "Đặc công - Nỗi ám ảnh của giặc thù)
Đêm 21 rạng 22-1, Đội đặc công 25 và Tiểu đoàn 7 đặc công Phước Long, do đoàn trưởng Tống Viết Dương (được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang 6-11-1978) chỉ huy, chia thành 6 mũi và một bộ phận hỏa lực bí mật tập kích sân bay Pôchentông. Sau một giờ chiến đấu quyết liệt, các đơn vị đã phá hỏng 105 máy bay các loại , toàn bộ thiết bị chỉ huy sân bay và gần 100 xe ô tô, 350 phi công và nhân viên kỹ thuật bị diệt, gần như một quân chủng của địch bị loại khỏi vòng chiến đấu. Đây là một trận đánh lớn, đạt hiệu suất chiến đấu rất cao.
Hơn 95% máy bay và phi công của quân đội Lon Nol bị diệt. Sân bay phải ngừng hoạt động hơn 10 ngày để sửa chữa. Toàn bộ kế hoạch chi viện bằng đường không cho cuộc hành quân “Toàn thắng 1-71” bị phá sản, góp phần vào thất bại tan tác của địch trong chiến dịch “Chenla 2” trên mặt trận đường 6-đông bắc Campuchia.
Đối với địch, đây là một thiết hại rất nặng, quá sức tưởng tượng của chúng. Sau trận Pôchentông, quân địch càng hoang mang lo sợ về khả năng tiến công rất sâu, đánh rất trúng, rất hiểm của bộ đội đặc công Việt Nam.
Sân bay Pôchentông tháng 1-1971. Ảnh: Website Không quân Hoàng gia Australia.
Phát huy thắng lợi của trận đánh sân bay Pôchentông, 10 ngày sau, Đoàn 367 lại tổ chức tiến công nhà máy lọc dầu ở phía bắc cảng Côngpongxom. Trận đánh này do Đại đội 7 và Tiểu đoàn 40 đảm nhiệm. Bằng kỹ thuật điêu luyện và lối đánh táo bạo, các chiến sĩ đã đem những khối thuốc nổ gắn kíp hẹn giờ bí mật đặt vào các mục tiêu, khiến cả khu nhà máy bốc cháy rực trời. Bọn địch sống sót chạy ra các ngả đường bị Tiểu đoàn 40 đánh chặn quyết liệt, tiêu diệt một đại đội. Trận tập kích đã phá hủy 20 bồn chứa dầu và hệ thống dẫn dầu từ biển vào nhà máy.
Từ khi địch mở rộng chiến tranh sang Campuchia, đặc công của Miền với lực lượng không đông lắm, nhưng đánh địch rất xuất sắc, sáng tạo và hiệu quả, tạo thế vây ép, uy hiếp thủ đô Phnôm Pênh, buộc địch phải điều một lực lượng rất lớn (95 tiểu đoàn) về bảo vệ. Chiến công của Đoàn đặc công-biệt động 367 và Đoàn 429 đã tạo thuận lợi cho chủ lực Miền tiến công tiêu diệt địch, đập tan cuộc hành quân “Toàn thắng 1-71” và những hoạt động quân sự của chúng trên chiến trường Campuchia.
Bài viết sử dụng tư liệu từ cuốn “Đặc công – Nỗi ám ảnh của giặc thù” của Thượng tá Hồ Sĩ Thành, Nhà xuất bản Trẻ.