Số tiền trên được phân bổ cho tập đoàn Lockheed Martin (699 triệu USD) và Austal USA (684 triệu USD).
Theo đó, chiến hạm LCS từ 7 tới 10 thuộc lô Flight 0+, gồm 10 tàu, sẽ được Lockheed Martin và Austal USA đóng mới trong năm 2014.
Hiện tại, Hải quân Mỹ sở hữu 4 chiến hạm LCS, gồm USS Freedom/LCS 1, USS Independence/LCS 2, USS Fort Worth/LCS 3, USS Coronado/LCS 4. Toàn bộ thuộc biên chế hải đội LCS Squadron One (LCSRON) đóng tại thành phố San Diego.
LCS được thiết kế để trở thành lớp chiến hạm mặt nước đa nhiệm tương lai cho Hải quân Mỹ. LCS có thể tác chiến tốt ở cả môi trường đại dương, tới các vùng biển nông, ven bờ ẩn chứa nhiều mối nguy cơ. Do có thiết kế dạng mô-đun chiến đấu, LCS có thể nhanh chóng thay thế các mô-đun tùy theo nhiệm vụ được yêu cầu.
Chiến hạm LCS được chế tạo với khả năng “tàng hình”, bề mặt của tàu được làm nhẵn và có lớp phủ giảm tiết diện phản xạ ra-đa. Vũ khí chính của tàu chiến LCS là một hải pháo Mk 110 57mm và hệ thống phóng lôi Mark 54 MAKO, các hệ thống phòng không tầm ngắn, chống ngầm cùng các trang thiết bị điện tử khác.
LCS có hai phiên bản do Lockheed Martin và Austal USA đóng mới. LCS do Austal USA chế tạo sử dụng thép với các siêu kết cấu bằng nhôm. Tàu dài 115,3m, rộng 17,5m và có độ choán nước là 3.000 tấn. Trong khi đó, phiên bản tàu chiến LCS của hãng Lockheed Martin dài 127,8m và rộng 30m, nhưng lại có độ choán nước nhỏ hơn (2.600 tấn).
Hải quân Mỹ hiện có kế hoạch mua khoảng 52 LCS và 13 chiến hạm loại này (LCS-5 tới LCS-16 đang trong quá trình đóng mới hoặc chuẩn bị đóng).